Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm so với cùng kỳ thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung - đóng góp lớn nhất trong ba khu vực kinh tế.
Mặc dù sản xuất nông nghiệp những tháng đầu năm đạt kết quả tương đối tốt nhưng việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xuất khẩu các mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 3/2023 đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 1/2023, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý 1/ 2022.
"Đại gia" ngành tôm thua lỗ
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam giảm 37% so với cùng kỳ, đạt khoảng 600 triệu USD. Do đó, doanh nghiệp thủy sản đang chịu nhiều áp lực như thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu giảm mạnh, chi phí sản xuất tăng cao.
Được mệnh danh là "vua tôm" trong ngành xuất khẩu thủy hải sản, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán: MPC) ghi nhận doanh thu quý 1/2023 đạt 2.122 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm 2023, Minh Phú kỳ vọng doanh thu hợp nhất đạt gần 18.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.146 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 38% so với năm 2022. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đạt được kỳ vọng đã đề ra.
Kết quả kinh doanh quý 1 của Tập đoàn cho thấy, "đại gia" thủy sản lỗ sau thuế 97 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi hơn 90 tỷ đồng. Được biết, lần gần nhất doanh nghiệp ghi nhận thua lỗ là quý 2/2016.
Về nguyên nhân thua lỗ, Minh Phú cho biết chi phí bán hàng giảm 57% so với cùng kỳ, song chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính lại tăng. Trong đó, giá vốn đội lên khiến lợi nhuận gộp giảm 123 tỷ đồng tương đương với khoảng 75%. Biên lãi gộp giảm từ 11% xuống chỉ còn 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, doanh nghiệp này đang gánh khoản nợ phải trả hơn 3.800 tỷ đồng. Khoản vay nợ tài chính chiếm hơn 80% đã khiến chi phí lãi vay phải trả trong quý đầu năm của doanh nghiệp này tăng gần 3 lần, lên 33 tỷ đồng.
Xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn đã khiến cho hàng tồn kho chiếm hơn một nửa tổng tài sản của Minh Phú. Cụ thể, trong 9.502 tỷ đồng tổng tài sản tính đến hết tháng 3, có tới 4.741 tỷ đồng là hàng tồn kho. Trong năm 2022, lượng hàng bán bị trả lại của doanh nghiệp này là 49,4 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ mới 3 tháng đầu năm nay, con số này lên tới 77 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC) báo cáo quý 1/2023 doanh thu giảm 24% so với cùng kỳ 2022, tương đương 1.008 tỉ đồng, tuy nhiên lãi ròng đạt gần 43,7 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân là do doanh nghiệp tôm này đã giảm được 23% giá vốn và chi phí bán hàng giảm 66% dù chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng. Năm 2023, "ông lớn" ngành tôm Sao Ta tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 5.900 tỉ đồng doanh thu và 400 tỉ đồng lãi trước thuế.
Chăn nuôi heo thất thế
Cùng gam màu với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, trước bối cảnh giá heo neo đậu ở mức thấp, chi phí chăn nuôi tăng cao dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi heo khốn đốn với bức tranh kinh doanh xám màu.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 3 tháng đầu năm, chăn nuôi heo gặp bất ổn do giá bán thịt hơi vẫn ở mức thấp trong khi giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao. Trước bối cảnh đó, doanh nghiệp chăn nuôi đã trải qua quý I/2023 với nhiều khó khăn bủa vây, thể hiện rõ qua tình hình sản xuất kinh doanh đi xuống, thậm chí ghi nhận lỗ kỷ lục.
Là một trong những "đại gia" trong ngành chăn nuôi heo, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán: DBC) công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 2.313 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ.
Được biết, Dabaco là doanh nghiệp có thâm niên trong lĩnh vực chăn nuôi heo, tổng đàn heo lên đến hàng triệu con, sản lượng cung ứng xấp xỉ 600.000 - 700.000 con/năm.
Năm 2023, Dabaco đặt mục tiêu doanh thu đạt 24.562 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 569 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thú quý 1/2023, Dabaco ghi nhận lỗ gộp tới 70 tỷ đồng, cộng thêm các khoản thuế phí, doanh nghiệp báo lỗ gần 321 tỷ đồng.
Giải trình kết quả trên, đại diện Dabaco thông tin, quý 1/2023, kinh tế trong nước bị ảnh hưởng mạnh bởi những tác động tiêu cực của giai đoạn hậu Covid-19 và do nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Đứng cùng hàng ngũ trong doanh nghiệp nuôi heo, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF) mặc dù không lỗ nhưng cũng chật vật vượt qua những khó khăn từ thị trường. Theo báo cáo tài chính quý 1/2023, BAF ghi nhận doanh thu đạt 816 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước.
Chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu của BAF đến từ bán nông sản với 58%. Tuy nhiên, doanh thu từ mặt hàng trên trong quý 1/2023 đã lao dốc từ 1.245 tỷ đồng xuống chỉ còn 475 tỷ đồng, tương đương với mức giảm 63%.
Năm 2023, BAF đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.526 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 301 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, công ty đã hoàn thành được 10,8% kế hoạch doanh thu và 1,3% kế hoạch lợi nhuận đề ra của cả năm.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp cho thấy, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận của BAF chỉ vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, giảm đến 95,5% so với số lãi 87,7 tỷ đồng vào quý 1/2022. Đây là mức lợi nhuận thấp kỷ lục từ khi ông chủ "heo ăn chay" niêm yết tới nay.
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các doanh nghiệp trong ngành thua lỗ, Dabaco cho biết, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi liên tục tái phát tại nhiều địa phương trong cả nước làm cho chi phí chăn nuôi tăng cao, trong khi sức mua giảm. Đồng thời, giá bán các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường ở mức thấp suốt thời gian dài, dẫn tới kết quả chăn nuôi của các công ty con giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.