Theo CNBC, vào ngày 7/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết dự kiến thông qua đề án tăng lãi suất trong tháng này. Đề xuất này có thể tiếp tục cả vào tháng 9 nếu cần thiết, cho dù làm trì trệ nền kinh tế.
Thống đốc FED, ông Christopher Waller tin rằng việc tăng lãi suất là cần thiết nếu điều này có thể đáp ứng kỳ vọng của thị trường, nhất là trong nhiệm vụ chống lạm phát.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tăng 75 điểm cơ bản vào giữa tháng 7, có thể tăng thêm 50 điểm vào tháng 9. Sau đó, chúng ta có thể xem xét tình hình thị trường để cân nhắc giảm xuống mức tăng 25 điểm”, ông Waller chia sẻ với Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia.
“Nếu mức lạm phát tiếp tục không giảm, chúng tôi có thể sẽ phải làm hơn thế nữa”, ông nói thêm.
Trước đó vào tháng 6 này, FED đã phê duyệt mức tăng 75 điểm cơ bản, tương đương tăng 0,75% lãi suất cho vay hiện tại. Đây cũng là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994.
Các nhà kinh tế học dự đoán thị trường sẽ không chỉ tiếp nhận mỗi động thái tăng lãi suất vào tháng 7 này, mà nó sẽ tiếp diễn đến khi lãi suất cho vay đạt mức 3,25-3,5% vào cuối năm 2022. Việc tăng lãi suất là một nỗ lực để kiểm soát lạm phát, đặc biệt là khi chỉ số này đang ở mức cao nhất kể từ năm 1981.
Ông Waller bổ sung: “Có thể so sánh lạm phát như một loại thuế đánh vào các hoạt động kinh tế. Thuế càng cao thì nền kinh tế càng bị kìm hãm. Nếu chúng ta không kiểm soát được mức lạm phát thì nền kinh tế sẽ gánh chịu hậu quả tồi tệ".
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên Bang St.Louis (một trong 12 ngân hàng khu vực của FED), ông James Bullard cũng đồng tình với các ý kiến trên. Chủ tịch của St.Louis tin rằng cách tốt nhất là tăng lãi suất ngay bây giờ rồi sau đó đánh giá các tác động của nó.
Ông Bullard cũng đang là một trong những thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC). Trong một bài phát biểu, ông hoàn toàn ủng hộ việc tăng lãi suất lên 75 điểm cơ bản vào thời điểm này.
“Tôi cũng đồng ý với việc đẩy mức lãi suất lên khoảng 3,5% vào cuối năm nay. Sau đó chúng ta có thể đánh giá lại thị trường và xem việc kiểm soát lạm phát có tiến triển như thế nào vào thời điểm đó”, ông nói.
Có thể thấy, cả 2 quan chức cấp cao của FED đều thống nhất rằng những lo ngại về suy thoái kinh tế đang bị thổi phồng quá mức, điều cần thiết là phải giúp nền kinh tế kiểm soát lạm phát.
“Chúng ta cần phải giảm phát. FED sẽ quyết liệt trong việc tăng lãi suất và chấp nhận một số rủi ro về thiệt hại kinh tế, nhưng chúng tôi tin rằng thị trường lao động sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều”, ông Waller phát biểu.