Kịch bản cho VN-Index tháng 2
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán BSC khẳng định về quá trình giảm phát đã bắt đầu tại Hoa Kỳ và thông điệp bỏ ngỏ của FED về thời gian ngừng tăng lãi suất trong năm 2023 cho thấy môi trường lãi suất cao sẽ tiếp tục duy trì, tuy nhiên đây là cơ sở quan trọng để NHNN linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, áp lực điều hành tỷ giá đã giảm bớt khi lượng kiều hối về Việt Nam ghi nhận mức kỷ lục gần 19 tỷ USD trong 2022 – Top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới, đồng thời NHNN cũng đã bổ sung một lượng đáng kể ngoại tệ vào nguồn dự trữ quốc gia, điều này sẽ tạo tiền đề, dư địa để Chính phủ hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp, tạo động tăng trưởng cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện tại.
Đội ngũ phân tích BSC đưa ra hai kịch bản cho thị trường chứng khoán trong tháng 2.
Với kịch bản thứ nhất, BSC kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh triển khai ngay từ những tháng đầu năm 2023 bên cạnh những tín hiệu lạc quan khi nền kinh tế Trung Quốc hồi phục tốt sau giai đoạn kiểm soát dịch bệnh Covid-19 nghiêm ngặt.
Tâm lý tích cực trên thị trường tiếp tục được duy trì, đặc biệt là diễn biến của khối ngoại khi FED khẳng định quá trình giảm lạm phát tại Hoa Kỳ đã bắt đầu, mặc dù vẫn bỏ ngỏ khả năng về việc dừng tăng lãi suất trong 2023. VN-Index được dự báo dao động trong vùng 1.130 -1.150 điểm.
Với kịch bản còn lại, BSC lo ngại tâm lý chốt lời chiếm ưu thế chủ đạo trên thị trường sau đà tăng điểm kéo dài từ giữa tháng 11/2022. Bên cạnh đó là động thái thận trọng của khối ngoại sau quá trình mua ròng trước đó có thể khiến chỉ số bước vào nhịp điều chỉnh.
Nếu những thông tin tiêu cực trong nước xuất hiện, VN-Index có thể quay trở lại kiểm tra vùng 1.030 – 1.050 điểm và các ngưỡng thấp hơn đã thiết lập trước đó. P/E VN-Index dự báo vận động trong vùng 12,3-12,6 trong kịch bản này.
Nhiều sự kiện đáng chú ý
Bên cạnh đó, BSC cũng đưa ra hàng loạt sự kiện nhà đầu tư cần chú trong tháng 2.
Thứ nhất, hoạt động đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, bên cạnh mặt bằng LSHĐ duy trì ở mức hợp lý để đảm bảo LSCV phù hợp. Mặt khác, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị Quyết 43 được kỳ vọng sẽ triển khai thực chất, hiệu quả cao nhằm hỗ trợ cho Doanh nghiệp trong năm 2023. Đây là một sự kiện có thể tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.
Thứ hai, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 trong đó yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình dự thảo Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp, NHNN tháo gỡ khó khăn về tín dụng lĩnh vực BĐS… Sự kiện này tác động đến thị trường TPDN và lĩnh vực bất động sản và nhóm ngành liên quan.
Thứ ba, NHNN đang dự thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật của các TCTD, Nghị định 01/2014/NĐCP về việc những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém có thể được nới tỷ lệ sở hữu (room) của khối ngoại từ 30% lên tới 49%. Sự kiện này có thể tác động đến nhóm tài chính, ngân hàng. Đảm bảo an toàn hoạt động và sự phát triển bền vững của hệ thống Tổ chức tín dụng.
Thứ tư, diễn biến dòng tiền từ khối ngoại và các ETF đến kỳ cơ cấu, điều chỉnh danh mục. Thông tin này sẽ tác động đến thanh khoản, xu hướng của thị trường.
Thứ năm, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu cho thấy tín hiệu tích cực khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đã bước vào giai đoạn lây nhiễm ở mức độ thấp với các số ca mắc mới giảm dần.
Bên cạnh sự lạc quan của IMF vào tăng trưởng kinh tế thế giới 2023 với động lực chính đến từ Trung Quốc. Tạo động lực tăng trưởng kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu thông suốt trở lại. Những tín hiệu tích cực trên sẽ giúp niềm tin nhà đầu tư được củng cố.
Trên cơ sở đó, BSC khuyến nghị một số nhóm ngành bao gồm: (1) Nhóm cổ phiếu đầu tư công, (2) Nhóm hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa (3) Nhóm cổ phiếu triển vọng tích cực trong môi trường lãi suất cao. Mặt khác, nhà đầu tư cần bám sát diễn biến dòng tiền của khối ngoại, các ETF lớn cũng như các diễn biến, sự kiện đáng chú ý trong nước và quốc tế để điều chỉnh chiến lược cho phù hợp.