Với những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án... đang là rào cản khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh này khá thấp.
Hà Tĩnh nhiều dự án "dậm chân tại chỗ" do vướng mắc giải phóng mặt bằng
Tại tỉnh Hà Tĩnh, 3 tháng đầu năm, địa phương này mới chỉ giải ngân vốn đầu tư công được hơn 570 tỷ đồng/ hơn 6.100 tỷ đồng kế hoạch vốn đã được phân bổ (đạt tỷ lệ 9,3%). Giải ngân vốn đầu tư công trên toàn tỉnh đang khá chậm do nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án.
Cụ thể một số dự án trên địa bàn đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, như dự án đường liên huyện Can Lộc – Lộc Hà do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư phải xin gia hạn, kéo dài thời gian hoàn thành thi công từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023.
Với lý do dự án thực hiện từ km10 - km11,5 xã Bình An một số hộ dân thuộc diện tái định cư vẫn chưa đồng tình với các phương án bồi thường. Tiếp đến, dự án hạ tầng nuôi trồng thủy sản Mai Phụ - Hộ Độ (Lộc Hà) cũng vướng công tác giải phóng mặt bằng nên phải kéo dài thời gian triển khai, “ách tắc” không thể giải ngân nguồn vốn.
Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư hơn 61 tỷ đồng, thời gian triển khai từ năm 2019 – 2020. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng đất diêm nghiệp (đất sản xuất muối) không nằm trong diện đền bù giải phóng mặt bằng nên ì ạch chưa triển khai xong. Năm 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản áp giá bồi thường đối với đất diêm nghiệp. Tuy nhiên lúc này, dự án đã hết thời gian hợp đồng. Hiện nay, dự án này đang phải chờ điều chỉnh hồ sơ, hợp đồng để tiếp tục triển khai thi công.
Ngoài vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đối với những dự án chuyển tiếp thì những tháng đầu năm, các dự án mới triển khai năm 2023 tại Hà Tĩnh cũng mất rất nhiều thời gian cho công tác hoàn thiện hồ sơ, quy trình thủ tục. Hiện nay, theo quy định, quy trình thủ tục hồ sơ để triển khai các dự án hết sức chặt chẽ; phải thông qua nhiều cơ quan chức năng; lấy ý kiến các sở, ngành nên chậm tiến độ triển khai. Đơn cử như dự án xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018 với tổng mức gần 241 tỷ đồng nhưng đến nay, do vướng mắc về thủ tục nên vẫn chưa thể triển khai.
Nhằm tập trung cao cho công tác giải ngân vốn đầu tư công, hiện nay Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh đã ban hành văn bản hướng dẫn chủ đầu tư trong thực hiện giải ngân nguồn vốn năm 2023.
Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh cũng phối hợp với các cơ quan tài chính, chủ đầu tư lập dự toán rà soát, đối chiếu để chủ đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định kéo dài đối với các dự án có kế hoạch năm 2022 chưa giải ngân; nắm bắt kịp thời, phối hợp chủ đầu tư, các sở ngành liên quan xử lý các vướng mắc trong khâu giải ngân để báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh và Trung ương kịp thời tháo gỡ.
Năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Tĩnh đạt cao hơn mức bình quân cả nước. Theo thông tin từ Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh, đến ngày 25/11/2022, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt hơn 5.560/9.697 tỷ đồng, bằng 57,4% kế hoạch năm (cả nước ước 11 tháng đạt 52,43%). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đạt 824/1.874 tỷ đồng (44% kế hoạch), vốn ngân sách địa phương đạt hơn 4.700/7.823 tỷ đồng (61% kế hoạch năm).
Nghệ An hiện còn 20 dự án chưa hoàn thiện thủ tục để giao vốn
Tại tỉnh Nghệ An, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng đầu năm đạt 5,06% kế hoạch vốn giao, tương đương với trên 282 tỷ đồng đã được giải ngân.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm (tính đến ngày 20/3), tỉnh Nghệ An đã giải ngân hơn 282 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý, đạt 5,06%. Trong đó, có 6 địa phương và 34 sở, ngành, chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân; có 6 địa phương và 8 sở, ngành, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của tỉnh.
Theo báo cáo của Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Nghệ An, trong năm 2023, tỉnh này được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 9.033 tỷ đồng tổng vốn ngân sách Nhà nước, trong đó, đưa vào kế hoạch đầu tư công tập trung tỉnh quản lý hơn 5.583 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ chi tiết hơn 5.386 tỷ đồng, đạt 96,47%.
Tuy nhiên, đến nay hiện còn 20 dự án, số vốn gần 200 tỷ đồng chưa hoàn thiện thủ tục để giao vốn. Trong đó, huyện Kỳ Sơn 4 dự án, huyện Tương Dương 3 dự án, huyện Con Cuông 10 dự án, huyện Nghĩa Đàn 1 dự án, Sở Văn hóa và Thể thao 2 dự án.
Tiến độ hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục các dự án khởi công mới khá chậm. Đến ngày 10/3, trong 48 dự án khởi công mới thuộc kế hoạch năm 2023 thì chỉ có 4 dự án đã có kết quả đấu thầu xây lắp và khởi công xây dựng; còn 8 dự án mới phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, chuẩn bị/đang triển khai đấu thầu xây lắp.
Có 9 dự án đang lập, trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; 13 dự án mới đang ở bước đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, 8 dự án đang trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, 3 dự án đang làm thủ tục điều chỉnh dự án và 3 dự án chương trình phục hồi mới được giao vốn nên chưa triển khai các bước tiếp theo.
Nguyên nhân được Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Nghệ An đưa ra là do các tháng đầu năm, đối với các công trình chuyển tiếp, các đơn vị đang tập trung thực hiện khối lượng để hoàn tạm ứng kế hoạch giải ngân năm 2022. Đối với các công trình khởi công mới thì đang tập trung triển khai các hồ sơ, thủ tục liên quan để khởi công xây dựng.
Cùng với đó năm 2023 gặp khó khăn do khối lượng công việc nhiều hơn, nguồn vốn giải ngân lớn hơn. Các yếu tố như giá cả nguyên, nhiên, vật liệu dự báo biến động khó lường, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của các nhà thầu.
Công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục khó khăn, trong đó, vướng mắc chủ yếu liên quan đến xác định nguồn gốc đất, kiểm kê, kê khai để phân loại đất đền bù, lựa chọn các vị trí để lập quy hoạch, hoàn thiện thủ tục xây dựng khu tái định cư, xây dựng phương án bồi thường bảo đảm đúng quy định của pháp luật…
Để vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân vừa giảm áp lực giải ngân cho những tháng tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đề nghị các ngành, các địa phương, đặc biệt là người đứng đầu phải dành sự quan tâm nhiều hơn cho công tác này, có sự tham gia trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.
Mặt khác, Chủ tịch tỉnh Nghệ An phân công nhiệm vụ cụ thể, giao trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị, cá nhân, yêu cầu về thời gian, kết quả; quản lý chặt chẽ thủ tục, vừa thực hiện đúng quy định, vừa đáp ứng tiến độ; không đề xuất, bổ sung dự án mới khi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án hiện tại.
Thanh Hóa "niêm yết" mốc thời gian cho từng loại dự án
Tại tỉnh Thanh Hóa, năm 2023 tỉnh này được Thủ tướng Chính phủ quyết định là hơn 12.500 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương là gần 3.700 tỷ đồng). Đến thời điểm này, số vốn được phân bổ, giao kế hoạch chi tiết vốn từ ngân sách địa phương đạt 82,6% nhưng vốn trung ương chỉ mới bằng 41,3% kế hoạch.
Trong 2 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 10% kế hoạch giao chi tiết; giải ngân đến ngày 28/2/2023 là 989 tỷ đồng (bằng 9,6% kế hoạch giao chi tiết, cao hơn 2,9% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước
Tuy nhiên, quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công Thanh Hóa vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, đơn cử như về phân bổ vốn vẫn còn hơn 2.100 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết cho các dự án, nhiệm vụ; trong đó 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 1.200 tỷ đồng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 937 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức và thiếu tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc và chưa được tháo gỡ, giải quyết kịp thời, dứt điểm…
Để giải quyết “bài toán” giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chỉ thị số 04 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Với chỉ thị này lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo “nóng” mốc thời gian giải ngân vốn đầu tư công cho từng loại dự án.
Cụ thể theo chỉ thị, các dự án phải hoàn thành giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 (nếu có) trước ngày 30/11/2023. Các mốc thời gian giải ngân vốn cụ thể của từng loại dự án.
Theo đó, đối với các dự án đã hoàn thành (dự án đã hoàn thành có quyết toán và dự án hoàn thành chưa có quyết toán được duyệt) các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục, bảo đảm trước ngày 28/02/2023 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2023.
Tiếp đến, đối với các dự án chuyển tiếp (dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023, dự án hoàn thành sau năm 2023, dự án giãn hoãn tiến độ, thực hiện đến điểm dừng kỹ thuật) các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nghiệm thu lên phiếu giá khối lượng đã hoàn thành, trước ngày 31/3/2022 phải giải ngân đạt từ 30%, trước ngày 30/5/2023 phải giải ngân đạt từ 50% và trước ngày 30/8/2023 phải giải ngân đạt từ 80% kế hoạch vốn năm 2023 trở lên.
Đối với các dự án khởi công mới và các dự án chuẩn bị đầu tư đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao kế hoạch chi tiết ngay từ cuối năm 2022 phải khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục; lựa chọn đơn vị thi công (đối với dự án khởi công mới) để triển khai đúng tiến độ; trước ngày 30/6/2023 phải giải ngân đạt từ 50% và trước ngày 30/8/2023 phải giải ngân đạt từ 80% kế hoạch vốn năm 2023 trở lên.
Đối với các dự án chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa giao kế hoạch chi tiết thì căn cứ danh mục dự án đã được HĐND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Nghị quyết số 346/NQHĐND ngày 11/12/2022, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư (đối với các dự án khởi công mới), phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư (đối với dự án chuẩn bị đầu tư) trước ngày 28/02/2023, làm cơ sở giao kế hoạch chi tiết theo quy định.
Đối với các dự án được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 sang năm 2023 (nếu có) trước ngày 30/6/2023 phải giải ngân đạt 60% và trước ngày 30/9/2023 phải giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn.