Giao thương Việt Nam - Ấn Độ tăng trưởng cao
Tính đến nay Ấn Độ trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam và Ấn Độ đạt hơn 14 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Ấn Độ khoảng 6,7 tỷ USD, tăng 34% so với năm trước và xuất khẩu vào thị trường này hơn 7,4 tỷ USD, tăng 21%. Dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt 15 tỷ USD trong thời gian tới khi các đoàn doanh nghiệp Ấn Độ liên tục tham dự các triển lãm và hội thảo kinh tế với doanh nghiệp Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác mở rộng sản xuất, giao thương trên nhiều lĩnh vực.
Ông Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh đánh giá, các doanh nghiệp Ấn Độ có thế mạnh với ngành cơ khí, hóa chất, phần mềm, y tế, nông nghiệp công nghệ cao nên rất muốn liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam. Từ giữa năm 2022, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đã liên tục đến Việt Nam và nhiều tỉnh thành phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương để tìm cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Các thành phố này đều là nơi có công nghiệp phát triển, giao thông thuận lợi nên ngoài muốn mở rộng giao thương, các doanh nghiệp Ấn Độ còn tìm hiểu về chính sách với dự tính sẽ đầu tư tại các địa phương này.
Mới đây, gần 20 doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động đa lĩnh vực nông sản, gỗ, dược, dệt may, sắt thép, năng lượng tái tạo, nhựa, bao bì… đã đến tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thực hiện chương trình kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư.
Ông Ashutosh Patel - Giám đốc điều hành Công ty TNHH AGP Oilspvt (Ấn Độ) - công ty chuyên sản xuất dầu đậu nành, thức ăn gia súc với công nghệ bán tự động cho hay: Chúng tôi đến Đồng Nai tìm các công ty, đại lý để hợp tác sản xuất dầu ăn, thức ăn gia súc, cung ứng cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến thực phẩm, nông sản cho biết, giai đoạn hiện nay khi cả Ấn Độ và Việt Nam đang tập trung vào việc phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch. Vì vậy đây chính là thời điểm vàng để tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư hiệu quả hơn nhất là các lĩnh vực như dược phẩm, dệt may, thực phẩm chế biến… Việc phát triển hợp tác liên doanh sẽ giúp nhau chuyển giao các công nghệ cao, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực.
Chờ đón nhiều cơ hội hợp tác
Theo ông Thái Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, các doanh nghiệp của Ấn Độ chưa có dự án đầu tư vào Đồng Nai, nhưng quốc gia này mỗi năm nhập khẩu từ tỉnh khoảng 500 triệu USD các mặt hàng như điện tử, nông sản, dệt may, giày dép, sản phẩm từ sắt thép. Đồng Nai nhập khẩu nhiều nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp từ Ấn Độ như sắt thép, chất dẻo, hóa chất, nguyên phụ liệu ngành dệt may, giày dép, bông, bắp, thịt, dược phẩm... với 300 triệu USD.
Dự kiến trong quý II/2023, tỉnh sẽ tổ chức đợt xúc tiến đầu tư, thương mại tại Ấn Độ để doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về cơ chế, chính sách, nhu cầu, cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh. Với dân số Ấn Độ khoảng 1,4 tỷ người nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Ấn Độ rất lớn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng xuất khẩu vào thị trường dân số lớn thứ 2 thế giới. Do đó, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ muốn hợp tác doanh nghiệp Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp chế biến và sản phẩm làm ra sẽ xuất vào thị trường Ấn Độ.
Trưởng ban Xúc tiến thương mại Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) - ông Cao Văn Đồng thông tin: Ấn Độ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Với dân số đông Ấn Độ sẽ tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và Bình Dương nói riêng. Nếu chỉ cần nhắm vào 1/5 dân số của Ấn Độ thì đồ gỗ Bình Dương đã có một thị trường rất rộng lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm kỹ phong tục, tập quán, thẫm mỹ của các đối tượng khách hàng, các rào cản về thuế quan, quy định về xuất xứ hàng hóa…
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh và Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp bang Telangana (FTCCI) của Ấn Độ cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai bên.
Thủ tướng Ấn Độ cũng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường dược phẩm và nông sản của Ấn Độ. Đây cũng là một lợi thế giúp bang Telangana xuất khẩu và cũng là cơ hội tốt cho cả hai nước - ông Anil Agarwal - Chủ tịch Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp bang Telangana (Ấn Độ) chia sẻ.
"Ấn Độ hiện đang có nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Ấn Độ thúc đẩy các hoạt động nhằm hỗ trợ giao thương như cung cấp thông tin thị trường, thủ tục xuất nhập cảnh, các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài" - Ông Madan Mohan Sethi cho biết thêm.