Trong giai đoạn giữa bình minh của Đế chế La Mã và nhà máy đầu tiên được xây dựng trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, Trung Quốc là một trong những nền kinh tế hùng mạnh nhất hành tinh, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm khoảng 30% nền kinh tế toàn cầu.
Vào những năm 1970, nền kinh tế Trung Quốc đi thụt lùi và trở thành cái bóng của chính mình với thu nhập bình quân đầu người bằng 1/3 so với châu Phi cận Sahara. Tuy nhiên, trong bốn thập kỷ tiếp theo đó, quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng đã đưa nước này trở thành cường quốc sản xuất của thế giới và xuất khẩu tăng vọt.
Biểu đồ dưới đây sử dụng dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hải quan Trung Quốc thể hiện các thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Trung Quốc từ năm 2001-2022.
Năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc là 266 tỷ USD. Trong 7 năm tiếp đó, xuất khẩu của nước này tăng mạnh trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra vào năm 2008 khiến thương mại toàn cầu sụt giảm đáng kể. Chu kỳ này lặp lại với tốc độ tăng trưởng liên tục cho đến năm 2015 (khi xảy một đợt suy giảm thương mại toàn cầu khác), tiếp đó là tốc độ tăng trưởng chậm lại cho đến năm 2020 (khi đại dịch Covid-19 bùng phát).
Tuy nhiên, năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng vọt 30% và vào cuối năm 2022 đạt ước tính 3,6 nghìn tỷ USD. Con số này lớn hơn toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia như Anh, Ấn Độ hoặc Pháp.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ với kim ngạch năm 2022 đạt hơn 581 tỷ USD, tăng 970% so với năm 2001. Theo sau là Liên minh châu Âu (EU) với kim ngạch năm 2022 là hơn 562 tỷ USD, tăng 1.382% so với 21 năm trước. Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Trung Quốc với kim ngạch năm 2022 đạt gần 147 tỷ USD, tăng hơn 8.000% so với năm 2001.