Tại buổi Tọa đàm, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên chia sẻ, thời gian gần đây, có những lo ngại về việc "kiểm soát tín dụng" có thể tác động lên sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Bên cạnh đó, thực trạng giao dịch trên thị trường bất động sản đang có dấu hiệu bị ngưng trệ do dòng vốn bị “siết” đột ngột. Trong bối cảnh nghị trường Quốc hội đang thảo luận nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp để phục hồi nền kinh tế, cần có một cái nhìn toàn diện hơn về vai trò, đóng góp của thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay - giai đoạn mà mọi ngành nghề, lĩnh vực đều hướng tới mục tiêu phục hồi và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
“Nhưng, kiểm soát như thế nào để hạn chế được rủi ro nhưng vẫn tạo cơ hội để thị trường bất động sản phát triển, đóng góp vào chương trình phục hồi kinh tế đất nước là vấn đề quan trọng. Thực tế, không chỉ bất động sản mà tất cả các lĩnh vực kinh tế nói chung, khi Nhà nước "siết" để xử lý một bất cập cục bộ hay mang tính thời điểm thì ngay lập tức các ngành, nghề liên quan bị ngưng trệ vì hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế không ít thì nhiều đều liên quan mật thiết với nhau. Dự án mới không thể khởi công sẽ khiến nguồn cung nhà ở trên thị trường thiếu hụt, giá cả tiếp tục bị đẩy lên cao, giấc mơ an cư của rất nhiều người dân ngày càng trở nên xa vời. Thiếu vắng những công trình thì hàng loạt các ngành khác như sắt, thép, nội thất, xây dựng... chắc chắn bị đình trệ”, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn nêu vấn đề.
Bàn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến những dự án không thể đưa ra thị trường, như thiếu sản phẩm trong khi nhu cầu xã hội rất lớn, nhu cầu của nhà đầu tư rất lớn... Trong khi đó, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là nguồn vốn.
Mặc dù doanh nghiệp bất động sản hiện có nhiều kênh huy động vốn như: vốn sở hữu, vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng và vốn FDI. Trong đó, vốn chủ sở hữu theo quy định tại Luật Đất đai rất thấp, chỉ chiếm từ 15 - 20%, còn lại 80 - 85% phải huy động từ các kênh khác. Tuy nhiên, trên thực tế các kênh huy động vốn hiện nay của các doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn.
Trước những thông tin này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, từ trước đến nay NHNN chưa có bất cứ văn bản nào thông báo hay phát đi quan điểm “siết”, “thắt chặt” tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Chính sách quản lý, điều hành của NHNN hướng đến mục tiêu hỗ trợ cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế đất nước, đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia, đảm bảo sự an toàn của hệ thống ngân hàng thông qua việc kiểm soát rủi ro tín dụng, kiểm soát các khoản đầu tư của NHTM vào những khoản tiềm ẩn rủi ro, những dự án có giá trị lớn có yếu tố đầu cơ…
“NHNN không có chủ trương siết, thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản mà tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, dự án kinh doanh tốt, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản uy tín, làm ăn chân chính. Việc kiểm soát tín dụng chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, chủ trương lớn của Chính phủ: Hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, ngược lại hạn chế dồn nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh nhiều rủi ro. Thực tế, NHNN quản lý về mặt chủ trương, chính sách, còn các NHTM, tổ chức tín dụng chủ động xem xét cho vay đối với các dự án khả thi, hiệu quả, cũng như các doanh nghiệp có quyền lựa chọn NHTM, đây là mối quan hệ bình đẳng ngang nhau”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.