Đây là một trong những định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023 để đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, chia sẻ với báo chí, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết sau năm 2022 với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, năm 2023 được dự báo tiếp tục tồn tại nhiều yếu tố bất lợi, khó lường cả trong và ngoài nước. Trong đó, các ngân hàng trung ương được dự báo tiếp tục duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng
Theo Phó thống đốc NHNN, dù lạm phát trong nước vẫn đang được kiểm soát, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023, đặc biệt là lạm phát cơ bản có thể tạo nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát trong năm, đến từ cả yếu tố bên cung (chi phí đẩy) và bên cầu (cầu kéo).
Về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao giai đoạn 2020-2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất (lạm phát nhập khẩu), từ đó tác động vào chi phí tiêu dùng các mặt hàng trong nước. Về phía cầu, dự kiến kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả.
“Do đó, chúng ta không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023”, Phó thống đốc nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, ông Hà cho biết thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát chỉ tiêu này. Từ đó góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Chính sách lãi suất sẽ được điều hành phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Trong đó hướng tới việc hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về tỷ giá, NHNN sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp với các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ. “NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của tổ chức tín dụng, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng”, Phó thống đốc Hà chia sẻ.
Theo lãnh đạo NHNN, hiện vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng lại mang tính ngắn hạn, do đó hệ thống các tổ chức tín dụng đang đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn.
Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán. Cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này.
Dư địa điều hành tín dụng không còn nhiều
Chia sẻ thêm về định hướng điều hành chính sách tiền tệ, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết việc đồng USD năm 2022 tăng lên mức cao nhất 20 năm đã tạo áp lực rất lớn lên việc điều hành chính sách tiền tệ không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước đang phát triển và những nước mới nổi.
Trong bối cảnh đồng USD trở thành hầm trú ẩn cho các nhà đầu tư, dòng tiền chảy ra khỏi các thị trường này đã khiến dự trữ ngoại hối của các nước sụt giảm gần 10.000 tỷ USD năm vừa qua.
Trong nước, kinh tế năm 2022 phục hồi nhưng chưa bền vững, thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đều gặp khó khăn tạo áp lực rất lớn đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Với bối cảnh này, ông Quang cho biết sức chống chọi của chính sách tiền tệ các nước, bao gồm Việt Nam - nền kinh tế có độ mở lớn - là rất căng thẳng.
Ông Quang chia sẻ nếu hy sinh tỷ giá để tỷ giá tăng cao, đồng nội tệ mất giá nhiều sẽ giữ được lãi suất, giữ được dự trữ ngoại hối, nhưng ngược lại, nền kinh tế sẽ nhập khẩu lạm phát, từ đó không kiểm soát được lạm phát, các cân đối vĩ mô sẽ không kiểm soát được.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, tổng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng đến cuối năm 2022 đã đạt xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng, do đó, dư địa điều hành tín dụng thời gian là rất hạn hẹp.
Định hướng điều hành trong năm nay của NHNN, bên cạnh việc hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế thì mục tiêu quan trọng nhất vẫn là giữ ổn định đồng tiền, kiểm soát lạm phát.
Từ đó, mục tiêu quan trọng với nội bộ ngành ngân hàng là duy trì được sự hoạt động lành mạnh, ổn định, bền vững của hệ thống tổ chức tín dụng.