Thông tin về tình hình công tác năm 2022, Tổng cục Hải quan cho biết về thu ngân sách nhà nước, từ đầu năm đến ngày 15/12, tổng thu toàn ngành đạt 420.192 tỷ đồng, bằng 119,4% dự toán (352.000 tỷ đồng), bằng 100% chỉ tiêu phấn đấu (420.000 tỷ đồng) và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nhân tố đưa ngân sách sớm cán đích
Theo Tổng cục Hải quan, nhiều cục hải quan tỉnh, thành phố có kết quả thu ngân sách nhà nước cao như TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Quảng Nam, Cao Bằng, Đồng Tháp, Tây Ninh, An Giang, Cà Mau…
Chẳng hạn, từ cuối tháng 10, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước. Đến nay, đơn vị cũng chính thức về đích thu ngân sách theo chỉ tiêu phấn đấu được điều chỉnh lần 2, từ 121.500 tỷ đồng lên 138.000 tỷ đồng, đạt gần 119% chỉ tiêu pháp lệnh, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương tăng 24.633,8 tỷ đồng.
Hay đến đầu tháng 12, Cục Hải quan Hải Phòng thu được 73.310 tỷ đồng, đạt 115% so với chỉ tiêu được giao cả năm, tương ứng vượt 9.680 tỷ đồng. Trong đó, khu vực Hải Phòng thu được 63.379 tỷ đồng, đạt 113% so với chỉ tiêu được giao, tương đương vượt 7.449 tỷ đồng. Đơn vị dự kiến cả năm 2022 đơn vị hoàn thành vượt chỉ tiêu giao phấn đấu của Tổng cục Hải quan (78.000 tỷ đồng), của Hội đồng nhân dân TP. Hải Phòng giao (68.000 tỷ đồng).
Một trong những yếu tố chính giúp cục hải quan các tỉnh thành hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách từ sớm là do hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ; trong đó, nhiều mặt hàng có thuế ghi nhận giá trị kim ngạch tăng cao giúp vượt thu ngân sách.
Tổng cục Hải quan cho hay từ đầu năm đến hết ngày 15/12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 701,29 tỷ USD, tăng 10,5%, tương ứng tăng 66,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 355,82 tỷ USD, tăng 12% (tương ứng tăng 38,23 tỷ USD); nhập khẩu đạt 345,47 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng tăng 28,67 tỷ USD).
"Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tính từ đầu năm đến hết 15/12 thặng dư 10,35 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số thặng dư 802 triệu USD của cùng kỳ năm 2021. Dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 750 tỷ USD, tăng 12,18%, tương ứng tăng 81,46 tỷ USD so với năm 2021".
(Tổng cục Hải quan).
Cũng theo Tổng cục Hải quan, năm 2022, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa với phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn.
Các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa giả mạo xuất xứ, nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt diễn ra phức tạp trên tất cả các tuyến đường bộ, đường biển, đường không, chuyển phát nhanh với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính kịp thời đưa ra các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực triển khai các hoạt động nghiệp vụ, giữ vững ổn định tình hình địa bàn.
Kết quả từ ngày 16/12/2021 đến 15/12/2022, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 16.801 vụ việc vi phạm, tăng 15%, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 8.450 tỷ đồng, tăng đến 211% so với cùng kỳ năm 2021. Số thu ngân sách nhà nước đạt 459 tỷ đồng, tăng 57,9%.
Cơ quan hải quan khởi tố 48 vụ, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 141 vụ.
Về hành vi vi phạm, có 157 buôn lậu; 34 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; 280 vụ ma túy; 52 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng giả; 16.278 vụ vi phạm hành chính.
Đối với đấu tranh với tội phạm ma túy năm 2022, ngành hải quan cũng chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ 280 vụ, 245 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 153 vụ. Tang vật thu được gồm: 164,9 kg và 28 bánh heroin; 145,9 kg cần sa; 51 kg thuốc phiện; ma tuý tổng hợp có 647 kg và 4.626 viên, ketamine 47,6 kg.
Nâng tầm hải quan số
Trong công tác quản lý nội ngành, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của các đơn vị trong toàn ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và định hướng mô hình hải quan số, hải quan thông minh đảm bảo đúng theo quy định.
Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ, lãnh đạo chủ chốt các cấp có đủ phẩm chất năng lực, trình độ để xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới theo mục tiêu Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022.
Về ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục Hải quan nỗ lực nghiên cứu và đề xuất triển khai hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số thông qua các dự án.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tập trung tối đa nguồn lực, trong đó có những chuyên gia hàng đầu về nghiệp vụ và kỹ thuật của ngành để hoàn thiện bài toán nghiệp vụ tổng thể; yêu cầu nghiệp vụ hải quan; yêu cầu kỹ thuật, công nghệ và xây dựng dự toán để trình bộ.
Nỗ lực xây dựng hải quan số, Tổng cục Hải quan triển khai xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về Hải quan; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tổng cục Hải quan, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 – 2025.
Lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá, toàn ngành hải quan đã vượt khó để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ năm 2022; đồng thời, yêu cầu năm 2023 Tổng cục Hải quan phải nỗ lực hơn nữa, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục triển khai các giải pháp tạo thuận lợi thương mại; quyết liệt thực hiện các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.
Đối với công tác ứng dụng công nghệ thông tin, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan để tiến tới hoàn thành mục tiêu hải quan số, hải quan thông minh. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Tổng cục Hải quan mà của cả Bộ Tài chính.
Năm 2023, nền kinh tế thế giới và trong nước được dự báo sẽ đối diện với nhiều thách thức. Dự toán thu toàn ngành hải quan được giao 425.000 tỷ đồng trong đó, hoàn thuế 186.000 tỷ đồng, như vậy, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu được giao 239.000 tỷ đồng, cao hơn 40.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2022 (199.000 tỷ đồng).