Với mặt hàng nhóm kim loại quý, bạch kim đánh mất 2,45% và rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm, chốt phiên với mức giá 817 USD/ounce.
Bạc có phiên lao dốc mạnh nhất trong vòng 1 năm nay – 5% xuống mức 18,225 USD/ounce.
Vào ngày hôm qua, bộ dữ liệu về chỉ số giá sản xuất PPI tháng 6 của Mỹ đã củng cố cho mức lạm phát đạt đỉnh tại Mỹ.
Cụ thể, PPI tháng 6 đạt mức tăng 1,1% so với tháng trước đó, đánh bại kỳ vọng tăng 0,8% của các chuyên gia kinh tế.
Lạm phát tăng vọt khiến các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng mạnh lãi suất, thậm chí có thể thêm 1 điểm phần trăm ngay trong cuộc họp cuối tháng này.
Chỉ số USD index tiếp tục vượt đỉnh 2 thập kỷ, gây áp lực chi phí nắm giữ kim loại quý như bạc và bạch kim vốn nhạy cảm với lãi suất và đồng USD.
Vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý hoàn toàn bị lu mờ trước sức mạnh của đồng bạc xanh.
Với thị trường kim loại cơ bản, giá mặt hàng cũng đi xuống trước yếu tố lạm phát và rủi ro tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed gây ra thiệt hại kinh tế trong tương lai.
Giá đồng COMEX giảm sâu 3,34% về mốc 3,21 USD/pound.
Đồng vốn được coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế đang bị đe dọa bởi triển vọng nhu cầu toàn cầu tiêu cực trong tương lai.
Quặng sắt gây chú ý với mức lao dốc mạnh gần 8% xuống còn 100 USD/pound.
Theo dữ liệu từ Hải quan, Trung Quốc đã xuất khẩu 7,557 triệu tấn thép trong tháng 6 năm 2022, giảm 2,6% so với tháng trước và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu suy giảm trong hoạt động xuất khẩu thép tại quốc gia này phản ánh nhu cầu quặng sắt cũng đang suy yếu, trong bối cảnh các nhà sản xuất thép cắt giảm sản lượng do biên lợi nhuận thấp và nhu cầu yếu ớt.
Triển vọng tiêu cực của ngành thép Trung Quốc tiếp tục gây ra sức ép đối với giá quặng sắt trong phiên.