Với việc giá xăng dầu có 5 lần điều chỉnh giảm liên tiếp trong tháng 7 và tháng 8, giá cả nhóm dịch vụ giao thông trong tháng 8 chỉ còn tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 tới nay, thấp hơn nhiều so với mức 21,41% trong tháng 6 và 15,22% trong tháng 7 vừa qua.
Tuy nhiên, nhóm thực phẩm có tháng thứ 4 liên tiếp ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ, ở mức 2,3%.
Tại báo cáo vĩ mô vừa cập nhật, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết đây là mức tăng so với cùng kỳ cao nhất của nhóm thực phẩm kể từ tháng 11/2020 tới nay. Đáng chú ý, giá thịt lợn trong tháng 8 đã tăng mạnh trở lại so với cùng kỳ (YoY). Tính tới ngày 24/8/2022, giá thịt lợn trung bình trong tháng 8 đạt mức 65.584 đồng/kg, tăng 20,11% YoY. Điều này cũng đồng thời khiến nhóm dịch vụ ăn uống ngoài gia đình ghi nhận mức tăng 6,26% YoY, cao nhất kể từ tháng 11/2020 tới nay, và trở thành nhóm tạo áp lực tăng lớn thứ 2 đối với chỉ số CPI trong tháng 8 này.
Dự báo lạm phát cả năm 2022 cao nhất 3,5%
Trong các tháng cuối năm, với nhu cầu du lịch tăng cao và mức nền so sánh thấp trong cùng kỳ năm 2021, nhóm dịch vụ ăn uống ngoài gia đình và thực phẩm nhiều khả năng sẽ thay thế nhóm giao thông trở thành nhóm tạo áp lực tăng lớn nhất đối với chỉ số CPI của Việt Nam. Ngược lại, nhóm giáo dục và bưu chính viễn thông là 2 nhóm duy nhất vẫn đang ghi nhận mức giảm do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn, giảm học phí trong đại dịch và giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.
Các chính sách kiểm soát giá của Chính phủ vẫn đang phát huy được hiệu quả khi chỉ số CPI trung bình 8 tháng đầu năm 2022 vẫn đang thấp hơn so với mức trung bình trong giai đoạn 2006-2021 (khoảng 6,8%). Trong khi đó, Chính phủ vẫn còn nhiều dư địa trong chính sách tài khóa để kiểm soát giá, như giữ giá điện bình ổn, chưa tăng học phí cho giáo dục, hay giảm thuế phí đối với các mặt hàng xăng dầu.
Chỉ số CPI tháng 8/2022 tăng 2,89% so với cùng kỳ và 0,005% so với tháng 7/2022. Trung bình 8 tháng đầu năm, chỉ số CPI đã tăng 2,58% so với cùng kỳ.
Với mức tăng CPI trung bình tương đối thấp trong 8 tháng đầu năm, cùng sự kiểm soát của Chính phủ, trong trường hợp xấu nhất (giá dầu thô trung bình tăng trở lại về cuối năm và trung bình cả năm ở trên 100 USD/thùng và giá thịt lợn trung bình cả năm trên 63.000 VND/kg), BVSC dự báo lạm phát cả năm 2022 sẽ chỉ ở khoảng 3,1%-3,5%.
Lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng
Tính tới cuối tháng 8, lãi suất huy động (LSHĐ) 12 tháng tiếp tục tăng thêm 8 điểm cơ bản (bps) so với tháng 7, lên mức 5,85%. Như vậy, lãi suất huy động đã tăng 29 bps so với cùng kỳ và 27 bps so với cuối năm 2021. Mức lãi suất huy động hiện tại đã quay trở lại mặt bằng của tháng 11/2020.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tới ngày 15/8/2022 đạt 9,62% kể từ đầu năm, mức tăng tháng 8 cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Dù vậy, đà tăng của tín dụng tiếp tục chững lại, khi chỉ tăng thêm 20 bps trong vòng 3 tuần, do Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa nới room.
Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua vẫn tích cực sử dụng nghiệp vụ thị trường mở, liên tục sử dụng các công cụ OMO và tín phiếu. Trong thời gian tới, trước áp lực từ tỷ giá khi Fed tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay, BVSC cho rằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục có diễn biến tăng.
VND giảm thêm 0,37% so với USD trong tháng 8
So với cuối tháng trước, tính tới cuối tháng 8, đồng VND tiếp tục giảm 0,37% so với đồng USD. So với cuối năm 2021, đồng VND cũng đã giảm 2,64% kể từ đầu năm. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, chỉ số DXY tăng thêm 3,13% so với tháng 7 và 13,73% kể từ đầu năm.
Tất cả đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á tiếp tục có diễn biến giảm mạnh so với USD. Trong đó, đồng Won của Hàn Quốc có diễn biến giảm mạnh nhất, ở mức 11,15% từ đầu năm; còn đồng VND ghi nhận mức giảm thấp nhất, 2,64%.
Trong Hội nghị kinh tế Jackson Hole diễn ra trong tháng 8, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đã cho biết quan điểm quyết liệt của Ngân hàng Trung ương này trong việc đối phó với lạm phát và tuyên bố Fed sẽ duy trì việc nâng lãi suất cho tới khi nào lạm phát được kiểm soát.
Nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 75 bps trong cuộc họp chính sách diễn ra trong tháng 9 tới đây và điều này đã tiếp tục khiến đồng USD lên giá mạnh.
BVSC đánh giá áp lực mất giá hiện tại của đồng VND chủ yếu do đồng USD lên giá, trong khi Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, lãi suất thực còn dương và thặng dư thương mại. Do đó, BVSC duy trì dự báo, với sức mạnh nội tại cùng các biện pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, đồng VND sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022.