CTCP Đường Quảng Ngãi (mã QNS – UPCoM) báo cáo thay đổi sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết (Foremost Worldwide Limited, VOF Investment Limited, Forum One -VinaCapital Vietnam Fund)
Theo đó, ngày 9/6, nhóm quỹ liên quan VinaCapital vừa bán ra 190.000 cổ phiếu QNS để giảm sở hữu từ 6,01% về còn 5,96% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ thực hiện bán ra là VOF Investment Limited.
Trước đó, ngày 30/5, VOF Investment Limited cũng vừa bán ra 600.000 cổ phiếu QNS để giảm sở hữu.
Ở chiều ngược lại, Võ Thành Đàng - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc lại kiên trì mua vào 1.000.000 CP, nhằm đầu tư. Phương thức giao dịch là thỏa thuận và khớp lệnh. Ngày dự kiến bắt đầu giao dịch từ ngày 25/05/2023 đến ngày 23/06/2023. Hiện, ông Đàng đang nắm giữ 27.615.048 CP, chiếm 7,74% vốn tại QNS.
Kết thúc 3 tháng đầu 2023, QNS ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.208 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ và đạt 26,3% kế hoạch 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 358 tỷ đồng, tăng 72,2% so với cùng kỳ và đạt 29.8% kế hoạch cả năm 2023.
Mới đây, VCBS đã công bố triển vọng và điểm nhấn đầu tư cho cổ phiếu QNS. Cụ thể: Kết thúc vụ mía 22-23, QNS công bố thu hoạch được 1,6 triệu tấn mía, xác nhận mức kỉ lục của công ty kể từ năm 2019.
Tổng lượng đường sản xuất được khoảng 205.000 tấn, cao nhất trong 5 năm trở lại đây trong đó: 175.000 - 180.000 tấn là đường mía sản xuất trong nước, gồm 160.000 tấn RS và 25.000 tấn RE; 25.000 tấn đường RE sản xuất từ nguồn nhập khẩu, tương ứng với hạn ngạch đường nhập khẩu mà QNS đấu thầu.
Có 2 nguyên nhân làm cho mức sản lượng kỉ lục này: (1) Diện tích mía canh tác tăng 10% svck (~23 nghìn ha vs 21 nghìn năm 2022), (2) Năng suất mía và chất lượng tốt hơn kì vọng.
Về triển vọng đầu ra, sản lượng đường bán ra trong 3T.2023 của QNS cũng tăng trưởng rất tích cực, đạt 40.000 tấn (+94% yoy), chủ yếu đến từ việc mở rộng tập khách hàng công nghiệp là các công ty sản xuất sữa và nước ngọt. Trước đây, công ty chủ yếu bán sản phẩm đầu ra là đường RS, tuy nhiên từ năm 2021 việc bắt đầu sản xuất đường RE giúp QNS tiếp cận được khách hàng là các đơn vị F&B lớn hơn với giá bán đầu ra tốt hơn so với đường RS.
Trong Báo cáo ngành đường gần nhất, VCBS đưa quan điểm về thuế chống bán phá giá mới áp dụng từ T8/2022 sẽ tạo dư địa cho các doanh nghiệp đường trong nước mở rộng thị trường đầu ra. Hiện nay nhu cầu đường ở Việt Nam mỗi năm dao động quanh 2.3 – 2.4 triệu tấn, trong đó, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 700-800 ngàn tấn (~30% nhu cầu) còn lại phải thông qua nhập khẩu.
Việc đánh thuế toàn diện đường có nguồn gốc Thái Lan cho 5 nước ASEAN khiến giá đường nội địa có lợi thế hơn so với đường nhập khẩu chính ngạch (thấp hơn khoảng 1000 – 2000 VND/kg). Dù việc quản lý đường nhập lậu vẫn còn là vấn đề nan giải, VCBS cho rằng đây là cơ hội cho các doanh nghiệp đường trong nước với năng lực sản xuất tốt gia tăng thị phần tiêu thụ tại Việt Nam.
Cho năm 2023, VCBS dự báo QNS sẽ tiêu thụ khoảng 155.000 tấn RS cho khách hàng bên ngoài và khoảng 25.000 tấn RE, phần còn lại được sử dụng để làm đầu vào sản xuất cho các mảng kinh doanh khác (sữa đậu nành và F&B).
Qua đó, VCBS dự báo 2023 sẽ là một năm tăng trưởng mạnh mẽ của QNS nhờ mảng đường kỉ lục về sản lượng cũng như lợi nhuận. Triển vọng của QNS trong 2023 gắn liền với bối cảnh thuận lợi chung của ngành đường Việt Nam sau những biến chuyển về chính sách sau thuế chống bán phá giá và giá đường thế giới liên tục phá kỉ lục.
Đồng thời, VCBS điều chỉnh dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của QNS năm 2023 lần lượt đạt 9.552 tỷ (+16% yoy) và 1.839 tỷ (+43% yoy); EPS 2023F dự kiến đạt 5.153 đồng/cổ phiếu.
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền và so sánh tương đối P/E, VCBS nâng mức giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu QNS lên 52.400 đồng/CP, khuyến nghị "mua". Tuy nhiên, trên thị trường, chốt phiên giao dịch ngày 14/6, giá cổ phiếu QNS giảm nhẹ xuống còn 45.200 đồng/cổ phiếu với 618.180 đơn vị được giao dịch.