Tại một hội nghị về vật liệu tái chế khu vực Đông Nam Á diễn ra tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan mới đây, các chuyên gia cho rằng Đông Nam Á - không giống như nhiều khu vực khác ở châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản - chuẩn bị có sự thay đổi lớn, chuyển hướng sang sử dụng nguyên liệu quặng sắt và chế biến thép bằng lò cao chạy bằng than (BF) và công suất lò chuyển oxy kiềm (BOF) trong thập kỷ tới, một phần bởi những khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc.
Điều đó có nghĩa là khu vực này sẽ không chỉ chứng kiến nhu cầu quặng sắt tăng vọt mà nhà phân tích cấp cao Alexender Kershaw của Fastmarkets cho biết ông còn dự báo nhu cầu phế liệu của khu vực sẽ tăng 50% trong 10 năm tới.
Công suất sản xuất thép ở Đông Nam Á đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Theo Viện Sắt thép Đông Nam Á (Seaisi), riêng Malaysia mỗi năm sẽ có thêm 30 triệu tấn công suất mới, trong đó 21 triệu tấn/năm dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2024; Indonesia sẽ bổ sung thêm 3 triệu tấn/năm vào năm 2023 và 5,2 triệu tấn/năm vào năm 2026, cùng với 17 triệu tấn/năm nữa chưa xác nhận ngày hoàn thành, trong khi có nhiều khoản đầu tư mới đến từ Trung Quốc vào các lò BOF đang được xây dựng ở các quốc gia như Philippines và Campuchia.
Nếu tất cả công suất sản xuất thép mới theo kế hoạch được đưa vào hoạt động, tốc độ tăng trưởng gộp trung bình của công nghệ BOF trong khu vực sẽ tăng 25% trong giai đoạn 2020-2026, trong khi tốc độ mở rộng công nghệ EAF sử dụng nhiều phế liệu sẽ chỉ là 1% từ năm 2020 đến năm 2026, theo ước tính của Seaisi đưa ra hồi năm 2022.
Theo Seaisi, sản xuất thép từ quặng sắt sẽ chiếm 57% công suất của Đông Nam Á vào năm 2026, so với chỉ 5% vào năm 2011, trong sản xuất thép từ phế liệu sẽ giảm xuống 36% vào năm 2026 từ mức 95% của năm 2011.
Nhu cầu phế liệu dự kiến vẫn tăng mặc dù chuyển sang BF
Theo Tổng thư ký Seaisi, Yeoh Wee Jin, mặc dù tiêu thụ quặng sắt trong khu vực sẽ tăng đột biến trong những năm tới nhưng “nhu cầu phế liệu sẽ không thay đổi nhiều”.
Cũng có quan điểm nhu cầu phế liệu ở Đông Nam Á sẽ duy trì ở mức cao, nhưng nhà phân tích cấp cao của Fastmarkets, Alexender Kershaw, cho rằng việc tăng trưởng mạnh BOF cũng sẽ có lợi cho nhu cầu phế liệu. Lý do là bởi BOF cũng cần phế liệu cho quá trình hoạt động và có thể một số quốc gia sẽ phải nhập khẩu vì sẽ tiếp tục không có đủ nguyên liệu dự trữ.
Ông Kershaw ví dụ về các nhà sản xuất thép có công nghệ BOF đã nhập khẩu phế liệu ở châu Á bao gồm Hòa Phát của Việt Nam và POSCO của Hàn Quốc.
“Với việc hầu hết sản lượng thép thô tăng ở khu vực Asean (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) đều dựa trên BF-BOF, nhu cầu quặng sắt dự kiến sẽ tăng mạnh trong khu vực. Nhưng cần lưu ý rằng nhu cầu phế liệu cũng có khả năng tăng lên, với nhu cầu phế liệu cho BF-BOF dự kiến sẽ tăng khoảng 50% trong thập kỷ tới, dựa trên giả định rằng khoảng 15% nhu cầu nguyên liệu thô của BF-BOF dựa trên phế liệu,” ông Kershaw nói.
Theo dữ liệu do Viện Sắt thép Thái Lan cung cấp, với lượng nhập khẩu phế liệu ở Đông Nam Á vào khoảng 7 triệu tấn vào năm 2022, điều đó sẽ khiến lượng nhập khẩu vào khu vực này đạt khoảng 10,50 triệu tấn vào năm 2032, nếu khối lượng thu gom trong nước ở khu vực tăng lên.
“Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là các nhà máy thép sẽ lấy phế liệu từ đâu, do nguồn cung từ nhà cung cấp hàng đầu khu vực, Nhật Bản, dự kiến sẽ thắt chặt do tiêu thụ phế liệu trong nước tăng. Có thể các nhà máy ở ASEAN sẽ phải chuyển sang các nguồn khác, chẳng hạn như từ Bờ Tây Mỹ,” ông Kershaw nói thêm.
Mặc dù dự kiến nhu cầu sẽ tăng vọt trong tương lai, nhưng năm nay nhu cầu đối với nguyên liệu thô thứ cấp ở Đông Nam Á dự kiến sẽ giảm, khi các nhà nhập khẩu lớn là Việt Nam và Indonesia đều giảm nhập khẩu phế liệu trong bối cảnh nhu cầu thép kém và sản lượng thép giảm ở phần lớn khu vực và lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn.
Trang Fastmarkets.com đưa tin dữ liệu của Hải quan Việt Nam cho biết nhập khẩu phế liệu theo mã 7204 trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023 ở mức 2,34 triệu tấn, giảm 7,6% so với 2,54 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái; và theo Hải quan Indonesia thì nhập khẩu theo mã 7204 là 425.459 tấn trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2023, giảm 19,5% so với 528.430 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Fastmarkets đưa tin giá phế liệu thép HMS 1&2 (80:20), cfr Việt Nam, đạt trung bình 387,50 USD/tấn từ đầu tháng 8 đến nay, giảm 3,7% so với mức trung bình 402,50 USD/tấn vào tháng 8 năm 2022.
Trái lại, nhập khẩu phế liệu sắt thép vào Ấn Độ gia tăng. Theo Hiệp hội Vật liệu tái chế Ấn Độ (MRAI), nhập khẩu trong nửa đầu năm 2023 đạt khoảng 5,25 triệu tấn, tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái, tức là Ấn Độ đã mua phần lớn lượng phế liệu mà Đông Nam Á không mua.
Tham khảo: Fastmarkets