Theo thông tin từ Bộ Công An, từ năm 2014 đến 2016, ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros. Sau khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, các bị can đã bán, thu được tổng cộng hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Cùng ngày 25/08, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa ra quyết định về việc hủy niêm yết gần 568 triệu cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng FLC Faros. Ngày hủy niêm yết có hiệu lực là 5/9/2022.
Còn nhớ, ROS giao dịch trên sàn HoSE từ ngày 1/9/2016 với mức giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu. Sau đó không lâu, mã cổ phiếu này đã trở thành một hiện tượng trên sàn khi nhanh chóng tạo hình biểu đồ dựng đứng. Cuối năm 2017, giá ROS đạt đỉnh 214.000 đồng/cổ phiếu, kéo theo vốn hóa thị trường FLC Faros tăng lên 101.200 tỷ đồng. Đây cũng là năm công ty đạt kết quả kinh doanh tốt nhất với hơn 800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Biểu đồ giá cổ phiếu ROS từ 2017 đến nay
Trên thực tế, quá trình tăng vốn và hoạt động kinh doanh của ROS đã bộc lộ nhiều "bất thường" và "bất ổn" khi xem xét trên báo cáo tài chính doanh nghiệp ngay từ năm 2014. Một lần nữa, câu chuyện phân tích báo cáo tài chính, tìm hiểu bản chất hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp và đánh giá rủi ro lại càng trở nên có ý nghĩa với các nhà đầu tư.
Thời điểm năm 2014, ROS chỉ là một doanh nghiệp không có tên tuổi trong lĩnh vực xây dựng, từ số vốn điều lệ vỏn vẹn chỉ 1,5 tỷ đồng, sau 3 năm tăng phi mã lên tới 4.300 tỷ đồng, ngang hàng với những doanh nghiệp quy mô lớn trong ngành.
Nhìn lại BCTC của ROS ngay từ năm bắt đầu "chuyển mình" - 2014, đã có nhiều điểm bất thường "đáng đặt câu hỏi"
Thứ nhất, trong năm 2014, doanh nghiệp tăng trưởng quy mô "thần tốc". Chỉ trong 1 năm, tổng tài sản chưa đầy 1 tỷ đồng (cuối năm 2013) đã tăng lên gần 782 tỷ đồng (cuối năm 2014). Vốn góp chủ sở hữu cũng tăng từ 1,5 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng trong năm 2014 với cơ cấu cổ đông ban đầu bao gồm 5 cá nhân và 1 tổ chức.
Trích BCTC năm 2014 của ROS
Thứ hai, cơ cấu tài sản "đáng ngờ" và tiềm ẩn rủi ro. Tại ngày 31/12/2014, có tới 96% tài sản của công ty lại nằm gọn trong khoản đầu tư dài hạn khác. Cụ thể là khoản ủy thác đầu tư cho 2 cá nhân Nguyễn Thị Hồng Dung 360 tỷ đồng và Lê Thị Thơm 390 tỷ đồng trong thời hạn 36 tháng.
Trích BCTC năm 2014 của ROS
Kiểm toán khi đó là Công ty TNHH Kiểm toán và kế toán Hà Nội có nêu lưu ý về vấn đề này: "Không phủ nhận ý kiến chấp nhận toàn phần nêu trên, chúng tôi chỉ muốn lưu ý người sử dụng báo cáo vấn đề sau đây: Một số giao dịch về ủy thác đầu tư trong kỳ phát sinh bằng tiền mặt với giá trị lớn."
Ngoài sự bất hợp lý khi một doanh nghiệp đem gần như toàn bộ tài sản của mình để ủy thác cho cá nhân đi đầu tư thì ở đây còn tồn tại vấn đề đáng quan tâm về tính xác thực.
Những tài sản ở dưới dạng tiền (gửi ngân hàng), tồn kho, phải thu,… sẽ có nhiều hơn cơ hội để đánh giá, kiểm tra qua hệ thống sổ sách nội bộ, chứng từ các bên liên quan như sao kê ngân hàng, biên bản xác nhận công nợ, hay thực tế kho bãi…
Nhưng với tài sản dưới dạng ủy thác đầu tư cho cá nhân chỉ được chứng minh bằng hợp đồng ủy thác vô cùng đơn giản và có thể ngụy tạo, rất khó xác định tính xác thực của 750 tỷ đồng đầu tư.
Vấn đề thứ ba trên báo cáo tài chính của ROS khi ấy là về nguồn vốn kinh doanh. Ngoài khoản góp vốn của các cổ đông, tài sản của ROS được tài trợ bằng nợ ngắn hạn, cụ thể là người mua trả tiền trước, trị giá 554 tỷ đồng.
Trích BCTC năm 2014 của ROS
Ở đây, xuất hiện một dấu hiệu nhận diện sớm rủi ro báo cáo tài chính đó là những giao dịch lòng vòng với bên liên quan.
Bên liên quan được hiểu là các pháp nhân có chung chủ sở hữu (trực tiếp hoặc gián tiếp). Những khoản phải thu, phải trả, cho vay, bán hàng, mua hàng với bên liên quan với giá trị và tỷ trọng lớn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và cần được làm rõ bản chất.
Trong chuẩn mực kế toán Việt Nam về các bên liên quan có nói: Nhiều giao dịch với các bên liên quan là những giao dịch kinh doanh thông thường. Trong trường hợp này, các giao dịch với các bên liên quan có thể chứa đựng rủi ro có sai sót trọng yếu đối với báo cáo tài chính, không cao hơn so với các giao dịch tương tự với các bên không liên quan.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bản chất của các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan có thể dẫn đến rủi ro có sai sót trọng yếu đối với báo cáo tài chính cao hơn so với các giao dịch với các bên không liên quan. Ví dụ:
(i) Các bên liên quan có thể hoạt động thông qua các mối quan hệ và cơ cấu tổ chức phức tạp làm tăng lên tương ứng về độ phức tạp của các giao dịch với các bên liên quan;
(ii) Hệ thống thông tin có thể không hiệu quả trong việc xác định hoặc tóm tắt các giao dịch và số dư chưa thanh toán giữa một đơn vị và các bên liên quan;
(iii) Các giao dịch với bên liên quan có thể không thực hiện được theo các điều khoản và điều kiện bình thường của thị trường, ví dụ, một số giao dịch với bên liên quan có thể được thực hiện mà không có sự trao đổi về lợi ích kinh tế.