Sau thời gian dài thăm dò bằng nhiều buổi lái thử với quy mô lớn nhỏ khác nhau tại các tỉnh thành trên cả nước, BYD sẽ chính thức đặt chân vào thị trường ôtô Việt Nam từ ngày 18/7 thông qua sự kiện công bố giá bán dành cho 3 mẫu xe đầu tiên của hãng, bao gồm BYD Dolphin, BYD Atto 3 và BYD Seal.
Những trải nghiệm đầu tiên đối với sản phẩm là tương đối tốt, nhưng những vấn đề tiếp theo chắc chắn sẽ là thứ khiến BYD phải đau đầu giải quyết và khách hàng phải cân nhắc.
Bài học từ Thái Lan
Cuối năm 2022, BYD chính thức đổ bộ thị trường Thái Lan với mẫu xe đầu tiên BYD Atto 3, sau đó trình làng tiếp BYD Dolphin và BYD Seal đến với khách hàng xứ sở chùa vàng.
Ở thời điểm ra mắt, BYD niêm yết Atto 3 ở mức 1,199 triệu baht (tương đương khoảng 840 triệu đồng). Mức giá này ngang với MG ZS EV tại thị trường Thái Lan và là động thái cho thấy BYD đã không tự “hạ mình” trước đối thủ đồng hương trong cùng phân khúc.
Các mẫu xe sau đó của BYD bao gồm Dolphin được công bố giá niêm yết trong khoảng 700.000-860.000 baht (tương đương 490-602 triệu đồng), còn BYD Seal có giá niêm yết khởi điểm 1,325 triệu baht (khoảng 928 triệu đồng).
BYD nhanh chóng trở thành điểm sáng trên thị trường xe điện Thái Lan trong năm 2023 với tổng doanh số 30.650 xe, đứng trên các hãng xe đồng hương bao gồm Neta (12.777 xe), MG (12.764 xe) và cả Tesla khi hãng xe điện Mỹ ghi nhận 8.205 xe bán ra cho khách hàng Thái.
Trong hơn 30.000 xe mà BYD bán ra cho khách hàng xứ sở chùa vàng, BYD Atto 3 đóng góp 19.214 xe, tương đương gần 63% tổng lượng tiêu thụ. Mẫu SUV điện cỡ B này cũng trở thành ôtô điện bán chạy nhất Thái Lan trong năm vừa rồi, vượt qua cả những đối thủ “sừng sỏ” như Tesla Model Y (5.881 xe) hay Tesla Model 3 với doanh số 2.324 xe.
BYD Atto 3 vượt qua nhiều đối thủ mạnh để trở thành xe điện bán chạy nhất tại Thái Lan trong năm 2023. Ảnh: BYD Thailand.
Giữa lúc đang được nhắc đến như là hãng xe điện nổi bật nhất thị trường Thái Lan, BYD bất ngờ “tri ân” khách hàng bằng chính sách giảm giá, đưa BYD Dolphin về mức khởi điểm 560.000 baht (khoảng 394 triệu đồng) và BYD Atto 3 về mức khởi điểm 799.900 baht (khoảng 563 triệu đồng).
Chính sách này của BYD lại phần nào gây ra tác dụng ngược và được đánh giá là có thể khiến giá trị thương hiệu mà BYD nỗ lực xây dựng bị ảnh hưởng.
Chuyên trang Reuters cho hay cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Thái Lan đã nhận được khoảng 70 phàn nàn từ khách hàng kể từ khi bắt đầu cuộc điều tra liên quan đến đợt giảm giá sốc gần đây do BYD và các đại lý thực hiện. Cụ thể, các chủ sở hữu xe điện BYD cảm thấy bản thân đã phải trả quá nhiều tiền để mua xe ở thời điểm chưa giảm giá.
Theo Reuters, Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu điều tra các đại lý của BYD sau khi xuất hiện cáo buộc cho rằng trái với lời tuyên bố của một đại diện bán hàng, giá xe BYD tại đại lý ở Thái Lan đã không trở lại mức ban đầu sau khi đợt khuyến mại kết thúc.
Mạng xã hội nước này cũng “dậy sóng” với nhiều bình luận cho rằng việc xe điện BYD giảm giá sâu tại Thái Lan khiến họ cảm thấy bị thiệt thòi.
Chiến dịch giảm giá của BYD tại thị trường Thái Lan gây ra không ít tranh cãi. Ảnh: BYD Thailand.
“Không gì đau đớn hơn thế này”, một chủ xe tại Thái Lan viết trên trang cá nhân và cho biết từng phải trả 1,19 triệu baht (khoảng 840 triệu đồng) để sở hữu chiếc BYD Atto 3, nhưng giờ xe được bán với giá chỉ 859.000 baht (khoảng 604 triệu đồng).
Bài toán giá trị thương hiệu
Khủng hoảng mới nhất của BYD tại Thái Lan có thể là một trường hợp mà hãng xe Trung Quốc cần xem xét kỹ lưỡng trong giai đoạn đầu xâm nhập thị trường Việt Nam.
Tương tự nhiều thị trường khác trên thế giới, “làn sóng” ôtô Trung Quốc tràn vào Việt Nam giai đoạn gần đây đã không còn chủ đạo bởi các mẫu xe bình dân.
Ôtô Trung Quốc tại thị trường Việt Nam đang cho thấy nỗ lực thoát mác “giá rẻ” với những dòng xe có giá niêm yết ở thời điểm ra mắt tiệm cận hoặc cao hơn mức 1 tỷ đồng. Một vài trường hợp tiêu biểu bao gồm nhóm ôtô thương hiệu Lynk & Co, mẫu SUV hybrid Haval H6 (gần 1,1 tỷ đồng vào tháng 8/2023) hay gần đây là SUV điện MG4 EV (828-948 triệu đồng).
Ôtô Trung Quốc vào Việt Nam đã không còn là những mẫu xe giá rẻ. Ảnh: Lynk & Co.
Đứng trên điểm nhìn của một nhà sản xuất ôtô lần đầu xâm nhập thị trường mới như BYD, việc tự định vị bản thân ở một phân khúc cao có thể là động thái tương đối mạo hiểm nếu xét trên yếu tố doanh số.
Việc định giá sản phẩm ở mức cao hẳn nhiên dễ khiến thương hiệu nổi bật trên thị trường tại thời điểm ra mắt nhưng đổi lại, hãng xe phải chấp nhận khả năng doanh số sẽ không thể tốt như kỳ vọng.
Về ngắn hạn hoặc lâu dài, BYD có thể sẽ phải tung ra một số chương trình ưu đãi, giảm giá xe để đẩy mạnh doanh số, tương tự những gì hãng đã làm tại thị trường Thái Lan. Tuy nhiên dựa theo thông tin do Reuters cung cấp, chiến lược này có vẻ không được lòng phần lớn khách hàng.
Bài học từ Thái Lan cho thấy BYD sẵn sàng giảm giá cho sản phẩm để tăng trưởng doanh số. Và những người dùng đầu tiên tất nhiên sẽ không vui khi chiếc xe của mình bị mất giá quá nhanh trong thời gian ngắn, những khách hàng quan tâm sẽ có tâm lý chờ đợi cho xe giá giảm để xuống tiền.
Vẫn chưa rõ BYD sẽ chọn định vị bản thân ở phân khúc cao cấp hay phổ thông tại thị trường Việt Nam. Ảnh: BYD.
Ở chiều hướng ngược lại, giá niêm yết ở mức dễ tiếp cận và ổn định từ đầu sẽ giúp BYD có thể có cơ hội tiếp cận khách hàng và coi như là một cam kết lâu dài từ hãng.
Đổi lại, BYD sẽ có thể phải "bù lỗ" cho từng chiếc xe bán ra khi nguồn cung chưa ổn định và doanh số còn là câu chuyện của vài tháng hay vài năm sau. Đây là khoản đầu tư mà BYD cần phải cân nhắc nếu muốn hướng đến mục tiêu lâu dài tại Việt Nam như hãng đã chia sẻ.
Chờ đợi thêm cam kết của BYD
Ở thời điểm hiện tại, làn sóng ôtô Trung Quốc tại Việt Nam đang dần trở nên quen thuộc hơn với khách hàng trong nước. Tuy nhiên, những tiền lệ xấu trong quá khứ hay định kiến về giá bán cũng như chất lượng sản phẩm xe Trung Quốc vẫn được xem là rào cản lớn trên hành trình nỗ lực chinh phục khách hàng Việt, không chỉ của BYD mà còn dành cho toàn bộ hãng xe đến từ đất nước tỷ dân.
Riêng với BYD, sự kiện diễn ra vào ngày 18/7 sẽ quyết định liệu hãng xe Trung Quốc này định vị bản thân ở đâu trên thị trường ôtô Việt Nam thông qua mức giá niêm yết dành cho BYD Seal, BYD Dolphin và nhất là BYD Atto 3, mẫu SUV đô thị được xem như chủ lực doanh số của hãng.
Giá bán sẽ quyết định thành-bại của BYD tại thị trường Việt Nam.
Trước mắt, BYD đã tạo được thiện cảm tương đối tốt với khách hàng Việt Nam thông qua các buổi lái thử với quy mô lớn nhỏ khác nhau, được tổ chức liên tục từ giữa tháng 6 đến nay tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Phản hồi của khách hàng về trải nghiệm sau vô lăng của BYD Dolphin, BYD Atto 3 hay BYD Seal là khá tích cực, cho thấy BYD đã dỡ bỏ được một trong những rào cản khó khăn nhất trên hành trình chinh phục khách hàng Việt Nam.
Bên cạnh giá bán, sự quan tâm của khách Việt có lẽ sẽ dồn nhiều về mức độ cam kết của BYD, được thể hiện thông qua hệ thống đại lý, trạm sạc, các chính sách hậu mãi hay hướng phát triển dải sản phẩm tại thị trường Việt Nam trong tương lai.
Khách Việt dường như cần nhiều cam kết hơn từ BYD để quyết định "xuống tiền" cho một mẫu xe Trung Quốc. Ảnh: BYD.
Bên cạnh bài học "nội bộ" từ Thái Lan, vấn đề của BYD còn là những hãng xe đồng hương đang xuất hiện tại Việt Nam. Dù ồ ạt về số lượng thương hiệu, về sản phẩm ra mắt, các thương hiệu Trung Quốc dường như vẫn chưa thể hiện được sự gắn bó với thị trường Việt Nam, với số xe bán ra ít ỏi và số đại lý vẫn ở mức rất thấp so với thị trường.
Động thái "rón rén" đầu tư của các thương hiệu Trung Quốc khiến người quan tâm không khỏi lo ngại về một sự "rút chạy" hàng loạt nếu như không đạt được mục tiêu về doanh số hay lợi nhuận. Khi các hãng xe rón rén xâm nhập thị trường, khách hàng tất nhiên cũng lo ngại tình trạng "đem con bỏ chợ" đã từng xảy ra không ít lần.
BYD có thể coi là thương hiệu Trung Quốc rầm rộ nhất tại Việt Nam trong 2 năm trở lại đây, và cũng có những "lời hứa" lâu dài. Tuy nhiên tác động từ thị trường, phản ứng của khách hàng, sự "rút lui" của các hãng xe đồng hương... có thể sẽ tác động phần nào tới cam kết của BYD.
Trạm sạc vẫn là yếu tố quan trọng
Ngoài ra, hệ thống trụ sạc do bên thứ ba phát triển cũng được xem là yếu tố quan trọng trên hành trình chinh phục khách hàng Việt Nam mà BYD đang hướng đến.
Cả 3 xe điện của BYD trong đợt đổ bộ đầu tiên đều sử dụng cổng sạc theo chuẩn CCS2, nghĩa là tương thích với phần lớn trụ sạc ôtô điện đang có sẵn tại Việt Nam, bao gồm hệ thống sạc công cộng V-GREEN. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, các trụ sạc V-GREEN chỉ phục vụ riêng xe điện VinFast và chưa chia sẻ quyền sử dụng với các hãng khác.
Do đó, chủ xe BYD sẽ chỉ có thể sạc xe điện tại nhà, tại đại lý hoặc tại các trụ sạc do bên thứ ba phát triển như SolarEV, EV ONE, Rabbit EVC, EverCharge, EvPay, Autel Charge, EBOOST Car…
Ông Võ Minh Lực cũng từng cho biết toàn bộ đại lý BYD sẽ được trang bị các trụ sạc nhanh phục vụ nhu cầu nạp lại năng lượng cho xe điện, do đó mạng lưới đại lý BYD trên toàn quốc cũng có thể được xem như một hệ thống trạm sạc dành cho xe điện của hãng.
Cổng sạc theo chuẩn CCS2 trên xe điện BYD tương thích với phần lớn trụ sạc công cộng tại Việt Nam.
Với các đơn vị tư nhân trong mảng phát triển trạm sạc, sự phát triển của BYD hay bất kỳ hãng xe điện nào tại Việt Nam trong tương lai cũng là một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ tương hỗ, đôi bên cùng có lợi.
Khi doanh số xe điện tăng cao, nhu cầu sử dụng trạm sạc cũng tăng theo dẫn đến khoản đầu tư trạm sạc của các đơn vị này có khả năng sinh lời. Từ đó, sự phát triển của BYD hay bất kỳ hãng xe điện nào sẽ kéo theo sự ra đời của ngày càng nhiều trụ sạc công cộng và góp phần hoàn thiện mạng lưới trạm sạc ôtô điện rộng khắp tại Việt Nam.
Ở chiều hướng ngược lại, khách hàng sẽ chờ đợi có hạ tầng trạm sạc tốt mới chuyển đổi qua xe điện, hãng xe bị động trong việc phát triển trạm sạc đồng nghĩa với việc không thể đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.
Nhìn chung, sự hiện diện của BYD tại thị trường Việt Nam được xem là một tín hiệu khá tích cực. Bước đi tiếp theo của BYD sẽ thế nào, nguồn lực và sự tập trung của BYD tới Việt Nam ra sao, rất nhiều người quan tâm đang chờ đợi vào ngày mai.