Giữa bối cảnh khó khăn chung của thị trường ôtô toàn cầu, không ít liên minh giữa các hãng xe đã được thành lập nhằm giải quyết vấn đề trước mắt, hoặc hướng đến một lộ trình phát triển lâu dài trong tương lai.
Bắt tay sản xuất xe
Tháng trước, nhiều nguồn tin cho biết Honda và Nissan có thể bắt tay nhau nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất xe điện. Động thái của 2 hãng xe đồng hương diễn ra giữa lúc thị trường ôtô toàn cầu đang chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi làn sóng đổ bộ từ các thương hiệu ôtô giá rẻ của Trung Quốc.
Báo cáo từ Nikkei Asia cho biết việc hợp tác giữa Honda và Nissan cũng có thể mở rộng sang hoạt động thiết kế và phát triển chung một nền tảng, trong khi hoạt động chung về mua sắm pin và phát triển chi tiết cho phương tiện cũng đang được 2 bên xem xét.
Trước đó vào ngày 27/3/1999, Nissan từng thành lập một liên minh với Renault trước khi tiếp tục liên kết với Mitsubishi vào khoảng tháng 5/2016. Liên minh Nissan-Renault-Mitsubishi đã thành công trình làng Nissan Leaf - mẫu xe điện hatchback 5 cửa đầu tiên của hãng xe Nhật Bản - đến khách hàng tại thị trường ôtô xứ hoa anh đào cũng như thị trường Mỹ vào tháng 12/2020.
Mới đây nhất, Nissan và Mitsubishi được tiết lộ sẽ cùng nhau hợp tác để phát triển một mẫu bán tải thuần điện dành cho thị trường Mỹ. Mẫu bán tải điện đầu tiên của liên minh Nissan-Mitsubishi sẽ được sản xuất tại Mexico, dự kiến ra mắt trong giai đoạn 2027-2031 và nhiều khả năng được phát triển dựa trên bán tải Nissan Frontier.
Về phần mình, Honda cũng bắt tay với Sony để thành lập liên doanh Sony Honda Mobility. Đơn vị liên kết giữa 2 gã khổng lồ trong ngành công nghiệp Nhật Bản xác nhận sẽ ra mắt 3 ôtô điện mang thương hiệu Afeela trong vòng 5 năm tiếp theo, với cái tên đầu tiên có thể là một mẫu sedan thuần điện.
Phiên bản xem trước của mẫu sedan điện này cũng đã được trình làng tại Triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2024 diễn ra hồi đầu năm tại Trung tâm Hội nghị Las Vegas (Mỹ).
Hồi đầu năm, Reuters cho biết Stellantis và Renault đang hợp tác để cố gắng phát triển các mẫu xe điện có giá bán phải chăng hơn.
Ông Luca de Meo, CEO của Renault, thừa nhận các hãng xe đang tìm cách giảm giá bán ôtô điện, hướng đến một mức giá ngang bằng với các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong.
Vị lãnh đạo Renault cho rằng việc giảm giá sẽ dễ dàng hơn đối với các mẫu xe điện cỡ nhỏ, do các nhà sản xuất chỉ cần đơn giản cắt giảm kích thước bộ pin. Theo Reuters, một bộ pin thường chiếm khoảng 40% chi phí của một chiếc xe điện trên thị trường.
Hợp tác về pin và công nghệ
Chuyên trang Electrek cho biết vào tháng 12 năm ngoái, tổng cộng 12 công ty Nhật Bản khác nhau đến từ các lĩnh vực sản xuất ôtô, linh kiện điện và chất bán dẫn đã hợp tác cùng nhau trong một thỏa thuận mang tên “Nghiên cứu chất bán dẫn nâng cao dành cho ôtô”, gọi tắt là ASRA.
Trong số này, Toyota, Honda, Mazda, Nissan và Subaru là những hãng xe tham gia, bên cạnh Panasonic cùng các công ty sản xuất chất bán dẫn khác như Synopsys hay Mirise.
Theo Electrek, ASRA được thành lập nhằm mục đích nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn hiệu suất cao dành cho các phương tiện giao thông. Mục tiêu đến trước năm 2028 của ASRA là phát triển chip dành cho ôtô thông qua đội ngũ tài năng và giàu kinh nghiệm đến từ các công ty thành viên. Từ năm 2030 trở đi, ASRA mong muốn sẽ có thể lắp đặt thành phẩm chất bán dẫn hiệu suất cao cho các mẫu xe bán ra trên thị trường.
Trong khi đó, chuyên trang Reuters dẫn nguồn tin cho biết Ford đang đánh giá lại chiến lược pin của mình, đồng thời đã thành lập một đội ngũ phụ trách thiết kế mẫu xe điện có giá rẻ hơn nhằm cạnh tranh với sản phẩm của BYD.
“Chúng ta dường như đã bắt đầu bước vào cuộc cạnh tranh ở mảng pin ôtô. Ford có thể chuyển sang sử dụng các mẫu pin hình trụ để gia tăng doanh số xe điện”, ông Jim Farley, CEO của Ford, cho biết và khẳng định sẵn sàng hợp tác với các hãng xe khác trong lĩnh vực này.
Về phần mình, lãnh đạo General Motors cũng để ngỏ khả năng bắt tay cùng các thương hiệu ôtô khác để phát triển công nghệ trang bị trên xe.
Tương tự liên minh giữa Honda với Nissan, cú bắt tay tiềm năng giữa General Motors và Ford là hoàn toàn khả thi bởi những ảnh hưởng hiện hữu từ làn sóng ôtô Trung Quốc, vốn đã đặt chân đến châu Âu và đang phát triển ở Mexico cũng như khu vực Mỹ Latin.
Bên cạnh khả năng hợp tác với Ford, General Motors cũng được báo cáo là sắp bắt tay cùng CATL để mở một nhà máy sản xuất pin LFP ở khu vực Bắc Mỹ. Theo Electrive, nhà máy pin của General Motors và CATL sẽ có công suất ngang hàng với cơ sở sản xuất pin của Ford-CATL, vốn sở hữu công suất thường niên 35 GWh ở thời điểm ban đầu nhưng đã được điều chỉnh xuống còn 20 GWh/năm.
VinFast cũng hợp tác để phát triển xe điện
VinFast, một trong những hãng xe vừa tham gia triển lãm Bangkok International Motor Show 2024 (BIMS 2024), cũng được biết đến thông qua nhiều mối quan hệ hợp tác với các công ty có liên quan để phát triển và đẩy mạnh sử dụng xe điện.
Mẫu bán tải điện VinFast VF Wild có mặt tại triển lãm BIMS 2024 là một sản phẩm hợp tác giữa VinFast với công ty thiết kế Gomitiv của Australia. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm thiết kế mẫu xe điện mini VinFast VF 3, đồng thời được cho là đã tham gia vào quá trình thiết kế VF 5, VF 6 cũng như lên ý tưởng thiết kế ban đầu cho VF 7.
Trước đó vào đầu tháng 7/2022, VinFast công bố đầu tư vào ProLogium - hãng sản xuất pin của Đài Loan chuyên về pin thể rắn - với tổng trị giá hàng chục triệu USD. VinFast và ProLogium cũng ký kết các thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển mẫu thiết kế pack pin sử dụng công nghệ pin thể rắn của công ty này.
Đến tháng 10/2022, hãng xe điện của Việt Nam tiếp tục công bố hợp tác với CATL, hãng pin đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng pin cho ngành công nghiệp ôtô toàn cầu.
Nội dung thỏa thuận đề cập đến việc CATL và VinFast sẽ cùng nhau phát triển công nghệ pin mới, trong đó pin và các bộ phận quan trọng khác sẽ tích hợp sẵn vào khung gầm ôtô. Công nghệ này được kỳ vọng sẽ giúp giảm trọng lượng xe điện, tăng khoang chứa cell pin, từ đó giúp xe sở hữu tầm hoạt động tốt hơn và giảm chi phí sử dụng cho khách hàng.
Tháng 12 năm ngoái, VinFast tiếp tục đẩy mạnh hợp tác liên quan đến pin thông qua cú bắt tay với Marubeni, một tập đoàn Nhật Bản đã có thời gian dài đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam. Cụ thể, thỏa thuận hợp tác giữa VinFast và Marubeni sẽ nhắm đến tái sử dụng pin xe điện, trong đó VinFast sẽ là đơn vị cung ứng pin, còn Marubeni đảm nhiệm việc đánh giá khả thi, tư vấn kỹ thuật và triển khai lắp đặt các hệ thống lưu trữ năng lượng từ pin ôtô điện đã qua sử dụng.
Nhằm hướng đến đảm bảo khả năng di chuyển thông suốt bằng xe điện, VinFast cũng tiến hành hợp tác với các công ty xăng dầu để đặt trụ sạc dành cho xe điện của hãng tại hệ thống các trạm xăng.
Nhờ đó, số liệu ghi nhận vào tháng 10/2023 cho thấy hạ tầng trạm sạc của VinFast đã phủ sóng tại toàn bộ 63 tỉnh thành, dọc theo 106 tuyến quốc lộ cũng như cao tốc trên cả nước. Khoảng cách di chuyển giữa 2 trạm sạc bố trí ở 80 thành phố trên cả nước cũng được VinFast duy trì không quá 3,5 km.
Mới đây nhất, hãng xe điện Việt Nam vừa công bố hợp tác cùng Chợ Tốt để triển khai chương trình "Thu cũ xe xăng - Đổi mới xe điện", áp dụng đến hết ngày 1/5. Không chỉ nhận được khuyến mại khi mua xe máy điện VinFast thông qua nền tảng Chợ Tốt, khách hàng còn có thể bán xe xăng cũ cho sàn giao dịch xe này, đồng thời mua xe máy điện và hưởng thêm ưu đãi trị giá tối đa 1,75 triệu đồng.
Việc bắt tay với các ông lớn trên thế giới khiến tốc độ phát triển xe điện của VinFast nhanh hơn và vững chắc hơn. Trong năm nay VinFast sẽ tiếp tục bùng nổ không chỉ Việt Nam mà tại rất nhiều thị trường trên thế giới, gần đây nhất là Indonesia và Thái Lan.
Xu hướng tất yếu
Vào năm 2015, ông Tim Urquhart - Nhà phân tích chính của IHS Automotive - từng nhận định rằng việc các hãng xe bắt tay sẽ sớm trở thành một xu hướng tất yếu.
“Trong thời đại ngày nay, việc nghiên cứu và phát triển ôtô mới đã trở thành một dự án toàn cầu và có thể tiêu tốn hàng tỷ USD, ngay cả với một nhà sản xuất ôtô lớn. Càng nhiều chi phí có thể chia sẻ được với nhà sản xuất ôtô khác sẽ càng mang lại lợi ích cho bất kỳ hãng xe nào”, ông Tim Urquhart nhấn mạnh.
Đối với việc phát triển xe điện và xe hybrid, ông Tim Urquhart cho rằng sự hợp tác giữa các hãng xe càng trở nên có giá trị hơn.
“Một nhà sản xuất ôtô phải làm gì trong một lĩnh vực mà họ không có chuyên môn? Trả số tiền khổng lồ cho nghiên cứu, hay nhận hỗ trợ từ một đơn vị có kinh nghiệm hoặc cộng tác với hãng xe khác có cùng mục tiêu?”, ông Tim Urquhart đặt vấn đề.
Vào tháng 7/2023, bảy hãng xe bao gồm BMW, General Motors, Honda, Hyundai, Kia, Mercedes-Benz và Stellantis đã thông báo sẽ hợp tác cùng nhau, thành lập một liên doanh để tự sản xuất bộ sạc cùng một hệ thống sạc đảm bảo các tiêu chí sạc nhanh, đáng tin cậy và dễ sử dụng. Liên minh này hướng đến mục tiêu mở rộng số lượng trạm sạc nhanh ra khắp lãnh thổ Bắc Mỹ, tương tự mạng lưới Supercharger của Tesla, và dự kiến đi vào hoạt động từ năm nay.
Theo Car and Driver, các trạm sạc này sẽ tương thích với tất cả xe điện sử dụng chuẩn sạc CCS cũng như chuẩn sạc NACS độc quyền trên xe điện Tesla. Không ít hãng xe đã cam kết trang bị đầu sạc chuẩn NACS trên xe điện của mình như Mercedes-Benz hay General Motors, trong khi những hệ thống trạm sạc tư nhân khác tại Mỹ như Electrify America hay ChargePoint cũng xác nhận sẽ bổ sung trụ sạc theo chuẩn NACS trong tương lai gần.
Có thể thấy sự hợp tác của các hãng xe cùng nhiều công ty công nghệ có liên quan đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Xu hướng hợp tác này có thể tiếp tục mở rộng trong tương lai, nhất là giữa bối cảnh không ít hãng xe phải chật vật tìm cách sinh tồn giữa bão giá, ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng hay sự đi xuống của doanh số ôtô toàn cầu.