Nội dung chính:
- Năm 2013, Ủy ban châu Âu EC nhận định rằng việc thiếu các điểm sạc có chuẩn sạc thống nhất là trở ngại lớn nhất để thị trường xe điện đi lên.
- Nhiều tháng trước đó, các hãng xe Đức, Pháp và Ý đã thương lượng để chọn ra một chuẩn sạc chung cho toàn khu vực EU trong số nhiều loại đang có mặt trên thị trường.
- Do hầu hết hãng xe đều có thị trường quan trọng ở cả châu Âu và Bắc Mỹ, nên việc thống nhất chuẩn sạc ở EU có sự tham gia hợp tác của cả Bộ Năng lượng Mỹ để chọn ra cổng sạc tương thích với lưới điện ở cả hai khu vực.
Bước ngoặt trong ngành sản xuất ô tô điện châu Âu đã đến từ 10 năm trước, khi Ủy ban châu Âu kết luận rằng, “việc thiếu các điểm sạc có chuẩn cổng sạc thống nhất, là trở ngại lớn nhất cho việc phát triển thị trường xe điện”.
Nhận định tưởng như rất hiển nhiên đó là tiền đề cho việc hợp tác rộng rãi giữa các nhà sản xuất và các cơ quan hoạch định chính sách nhằm đưa ra một chuẩn sạc chung cho toàn khu vực.
Trước khi EU đi đến kết luận trên, Đức, Pháp và Ý – ba quốc gia thành viên EU sở hữu nhiều hãng xe điện nhất – đã mất hàng tháng trời thương lượng với nhau để thống nhất chọn ra một trong số nhiều thiết kế cổng sạc đang có mặt trên thị trường.
Việc thống nhất tiêu chuẩn trạm sạc không chỉ giúp các hãng xe hạ giá thành sản xuất, còn giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc sạc điện tại các trạm công cộng, mà không cần phải quan tâm đến loại xe mình đang sử dụng. Thống nhất tiêu chuẩn trạm sạc cũng giúp hình thành một thị trường xe điện cạnh tranh lành mạnh và vận hành hiệu quả.
EU thống nhất chuẩn sạc thì liên quan gì đến Mỹ?
Khó khăn nhất trong việc thiết lập một chuẩn chung, là tất cả các hãng xe đều kinh doanh ở cả khu vực châu Âu lẫn Bắc Mỹ, cả hai đều là thị trường quan trọng.
“Hầu hết các nhà sản xuất ô tô đều hoạt động ở cả hai bờ Đại Tây Dương và chúng ta nên thống nhất sao cho xe được sản xuất cho châu Âu về cơ bản giống như xe được sản xuất cho thị trường Mỹ”, tiến sĩ Alois Krasenbrink, người đứng đầu Tổ Giao thông Bền Vững thuộc Trung tâm Nghiên cứu chung (JRC) – cơ quan nghiên cứu của EU, trụ sở tại Ispra, Ý.
Lợi ích chính của việc duy trì tiêu chuẩn giống nhau cho cả châu Âu và Mỹ là để thuận tiện hơn cho các nhà sản xuất, đồng nghĩa với việc giảm giá thành xe cho người tiêu dùng.
“Nếu mỗi nơi có một chuẩn cổng sạc khác nhau, và hãng xe phải cung cấp loại xe tương thích với chuẩn đó, thì chi phí sẽ rất cao”, tiến sĩ Krasenbrink nhận xét. Chi phí là một trong những vấn đề lớn với xe điện vào năm 2013 cho dù các mẫu xe điện được bán vào thời điểm đó, như Tesla Roadster, BMW i3 và Nissan Leaf vẫn thuộc phân khúc xe sang.
“Người chiến thắng” trong cuộc tuyển chọn cổng sạc chung
Khi xe điện ngày càng trở nên phổ biến, thì mức độ phụ thuộc của mỗi chiếc ô tô điện vào các trạm sạc công cộng lại càng cao. Đó cũng chính là mấu chốt của việc cho ra chuẩn chung cho cả châu Âu và Bắc Mỹ.
Chính vì điều này, năm 2011 Trung tâm Nghiên cứu chung của EU (JRC) và Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã cùng nhau thành lập ra các trung tâm nghiên cứu ứng dụng tương thích (interoperability centres) ở cả hai nước, để nghiên cứu việc phát triển tiêu chuẩn sạc xe điện cho phù hợp với hệ thống lưới điện ở cả hai khu vực.
Theo kết quả của hợp tác nghiên cứu, các hãng xe đi đến thống nhất chọn loại cổng sạc được các công ty năng lượng và ô tô lớn giới thiệu lần đầu tiên tại Hội chợ Thương mại Hannover tại Đức tháng 4.2009. Đó chính là chuẩn đầu sạc Type 2 hay Mennekes (theo tên công ty sản xuất) phổ biến ở châu Âu hiện nay.
Việc thống nhất chuẩn sạc cho xe điện chính thức được nêu trong một văn bản luật của EU vào năm 2014: “Chỉ thị về Nhiên liệu Thay thế” (The Alternative Fuels Directive).
Các chỉ thị do EU ban hành không tạo thành đạo luật chính thức ở bất cứ quốc gia thành viên nào, nhưng là khuôn khổ bắt buộc cho các nước thành viên ban hành luật riêng để tuân thủ chỉ thị.
Chỉ thị về Nhiên liệu Thay thế 2014 là khung luật chung ảnh hưởng lớn đến hạ tầng sạc xe điện hiện nay của toàn khối đồng tiền chung châu Âu, quy định rõ: các trạm sạc công cộng phải có cổng kết nối Type 2 hoặc CCS2.
Cụ thể, Type 2 dành cho cổng sạc AC (trạm sạc cấp 1 và cấp 2, dùng dòng điện xoay chiều) và đầu nối CCS2 (hay Combo 2) cho cổng sạc DC (trạm sạc cấp 3, nhanh và siêu nhanh, dùng dòng điện một chiều).
Phổ biến tiêu chuẩn cổng sạc trên mạng lưới cơ sở hạ tầng
“Chỉ thị về Nhiên liệu Thay thế” ra đời năm 2014, nhưng thời hạn cho các quốc gia thành viên ban hành luật tương ứng ở mỗi nước là cuối năm 2016, và hiệu lực của các đạo luật riêng quốc gia là cuối năm 2017, nhằm mục đích cho các nhà cung cấp trạm sạc một năm để lưu ý và thay đổi để tuân thủ yêu cầu.
Chỉ thị yêu cầu, đối với các trạm được lắp đặt và nâng cấp sau ngày đạo luật riêng quốc gia có hiệu lực, tất cả các trạm sạc cấp 2 hay sạc nhanh AC bắt buộc phải có đầu nối Type 2, còn các trạm sạc cấp 3 (sạc DC) phải có đầu nối CCS2. Trạm sạc có thể kết hợp các loại cổng sạc tiêu chuẩn khác, nhưng bắt buộc phải có hai loại trên.
Nước Anh trước khi rời khỏi EU đã kịp áp dụng tiêu chuẩn cổng sạc, nên hệ thống hạ tầng xe điện vẫn theo tiêu chuẩn EU.
Nhờ tiêu chuẩn thống nhất, năm 2016 các hãng xe BMW, VW (công ty mẹ sở hữu 12 thương hiệu xe bao gồm Porsche, Audi, Bugatti và Volkswagen), Ford, Daimler cùng nhau thành lập Ionity - một liên doanh cung cấp hệ thống trạm sạc ở châu Âu.
Ionity lên kế hoạch từ năm 2017 đến 2025, sẽ xây dựng khoảng 400 trạm sạc DC siêu nhanh dọc theo các đường cao tốc ở châu Âu, giúp việc di chuyển quãng đường dài bằng xe điện có thể dễ dàng thực hiện.
Với yêu cầu cơ sở hạ tầng phải tuân thủ chuẩn kỹ thuật chung cho cổng sạc, việc các hãng xe điện áp dụng chuẩn cổng sạc Type 2/ CCS2 là hoàn toàn hợp lý. Thậm chí Tesla, hãng xe điện có chuẩn cổng sạc độc nhất, cũng đã thay đổi sang chuẩn EU đối với các xe giao tại EU, để tài xế dễ dàng sạc mà không cần đến bộ chuyển đổi (adapter).
Kỳ 2: Sạc điện dễ như đổ xăng tại EU: Loại bỏ rào cản kết nối và thanh toán