Kinh tế toàn cầu đối mặt với suy thoái, hệ luỵ từ chiến tranh Nga – Ukraine và dịch Covid-19… đẩy các doanh nghiệp vào khó khăn chưa từng có trong nửa đầu năm 2023. Đặc biệt là nhóm bán lẻ khi gặp áp lực bởi sức mua giảm trong khi thuỷ sản và dệt may bị tác động mạnh bởi nhu cầu quốc tế đi xuống, đơn hàng xuất khẩu đứt đoạn.
Sang tháng 7/2023, đã có một vài tia sáng đầu tiên khi kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp tăng trưởng so với tháng 6.
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) vừa công bố tình hình kinh doanh tháng 7 với 782 tỷ đồng doanh thu, tăng 11,5% so với tháng 6 và tăng 2% so với cùng kỳ. Như vậy, TNG đã lấy lại đà tăng trưởng doanh thu khi thị trường qua đáy khó khăn. Lũy kế 7 tháng, Công ty đạt 4.116 tỷ đồng doanh thu, tăng 109 tỷ đồng, tương ứng tăng 3% so với cùng kỳ.
Cơ cấu doanh thu của TNG bao gồm 98% là xuất khẩu, 2% tiêu thụ nội địa. Trong các thị trường, top 3 khách hàng lớn nhất bao gồm Mỹ chiếm 47% tỷ trọng doanh thu, Pháp chiếm 15%, Canada 8%. TNG hiện vận hành 15 nhà máy may, 2 nhà máy phụ trợ với 18.000 lao động tại Thái Nguyên.
Một đơn vị khác cũng nằm trong nhóm xuất khẩu, CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) ghi nhận doanh số chung đạt 21,3 triệu USD trong tháng 7/2023. Con số này sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ nhưng tăng 18% so với tháng 6/2023.
Trong đó, sản xuất tôm thành phẩm đạt 2.338 tấn, tăng 33% so với cùng kỳ; sản xuất nông sản thành phẩm đạt 66 tấn, giảm 46% so với cùng kỳ; sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 2.531 tấn, giảm 5% so với cùng kỳ; sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 187 tấn, giảm 38% so với cùng kỳ.
Công ty chia sẻ thêm về tình hình nuôi tôm, giữa tháng 7 đã thả giống xong khu mới. Khu cũ đang thả giống vụ hai, dự kiến 5/8 hoàn tất việc thả giống.
Trước đó, khi công bố BCTC quý 2/2023, các doanh nghiệp thủy sản, dệt may cho thấy một bức tranh toàn gam màu tối.
Thống kê tình hình kinh doanh quý 2/2023 của nhóm Thuỷ sản.
Thống kê tình hình kinh doanh quý 2/2023 của nhóm Dệt may.
Ở nhóm bán lẻ ICT, sức mua trong nước yếu cũng “giáng đòn” lên doanh nghiệp không kém. Đặc biệt, cuộc chiến hạ giá đã khiến nhiều bên thua lỗ.
Thống kê tình hình kinh doanh quý 2/2023 của nhóm Bán lẻ.
Kinh doanh ở mảng bán buôn (thường biên lợi nhuận sẽ thấp hơn nhiều so với bán lẻ), CTCP Thế giới Số (Digiworld, DGW) đang từng bước hồi phục, dù so với cùng kỳ vẫn còn sụt giảm mạnh.
Quý 2/2023 DGW ghi nhận lãi ròng 83 tỷ - giảm 39% so với quý 2/2022 (giai đoạn này năm ngoái cao điểm do người dân tăng mua hậu Covid-19). Song, so với quý đầu năm thì trong kỳ lợi nhuận DGW tăng trưởng 5%.
Khó khăn vẫn còn song tín hiệu hồi phục đã xuất hiện với DGW. Tại hội thảo “Connecting to Customers - Ngành hàng tiêu dùng: Đi tìm điểm đổi chiều xu hướng” chiều hôm 27/7, ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT DGW - cho biết: "Trong tháng 6, DGW cũng như các công ty trong ngành đều đạt doanh thu theo tháng ở mức cao nhất kể từ đầu năm. Ước tính, doanh thu tháng 7 còn cao hơn tháng 6".
Nếu xét theo quý, ông Việt cho biết quý 2 đã có tăng trưởng khá tốt so với quý 1, và dự kiến quý 3 cũng sẽ có tăng trưởng tốt hơn quý 2. Chủ tịch DGW cũng kỳ vọng đến quý 4/2023, Công ty sẽ trở lại chu kỳ tăng trưởng dương.
Theo vị này, tình hình chi tiêu của khách hàng đã có sự phục hồi trong quý 2 (so với quý đầu năm), nhờ đó kết quả kỳ này trở nên khả quan hơn. Trong quý 2/2023, hầu hết các ngành của DGW tăng trưởng dương, riêng ngành hàng điện thoại di động tăng 15% và ngành máy tính xách tay tăng 23%.
Dự báo nửa cuối năm 2023, Chủ tịch DGW tự tin doanh thu Công ty có thể phục hồi so với nửa đầu năm nhờ Apple ra mắt iPhone 15 vào tháng 10 và doanh thu máy tính xách tay cao hơn vào mùa tựu trường. Còn điểm “bùng nổ” của DGW sẽ rơi vào nửa cuối năm 2024, nhờ cộng hưởng chu kỳ thay mới sản phẩm và nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng khi nền kinh tế tốt hơn.