Katinat liên tục bành trướng, chỉ sau vài năm đã sở hữu quy mô 73 cửa hàng. Ảnh: Khương Nguyễn.
Những gì đang diễn ra với The Coffee House thời gian gần đây cho thấy sự xáo trộn trên thị trường chuỗi trà và cà phê Việt Nam.
Mặc dù đến cuối năm ngoái, thị phần vẫn thuộc về 5 "ông lớn" là Trung Nguyên, Highlands, The Coffee House, Phúc Long và Starbucks, rất nhiều cái tên mới mẻ đang bứt tốc và sẵn sàng giành giật "miếng bánh" tỷ USD này.
Những chuỗi trà và cà phê mới nổi với sự đầu tư bài bản, chỉn chu cùng sản phẩm chất lượng hứa hẹn sẽ khiến những "cây đa cây đề" phải dè chừng.
Sự "bành trướng" của Katinat, Phê La
Cuối năm 2021, Katinat vẫn chỉ là một chuỗi cà phê nhỏ với khoảng 10 cửa hàng tại TP.HCM. Nhưng hiện tại, đây là một trong những cái tên có khả năng "đe dọa" các thương hiệu lớn bởi tốc độ mở rộng thị trường đáng kinh ngạc, chiếm lĩnh nhiều vị trí đắc địa tại trung tâm.
Hiện, chuỗi sở hữu tổng cộng 73 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, trong đó tập trung nhiều ở TP.HCM. Dữ liệu của Vietdata cho thấy Katinat đang chiếm 1,35% thị phần cả nước, doanh thu năm 2023 đạt gần 470 tỷ đồng.
Tháng 4 vừa qua, Katinat triển khai chiến lược phát triển mới và tái định vị thương hiệu thành Katinat Coffee & Tea House, tập trung vào 2 dòng sản phẩm chính là trà và cà phê.
Sự "lột xác" của Katinat diễn ra sau khi chuỗi này nhận hậu thuẫn từ D1 Concept - doanh nghiệp F&B đang phát triển nhiều thương hiệu như nhà hàng San Fu Lou, Sorae Sushi hay Dì Mai.
Đáng chú ý, hệ sinh thái của D1 Concept cũng có sự góp mặt của Phê La. Thương hiệu này được thành lập năm 2021, là chuỗi tiên phong tạo nên xu hướng trà sữa trân châu đậm vị, nổi bật với việc sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc tại địa phương, đặc biệt là trà Ô long đặc sản từ Đà Lạt.
Cửa hàng của Phê La xuất hiện tại rất nhiều vị trí đắc địa như đường Xuân Thuỷ (Thảo Điền, TP Thủ Đức), đường Phan Chu Trinh (gần chợ Bến Thành, quận 1) ở TP.HCM, hay đường Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Phê La đã mở 23 cửa hàng sau 2 năm. Ảnh: Quỳnh Danh.
Tháng 6 năm nay, Phê La kéo dài thời gian mở cửa từ 4h sáng đến 23h, phục vụ những người dậy sớm và thu hút sự chú ý đáng kể từ những người đam mê trà sữa trân châu.
Theo số liệu của Vietdata, năm 2023, chuỗi này đạt doanh thu gần 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức hàng chục tỷ đồng.
Những "tân binh" đáng gờm
Bên cạnh 2 cái tên sáng giá là Katinat và Phê La, thị trường còn xuất hiện những thương hiệu đầy triển vọng khác như Every Half, Rang Rang hay %Arabica.
Every Half là chuỗi cà phê có 8 cửa hàng tại nhiều vị trí trung tâm của TP.HCM như bến tàu Bình An (TP Thủ Đức), đường Nguyễn Văn Thủ (quận 1), đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3). Chuỗi này ghi điểm nhờ không gian được thiết kế đẹp mắt, thoáng đãng và bán cà phê đặc sản (specialty).
Đáng nói, hình bóng của nhà sáng lập The Coffee House Nguyễn Hải Ninh hiện diện rõ nét tại đây, khi thông tin đăng ký CTCP Every Half Bean cho thấy vị này giữ chức vụ Giám đốc. Trong khi đó, người đại diện pháp luật là ông Võ Duy Phú - người cùng ông Ninh sáng lập và điều hành The Coffee House trước đây.
Cửa hàng đầu tiên của Every Half mở cửa vào tháng 6/2021, nằm trong khuôn viên M Village của ông Nguyễn Hải Ninh.
Đồng sáng lập khác của chuỗi này là ông Trần Lê Minh Trúc - một tên tuổi có tiếng trong giới với hơn 10 năm kinh nghiệm và cũng từng có thời gian làm việc tại Urban Station và The Coffee House - hai thương hiệu cà phê do ông Nguyễn Hải Ninh sáng lập.
Với những gì mà nhóm này đã từng thể hiện với The Coffee House, thị trường đang đặt nhiều kỳ vọng với "ván bài mới" của họ - Every Half.
Nhóm sáng lập và nhân sự chủ chốt của The Coffee House đang khởi nghiệp lần nữa với Every Half. Ảnh: Every Half.
Rang Rang là một cái tên khác sở hữu nhiều yếu tố để bùng nổ trong thời gian sắp tới. Hiện tại, thương hiệu này có 5 cửa hàng tại các khu vực được mệnh danh là "khu nhà giàu" tại TP.HCM như Thảo Điền (TP Thủ Đức) hay Phú Mỹ Hưng (quận 7).
Rang Rang Coffee thuộc GuruGroup - công ty quản lý và phát triển trong ngành F&B được thành lập bởi doanh nhân Long Nguyễn - người yêu cũ của Á hậu Thảo Nhi Lê. GuruGroup có các quán bar như Sport Bar, Candi Shop Cocktail Lounge, Drink & Healing.
Năm 2021, Guru đã mời ông Nguyễn Hòa về làm Giám đốc vận hành. Vị này từng đảm nhiệm vai trò Giám đốc Điều hành F&B tại EMG và Tổng giám đốc Quán Ụt Ụt, Bia Craft Artisan Ales. Trước đó, ông Nguyễn Hòa cũng phụ trách quản lý bộ phận F&B tại Khách sạn Moevenpick Sài Gòn và tham gia xây dựng lại thương hiệu cho Khách sạn Eastin Grand Sài Gòn.
Cũng giống như Every Half, Rang Rang đi theo hướng bán cà phê đặc sản với giá thành khá cao, tập trung vào nhóm khách có thu nhập tốt, mong muốn có thêm nhiều trải nghiệm khác biệt. Có thời điểm, số lượng cửa hàng của Rang Rang đã lên đến 9 cửa hàng, song hiện tại, doanh nghiệp đang có những điều chỉnh trong chiến lược mở rộng.
%Arabica mở cửa hàng thứ 2 ngay cạnh Bưu điện TP và Nhà thờ Đức Bà (quận 1). Ảnh: Khương Nguyễn.
%Arabica - thương hiệu đến từ Nhật Bản mới chỉ mở 2 cửa hàng tại Việt Nam nhưng cũng là một "ẩn số" thú vị của thị trường.
Thương hiệu mới đây đã khai trương cửa hàng tại số 2 Công Xã Paris (quận 1, TP.HCM). Đây là mặt bằng nằm ngay bên cạnh Bưu điện TP và Nhà thờ Đức Bà, thu hút đông đảo khách du lịch nội địa và quốc tế.
Hơn 1 năm trước, %Arabica chào sân thị trường Việt Nam bằng cửa hàng tại "chung cư cà phê" số 42 Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM). Tuy nhiên, mặt bằng này được đánh giá còn nhiều hạn chế như diện tích khiêm tốn, bày trí đơn giản.
Cửa hàng tiếp theo dự kiến đặt tại trung tâm thương mại Diamond Plaza (quận 1) nhưng đang thi công dở dang thì trả mặt bằng. Trước đó, Vynce Nguyễn, Tổng giám đốc TKG - đơn vị đầu tư của thương hiệu này tại Việt Nam, nói với Insider Retail rằng họ đang tiếp tục khám phá tiềm năng mở rộng tại Hà Nội, Hội An và Phú Quốc.
So với những thương hiệu ngoại tham vọng chinh phục thị trường Việt Nam, %Arabica đang có những bước đi thận trọng và chậm rãi. Tuy nhiên với phong cách khác biệt cùng sản phẩm chất lượng, thương hiệu này được kỳ vọng sẽ "làm nên chuyện" và khiến thị trường sôi động, đa màu sắc hơn.