Theo hãng tin Bloomberg, một chiếc tàu chở hàng của Nga bị kẹt tại cảng Rotterdem-Hà Lan đã được Liên Hiệp Quốc (UN) giải cứu khi xung đột địa chính trị làm họ bị trì hoãn quá lâu. Theo Chương trình lương thực quốc tế (WFP), chuyến hàng này sẽ đến Mozambique và từ đó chở bằng xe tải đến Malawi.
Câu chuyện giải cứu tàu chở hàng của Nga này trở nên đặc biệt không phải vì sự tham gia của UN hay quá trình nó bị trì hoãn tại cảng lâu như thế nào, mà là thứ hàng chiếc tàu vận chuyển. Không phải lương thực, lúa mỳ mà là 20.000 tấn phân bón từ Nga đã bị giao hàng trễ nhiều tháng nay.
Lý do UN hối thúc Hà Lan thả tàu chở phân bón của Nga là bởi 20% dân số Malawi đang phải đối mặt với nạn đói từ nay đến tháng 3/2023, khiến phân bón Nga trở thành mặt hàng sống còn với nhiều người.
Hiện Malawi đang là một trong 48 quốc gia bị Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá là mất an ninh lương thực do thiếu phân bón từ Nga.
Đồng quan điểm, UN cũng nhận định việc đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón từ Nga là yếu tố lớn có khả năng gây mất an ninh lương thực toàn cầu cho năm 2023.
Cường quốc phân bón
Hãng tin Bloomberg thừa nhận những cường quốc phân bón trên thế giới chỉ có vài nước, bao gồm Nga- đồng minh Belarus và Trung Quốc.
Trong khi cả thế giới chú ý đến cuộc chiến ngành chip điện tử thì chẳng mấy ai nhận ra phân bón cũng là thứ có thể làm đảo lộn trật tự xã hội, kinh tế khi đây là nguyên liệu chủ chốt cho nông nghiệp, sản xuất lương thực.
Nhận thức được tình hình, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã phải lên kế hoạch thúc đẩy ngành sản xuất phân bón, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã nhiều lần nhắc đến yếu tố này trên các bài đăng Twitter cũng như chiến dịch tranh cử của mình.
“Vai trò của phân bón là cực kỳ quan trọng trong an ninh lương thực. Nếu bạn no bụng thì mới có thể bảo vệ gia đình, lãnh thổ hay nền kinh tế của mình được”, CEO Udai Shanker Awasthi của Liên hiệp phân bón nông nghiệp Ấn Độ (IFFC) khẳng định.
Trong năm vừa qua, Nga và Belarus xuất khẩu tới gần ¼ phân bón cho thị trường thế giới trị giá 250 tỷ USD bất chấp những xung đột địa chính trị. Mặc dù những nguyên liệu để sản xuất phân bón như Kali, Phốt phát hay Ni tơ không chịu các lệnh cấm vận nhưng nhiều chuyến hàng của Nga vẫn bị mắc kẹt tại bến cảng vì thủ tục giấy tờ, bị chặn lại bởi cản trở từ ngân hàng, bảo hiểm hay cả các hãng tàu biển.
Tỷ phú phân bón Nga Andrey Melnichenko, nhà sáng lập tập đoàn EuroChen Group cho biết lệnh cấm vận của Liên minh Châu Âu (EU) đã khiến 13 triệu tấn phân bón không thể đến tay khách hàng kể từ khi xung đột Ukraine diễn ra.
Sự thiếu hụt nguồn cung này đã đẩy giá phân bón lên cao ngất ngưởng khi mọi người đổ xô tích trữ mặt hàng này. Dù giá cả đã được điều chỉnh xuống nhưng hiện phân bón vẫn đắt hơn so với thời điểm trước đại dịch.
Việc Kali của Belarus bị cấm vận trong khi Trung Quốc giới hạn xuất khẩu Phốt pho và Ni tơ để đảm bảo nguồn cung nội địa khiến nhiều chuyên gia nhận định tình hình thiếu phân bón sẽ còn tiếp diễn cho đến ít nhất là giữa năm nay.
Theo Bloomberg Intelligence, giá phân bón đã giảm 50% so với mức đỉnh năm 2022 nhưng nhiều nước nghèo tại Nam Á và Châu Phi vẫn đang thiếu phân bón trầm trọng.
Ngân hàng phát triển Châu Phi (African Development Bank) thậm chí cảnh báo sản lượng lương thực thế giới trong năm nay sẽ giảm 20%, qua đó đẩy hàng triệu người vào cảnh đói ăn mà gây mất an ninh lương thực toàn cầu.
Phụ thuộc
Ngay sau khi xung đột Ukraine diễn ra, Bộ trưởng nông nghiệp Brazil đã phải tức tốc sang Canada, quốc gia sản xuất phân Kali lớn nhất thế giới (Nga và Belarus đứng thứ 2-3) để đảm bảo nguồn cung ổn định.
Số liệu của Tổ chức nông lương quốc tế (FAO) cho thấy nhiều quốc gia Châu Mỹ Latinh, Đông Âu và Trung Á phụ thuộc rất nhiều vào phân bón từ Nga trong năm qua.
Đứng trước tình hình này, Mỹ ngoài khoản hỗ trợ 50 tỷ USD cho ngành chip điện tử thì cũng tuyên bố khoản ngân sách 500 triệu USD cho mảng phân bón. Hiện Mỹ vẫn đang là nước nhập khẩu ròng phân bón dù nền nông nghiệp tại đây thuộc hàng cường quốc. Mặc dù người nông dân vẫn còn hàng dự trữ nhưng nếu sử dụng hết tồn kho thì tình hình sẽ trở nên xấu đi nhanh chóng.
Trong khi đó, Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) thì cho biết 83% lượng phân bón tại Châu Mỹ Latinh là phụ thuộc vào Nga, Trung Quốc và Belarus.
Vào cuối tháng 11/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc lệnh cấm vận của Phương Tây là thủ phạm làm gián đoạn chuỗi cung ứng phân bón của nước này. Hơn 400.000 tấn phân bón từ Nga đã bị đóng băng tại các cảng biển Châu Âu, buộc nhiều chủ hàng phải quyên góp hoặc đưa vào kho lạnh bảo quản gây tốn kém chi phí cũng như chậm giao hàng.
Liên Hiệp Quốc thì cho biết rất nhiều hãng bảo hiểm tàu biển không muốn dính đến tàu hàng của Nga, trong khi nhiều ngân hàng nông nghiệp không thể thực hiện chuyển khoản thanh toán do bị ngắt kết nối với Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT).
Đứng trước các lời chỉ trích này, cả Mỹ và EU đều ra thông cáo vào tháng 11/2022 rằng các ngân hàng, nhà bảo hiểm hay hãng vận tải có thể tiếp tục đưa thực phẩm và phân bón của Nga ra thị trường quốc tế.
Quay trở lại chuyến hàng của Malawi, cho dù có nhận được phân bón từ Nga thì tình hình tại đây vẫn khá tệ hại. Giá phân bón ở Malawi đã tăng gấp 5 lần ngoài chợ đen so với mức giá bán chính thức, đồng thời cao hơn 14 lần so với năm 2021.
“Không có phân bón thì chúng tôi chẳng trồng hay thu hoạch được thứ gì cả. Tình hình hiện nay có thể nói là vô cùng thảm khốc”, anh nông dân Moses Mikayeli tại ngoại thành thủ đô Lilongwe-Malawi ngán ngẩm.