Cơ chế với nhiều triển vọng thông thoáng
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng sẽ tạo ra những thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2023.
Theo đó, vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành chủ động làm việc và cùng với các địa phương, doanh nghiệp trong việc rà soát khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện các dự án bất động sản; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; đề xuất giải pháp cụ thể vượt thẩm quyền, nhất là các giải pháp cần thiết, cấp bách để tháo gỡ khó khăn kịp thời, vượt qua thách thức, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Các bộ ngành rà soát, đề xuất sửa đổi những quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản; sớm ban hành các văn bản về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.
Nguồn vốn cho thị trường bất động sản sẽ được cung ứng đầy đủ theo mục tiêu, linh hoạt và nhịp nhàng hơn. Đặc biệt, yêu cầu về việc giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật sẽ được đặt lên hàng đầu.
Cũng theo ông Đính, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, qua nắm bắt thông tin từ các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội bất động sản Việt Nam, tâm lý của doanh nghiệp và thị trường đang dần được phục hồi và vững tâm hơn để vượt qua thách thức.
Các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có liên quan đang tích cực, chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán...phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự và có tính khả thi.
Nhận định về triển vọng thị trường năm 2023, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng nếu những chỉ đạo vừa qua cũng như các điều chỉnh về chính sách tín dụng có thể sớm cải thiện tình hình nguồn vốn và trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản thì kịch bản tích cực là thị trường sẽ ấm dần lên từ ngay sau Tết Nguyên đán và có sự phát triển ổn định trong năm 2023.
Nhà ở đáp ứng nhu cầu ở thực lên ngôi
Dưới góc độ đơn vị vận hành nền tảng thông tin rao bán bất động sản trực tuyến quy mô bậc nhất tại Việt Nam hiện nay, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho rằng, phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu ở thực là “điểm sáng” để tháo gỡ khó khăn cho thị trường hiện tại. Do đó, các chủ đầu tư đã và đang cơ cấu nợ, chính sách bán hàng để tập trung vào phục vụ nhu cầu này của người mua.
Từ phân tích trên, ông Tuấn đưa ra khuyến cáo cho các nhà đầu tư đang nắm tài sản trong tay về việc để kích hoạt được dòng tiền từ người mua nhà ở thực thì giá bất động sản cần giảm tiếp.
Theo đó, trong ngắn hạn, giá của một số phân khúc ở một số khu vực có thể vẫn chững lại. Những người sở hữu chịu áp lực lãi suất cao trong thời gian dài buộc phải bán ra, và đây cũng là thời điểm thị trường đủ hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền vào bắt đáy, giúp tăng thanh khoản, khơi thông dòng vốn đang tắc nghẽn, ông Tuấn nêu quan điểm.
Dưới góc độ đơn vị nghiên cứu thị trường, TS.Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng tính thanh khoản của thị trường bất động sản năm 2023 sẽ vẫn duy trì và tập trung vào phân khúc nhà ở.
Tuy nhiên, cũng theo ông Khương, việc nguồn cung hạn chế, nhất là phân khúc nhà ở vừa túi tiền, sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản chung của thị trường.
Điểm sáng mang tên bất động sản công nghiệp
Đối với phân khúc bất động sản công nghiệp và văn phòng, vị chuyên gia đến từ Savills Việt Nam cho rằng đây sẽ vẫn là hai phân khúc vẫn hoạt động tốt và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có nhu cầu mở rộng.
Chia sẻ quan điểm về triển vọng tích cực của bất động sản công nghiệp, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng Việt Nam hiện nay đang tập trung phát triển hạ tầng, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại, ưu đãi về thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thu hút người lao động nhờ một số Nghị định liên quan đến nhà ở xã hội trong khu công nghiệp, tận dụng hiệu quả ưu thế vốn có về lực lượng lao động dồi dào.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang nắm nhiều lợi thế so với các nước trong khu vực. Đơn cử là về giá thuê trong nước hiện vẫn ở mức tương đối thấp nếu đặt lên bàn cân với Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc hay Ấn Độ…Chưa kể, nguồn lao động tại Việt Nam dồi dào, mức lương chi trả không quá cao, ông Thịnh nhận định.
Thực tế cho thấy, theo số liệu mới nhất từ Bộ Xây dựng, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cả nước ở mức 90%, giá thuê tăng 5% theo quý. Một số loại hình mới như bất động sản công nghiệp may đo gồm nhà xưởng, nhà kho…còn ghi nhận tỷ lệ lấp đầy 95%, nâng vị thế cạnh tranh trực tiếp với các nước trong khu vực.