Khi SBV công bố nâng lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán Việt Nam thường có xu hướng giảm ngay tức thì so với thời điểm trước khi công bố, đó là phản ứng ngắn hạn của thị trường trước thông tin tiêu cực.
SBV nâng lãi suất, quá khứ thị trường điều chỉnh mạnh
Thống kê từ quá khứ cho thấy, giai đoạn 2000 – 2003: Lãi suất tăng, thị trường chứng khoán ảm đạm và giảm. Giai đoạn này, nhìn chung nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khả quan với tốc độ bình quân khoảng 7%/năm. Sau thời kỳ giảm phát nhẹ năm 2000 – 2001, chỉ số CPI giai đoạn 2002 – 2003 đã tăng lên và duy trì dưới 5%/năm. Cùng với đó, chính sách lãi suất thả nổi được ban hành năm 2002 tạo nên cuộc đua tăng lãi suất giữa các ngân hàng.
Thị trường chứng khoán sau đó rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh khi giảm hơn 66% vào T7/2002 so với mức đỉnh năm 2001. Trong giai đoạn này, thị trường chứng khoán Việt Nam mới được thành lập với số điểm khởi đầu 100 điểm, đạt đỉnh hơn 500 điểm vào giữa năm 2001 và trượt dài liên tục sau đó xuống mức thấp nhất 130 điểm trong năm 2003. Cũng cần lưu ý là giai đoạn này thị trường còn sơ khai, rất ít doanh nghiệp niêm yết và thanh khoản thấp, vì vậy mức độ biến động giá và chỉ số khá cao.
Giai đoạn 2008 – 2009: Mặt bằng lãi suất và lạm phát tăng vọt, nền định giá quá cao là một trong những tác nhân gây ra đổ vỡ thị trường. Trong giai đoạn này, lãi suất sau đó đã nhanh chóng hạ nhiệt trước lo ngại suy thoái kinh tế, giá cổ phiếu cũng đã hồi phục trở lại.
Giai đoạn 2010 – 2013: Lãi suất tiếp tục tăng cao, Ngân hàng Nhà nước phải đặt trần lãi suất huy động 14% đi kèm là sự đổ vỡ của thị trường bất động sản khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh.
Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại, tính đến tháng thứ 3 thì thị trường đã hồi phục trở lại sau khi thông tin tiêu cực đã được phản ánh hết và bắt đầu xuất hiện những dòng tiền bắt đáy.
Việc SBV nâng lãi suất điều hành có tác động ngược chiều với xu hướng của VN-Index do kỳ vọng của các nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị giảm, theo đánh giá của Chứng khoán BSC.
Lợi nhuận giảm đến từ hai nguyên nhân chủ yếu: Chi phí đi vay tăng làm giảm trực tiếp lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như nhu cầu đi vay để thực hiện thêm các dự án đầu tư, hoạt động tài chính và các thương vụ M&A; Người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít hơn khi các mức lãi suất cho vay tăng và từ đó, làm giảm doanh số bán hàng của các doanh nghiệp.
Hiện tại, các yếu tố vĩ mô của Việt Nam vẫn đang duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tăng trưởng GDP thực trong quý tăng lên mức 7,7% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5,03% của quý 1/2022.
Bên cạnh đó, lạm phát Việt Nam vẫn ở dưới ngưỡng mục tiêu, cho thấy ở thời điểm hiện tại nhập khẩu lạm phát chưa đáng kể, áp lực SBV phải tham gia vào cuộc chạy đua thắt chặt chính sách tiền tệ cùng với các Ngân hàng Trung ương khác trên thế giới chưa quá nặng nề.
Tuy nhiên, giá hàng hóa thế giới tuy đã có dấu hiệu đạt đỉnh nhưng vẫn ở mức cao, cùng với tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì suy giảm sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của các quốc gia có độ mở lớn như Việt Nam.
Điểm danh doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt ròng lớn
Hầu hết thị trường đều có chung một dự báo, nhóm ngành có nhiều tiền mặt sẽ hưởng lợi lớn nhờ việc đem lượng tiền mặt dư thừa đi gửi tiết kiệm ngân hàng.
Điểm danh trên sàn cho thấy, có 8 doanh nghiệp hiện đang có tỷ lệ tiền mặt/cổ phiếu cao nhất và có khoản tiền gửi ngân hàng, khoản đầu tư ngắn hạn, chứng chỉ tiền gửi cao nhất.
SAB đứng đầu bảng với lượng tiền mặt ròng 20.104 tỷ đồng, tiền mặt ròng/cổ phiếu 31.351 đồng. Đứng thứ hai là ACV 20.034 tỷ đồng, tiền mặt ròng/cổ phiếu 9.202 đồng; Đứng thứ ba là VEA 14.352 tỷ đồng, tiền mặt ròng/cổ phiếu 10.801 đồng.
Các doanh nghiệp có lượng tiền đầu tư ngắn hạn lớn hầu hết ở nhóm bảo hiểm như BVH, PVI, BIC, BMI, BGI, MIC.
Bên cạnh các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn, theo đánh giá của BSC, các nhóm ngành khác cũng hưởng lợi như nhóm ngành có giá đã điều chỉnh đủ sâu. Nhóm ngày này thường có P/E thấp và sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất bằng những nhóm cổ phiếu chưa điều chỉnh.
Nhóm vay nợ ít. Nhóm ngành vay nợ ít sẽ tiết kiệm được chi phí lãi vay trong giai đoạn lãi suất cao.
Trước đó, trao đổi với VnEconomy, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc FIDT, cho rằng khi Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất, một số nhóm ngành hưởng lợi khi Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất huy động gồm nhóm tiền mặt nhiều, nợ ít, xuất khẩu thu ngoại tệ, bảo hiểm. Ngược lại, nhóm bị ảnh hưởng xấu như bất động sản, vật liệu xây dựng, quy mô nợ trên vốn chủ sở hữu cao...
Đồng quan điểm, ông Phan Linh, Sáng Lập công ty CP Take Profit Investment Holdings nhấn mạnh, lãi suất điều hành tăng có thể tác động tiêu cực đến nhóm có đòn bẩy cao như một số cổ phiếu thuộc nhóm xây dựng, bất động sản, Hàng không... Nhóm ngân hàng cũng sẽ bị tác động khi chi phí huy động tăng nhưng đầu ra chưa được khai thông.
Ngược lại, tác động tích cực đó là những nhóm có tỷ lệ tiền gửi trên tổng tài sản cao và nhóm Bảo hiểm đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ.