Những cuộc chuyển giao quyền lực đang nhen nhóm xuất hiện ở các doanh nghiệp tư nhân lớn. Thế hệ doanh nhân trẻ, những người nối nghiệp ở các doanh nghiệp lớn dần thể hiện vai trò quan trọng hơn tại nhiều công ty lớn.
Hiện tại, những doanh nhân giàu có nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam chủ yếu trong độ tuổi 50-60 và theo truyền thống Á Đông, đang có những hoạt động đào tạo, san sẻ lại công việc cho những thế hệ kế cận.
Không chỉ tham gia điều hành, thế hệ nối nghiệp còn sở hữu quy mô tài sản khổng lồ. Trước đây số lượng người trẻ sở hữu vài trăm tỷ đồng khá hiếm nhưng đến nay đã có những người nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Tài sản nghìn tỷ đồng
Nhân vật giàu có nhất thế hệ nối nghiệp tại các công ty niêm yết hiện nay là ông Bùi Cao Nhật Quân (sinh năm 1982). Đây là con trai tỷ phú Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch tập đoàn tư nhân NovaGroup - cổ đông chi phối Novaland (Mã: NVL).
Hiện ông Quân không nắm giữ chức vụ lớn tại Novaland nhưng sở hữu lượng cổ phần lớn với hơn 81,2 triệu cổ phiếu NVL, tương đương tổng giá trị thị trường khoảng 6.000 tỷ đồng.
Đứng tiếp theo trong danh sách giàu có trên sàn chứng khoán là ông Hồ Anh Minh - con trai tỷ phú Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank (TCB). Với gần 138 triệu cổ phiếu TCB đang sở hữu, ông Minh nắm trong tay khối tài sản hơn 3.300 tỷ đồng.
Một nhân vật nổi tiếng hơn là ông Trần Hùng Huy (sinh năm 1978) khi có thêm vai trò điều hành. Ông Huy là con trai cựu Chủ tịch ACB Trần Mộng Hùng và nhanh chóng thay thế cha mình trở thành Chủ tịch ngân hàng vào năm 2012 đến nay.
Không chỉ ngồi ghế nóng nhất ngân hàng, ông Hùng Huy còn sở hữu lượng cổ phiếu đáng nể với gần 116 triệu cổ phiếu ACB, có giá trị thị trường hơn 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh 3 cái tên trên, thị trường chứng khoán còn có một số người trẻ khác có quy mô tài sản vượt nghìn tỷ đồng.
Đáng kể như ông Trần Vũ Minh - sinh năm 1996 (con trai tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát). Thiếu gia họ Trần đang sở hữu 90,7 triệu cổ phiếu HPG, trị giá hơn 1.600 tỷ đồng.
Bà Đặng Huỳnh Ức My - sinh năm 1981 (con gái Đặng Văn Thành - Chủ tịch TTC Group và cũng là cựu Chủ tịch Sacombank). Riêng bà My đang điều hành TTC Sugar (SBT) với vai trò Phó chủ tịch HĐQT và nắm giữ trực tiếp hơn 100 triệu cổ phiếu SBT.
Ông Đặng Quang Tuấn (con trai Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ), nắm giữ lượng gần 77 triệu cổ phiếu VIB, trị giá gần 1.500 tỷ đồng. Ông Đỗ Minh Quân (con trai Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú) hay Đào Hữu Duy Anh - sinh năm 1988 (con trai Chủ tịch Hóa chất Đức Giang) cũng nắm giữ lượng cổ phiếu trên nghìn tỷ.
Đây chỉ mới là những cái tên tiêu biểu, thực tế còn nhiều người thuộc thế hệ F2 nổi tiếng khác. Chẳng hạn, bà Trần Ngọc Phương Hà - sinh năm 1994 (ái nữ Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung) nắm giữ 9,2 triệu cổ phiếu PNJ giá trị hơn 960 tỷ đồng.
Hay ông Đỗ Vinh Quang - sinh năm 1995 (con trai thứ của bầu Hiển) sở hữu hơn 79 triệu cổ phiếu SHB trị giá hơn 740 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Thái Bình - sinh năm 1982 (con trai Chủ tịch REE Nguyễn Thị Mai Thanh) và ông Doãn Chí Thanh - sinh năm 1983 (Con trai nhà sáng lập Navico) đều nắm lượng cổ phần trên sàn hơn 500 tỷ đồng.
Được trao vai trò lớn hơn
Không chỉ gây bất ngờ về lượng tài sản khổng lồ đang nắm giữ mà thế hệ kế cận của các doanh nhân nổi tiếng cũng đã tham gia sâu rộng vào công việc của doanh nghiệp.
Nổi bật như trong đó có doanh nhân Trần Hùng Huy (sinh năm 1978), sớm trở thành Chủ tịch trẻ nhất ngành ngân hàng lúc đó khi mới 34 tuổi. Trong các năm qua, ông đã dẫn dắt ACB từ một ngân hàng gặp khủng hoảng vươn lên tiệm cận nhóm ngân hàng top đầu.
Một cá nhân khác nối nghiệp cha tham gia điều hành ngân hàng còn có ông Đỗ Quang Vinh (sinh năm 1989). Con trai cả của bầu Hiển cũng bắt đầu từ nhân viên kiểm toán nội bộ SHB, trở thành CEO T&T Mỹ và nhiều chức vụ khác.
Hiện thiếu gia nhà họ Đỗ còn có tham gia vào vai trò thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc SHB. Ông cũng được trao vai trò Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SHS - công ty thành viên của SHB. Cá nhân này đang sở hữu 640.000 cổ phiếu SHB và 7,5 triệu cổ phiếu SHS, với tổng giá trị khoảng 65 tỷ đồng.
Người kế nghiệp tại Hóa Chất Đức Giang (DGC) là ông Đào Hữu Duy Anh bắt đầu với vai trò trợ lý cho cha mình. Đến tháng 4/2015 ông được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT và đến tháng 3/2020 chính thức ngồi ghế tổng giám đốc.
Ngoài vai trò tại tập đoàn mẹ, ông Duy Anh còn tham gia quản lý tại các công ty thành viên như thành viên HĐQT Phốt pho Apatit Việt Nam (PAT), Chủ tịch Hóa chất Đức Giang Đắk Nông... Cá nhân này có nắm giữ hơn 11,2 triệu cổ phiếu DGC và gần 2,3 triệu cổ phiếu PAT.
Ông Lê Viết Hiếu - sinh năm 1992 (con trai Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải) cũng tham gia sâu rộng trong công việc điều hành với vị trí Phó chủ tịch HĐQT hay trước đó từng là Tổng giám đốc tập đoàn.
Thiếu gia nhà họ Lê còn đang đảm nhận vai trò trưởng tiểu ban Phát triển thị trường nước ngoài, với tham vọng bành trướng hoạt động khỏi Việt Nam trong chiến lược phát triển 10 năm tới. Cá nhân ông Hiếu có nắm giữ 1,2 triệu cổ phiếu HBC.
Hệ sinh thái TTC Group của doanh nhân Đặng Văn Thành đang được chuyển giao cho con cái. Trong đó ái nữ Đặng Huỳnh Ức My đảm nhận vai trò điều hành lớn tại công ty thành viên TTC Sugar (SBT) với chức danh Phó chủ tịch thường trực HĐQT.
Trong khi con trai cả Đặng Hồng Anh - sinh năm 1980 là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và là Phó chủ tịch TTC Land (SCR). Hay con trai thứ Đặng Huỳnh Anh Tuấn - năm 1991 là thành viên HĐQT Điện Gia Lai (GEG).
Ngoài ra còn khá nhiều cái tên kế cận đáng chú ý như bà Đoàn Hoàng Anh (con gái bầu Đức) tham gia điều hành tại Cà phê ông Bầu và nắm cổ phần tại HAGL. Bà Trần Ngọc Phương Thảo (con gái đầu của Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung) đang làm thành viên HĐQT. Ông Nguyễn Ngọc Thái Bình (con trai bà Mai Thanh) đang là thành viên HĐQT kiêm Giám đốc tài chính REE Corp...