Theo những người làm trong ngành dịch vụ xa xỉ, những đòi hỏi kỳ quặc của giới nhà giàu là có thật.
Ngày càng nhiều tác phẩm phim ảnh khắc họa cuộc sống của giới siêu giàu trên thế giới, đặc biệt nhấn mạnh vào những sở thích, thói quen kỳ quặc, theo The Washington Post.
Phim truyền hình dài tập The White Lotus gây tiếng vang khi chế nhạo cái tôi và sự thái quá của tầng lớp du lịch giàu có. Tác phẩm Triangle of Sadness của đạo diễn người Thụy Điển ghi điểm tuyệt đối tại Liên hoan phim Cannes vì có thông điệp châm biếm sâu cay về giới nhà giàu.
The Menu, bộ phim sắp được công chiếu tại các rạp ở Mỹ, có đoạn giới thiệu gợi ý về cái kết đẫm máu cho những vị khách tại một nhà hàng sang trọng, độc quyền trên hòn đảo xa xôi.
Nhiều khán giả tự đặt ra câu hỏi rằng liệu giới thượng lưu có thực sự đưa ra những yêu cầu thái quá như trong phim hay không. Theo những người làm việc trong ngành dịch vụ du lịch và từng phục vụ nhóm 1% giàu có thế giới, câu trả lời là “có”.
Những người làm trong ngành dịch vụ xa xỉ xác nhận rằng giới siêu giàu nhiều khi đưa ra những yêu cầu khá kỳ quái. Ảnh: Kaitlin Brito/The Washington Post.
Nước khoáng nhập khẩu để gội đầu
Sandra Webaget, đồng sở hữu của Inside Europe Travel Experiences, thường xuyên được nghe chuyện về những hành vi đòi hỏi của khách nhà giàu từ bạn bè và các mối quan hệ kinh doanh làm việc trong những khách sạn 5 sao của châu Âu.
Theo lời chia sẻ của chủ khách sạn ở Pháp với cô, một vị khách người Nga đã yêu cầu vận chuyển lượng lớn sản phẩm nước khoáng có ga Sanpellegrino từ Italy tới Pháp ngay trong ngày.
“Người phụ nữ đó cần chúng không phải để uống, mà là gội đầu. Cô ấy nhất định không sử dụng loại nước có ga khác”, Webaget kể.
Hóa đơn mua sắm 4 triệu USD
Christina Stanton, một hướng dẫn viên du lịch ở thành phố New York (Mỹ) với hàng chục năm kinh nghiệm, được thuê để đưa vợ của một nhà tài phiệt người Nga trong chuyến du lịch gia đình.
Trong chuyến đi, Stanton giúp người mẹ mua sắm cho mùa tựu trường của 3 đứa con. Cửa hàng Bergdorf Goodman thậm chí mở cửa sớm để cả hai có thể mua sắm một cách riêng tư. Họ chọn được 58 đôi giày tại cửa hàng Little Eric Shoes.
Một khách hàng là vợ tài phiệt Nga từng mua sắm hóa đơn trị giá hàng triệu USD trong kỳ nghỉ ngắn ngày. Ảnh: Shutterstock.
Suốt 4 ngày di chuyển cùng khách hàng, Stanton ước tính rằng người phụ nữ ấy đã chi khoảng 4 triệu USD cho việc mua sắm. Ngoài ra, hướng dẫn viên du lịch phải giao nộp điện thoại cá nhân cho vệ sĩ gia đình trong những ngày đó.
Bên cạnh đó, Stanton nhận ra rằng gia đình tài phiệt này không nói chuyện với những nhân viên bồi bàn. Các vệ sĩ sẽ đảm nhận công việc đó.
Nàng tiên cá trong bể bơi
Công ty Nightfall Group (bang California, Mỹ), chuyên cho thuê biệt thự cao cấp và lên kế hoạch du lịch sang trọng, luôn có sẵn danh sách chuyên viên thích hợp để phục vụ bất kỳ ý tưởng nào mà khách hàng mong muốn.
Một lần, vị khách thuê biệt thự rộng gần 1.300 m2 ở Los Angeles đã yêu cầu một nàng tiên cá trong hồ bơi, nhằm phục vụ cho bữa tiệc cocktail chuẩn bị bắt đầu sau một tiếng nữa. Hơn nữa, đội ngũ nhân viên phải làm ấm bể bơi ở mức 27 độ C cho buổi trình diễn của nàng tiên cá.
“Các vị khách không muốn lấy bừa một cô gái nào, mà phải là một nàng tiên cá với chiếc đuôi chân thực. Họ muốn thấy những thứ như mang cá trên cơ thể người”, Angelica Bridges, phát ngôn viên của công ty, kể lại.
Một khách hàng yêu cầu có nàng tiên cá trong hồ bơi để phục vụ bữa tiệc của họ. Ảnh: Kindel Media/Pexels.
Ông già Noel và tuần lộc
Công ty Nightfall Group thường có nhiều thời gian chuẩn bị hơn đối với những yêu cầu lớn.
Chẳng hạn, một nữ khách hàng đã thuê biệt thự trong 7 ngày và muốn lắp đặt chiếc két sắt có kích thước 1,5 x 1,5 m, được kiểm soát nhiệt độ để chứa tro cốt của mẹ bà.
Một khách hàng khác muốn có Ông già Noel và tuần lộc xuất hiện tại bất động sản anh ta thuê vào đêm Giáng sinh.
“Chúng tôi có một công ty nuôi tuần lộc. Thậm chí, chúng tôi còn có cả yêu tinh ở đó”, Bridges nói.
Miễn phí nâng hạng phòng sang
Stacy H. Small, người sáng lập Elite Travel Club, thường thiết kế các chuyến nghỉ dưỡng trị giá 100.000 USD, từng tiếp đãi một khách hàng là nhân vật truyền hình thực tế trên kênh Bravo.
Người phụ nữ này đã hét vào mặt tài xế của cô vì lấy hành lý chưa đủ nhanh. Sau đó, cô từ chối nâng hạng phòng cao cấp ở một khách sạn sang trọng, nhưng vẫn tỏ ra giận dữ với Small vì giá phòng đắt đỏ.
“Họ hoàn toàn có tiền, nhưng không muốn chi trả. Họ phàn nàn rất nhiều bởi họ muốn mọi thứ nhiều hơn, tốt hơn nhưng phải miễn phí”, Small cho biết.
Cưng chiều thú cưng
Tháng 2/2021, khi đại dịch Covid-19 khiến việc du lịch trở nên khó khăn, hãng cho thuê máy bay tư nhân Monarch Air Group đã nhận được yêu cầu di chuyển từ Santa Barbara (bang California) đến Vancouver (Canada).
Một vị khách yêu cầu đặt bãi cỏ trong phòng khách sạn nhằm phục vụ chó cưng. Ảnh: Pexels.
Tuy nhiên, hành khách của chuyến bay trị giá 60.000 USD hôm đó là một chú chó pomsky tên Bella.
Ở một trường hợp khác cách đây vài năm, nhân viên khu nghỉ dưỡng 5 sao Dolder Grand (Zurich, Thụy Sĩ) nhận được yêu cầu kỳ lạ từ một vị khách người Nga. Bà muốn họ đem tới một bãi cỏ đặt trong phòng để chó cưng có thể đi tiểu mà không phải rời khỏi khách sạn.
Các nhân viên đề nghị đưa vật nuôi đi dạo quanh khu rừng của nơi nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, vị khách từ chối và khăng khăng đòi một bãi cỏ rộng khoảng 1 m2 trong vòng 2 tiếng nữa.
50.000 USD cho con ếch nhập khẩu
Theo Curtis Crimmins, cựu nhân viên hướng dẫn tại các khách sạn 5 sao và là người sáng lập công ty khởi nghiệp đặt phòng khách sạn có tên Roomza, một vị khách nổi tiếng đã yêu cầu tìm một con ếch cây nhập khẩu đặc biệt cho con gái mình.
Anh phải nhờ người quen là đại biểu quốc hội nhằm xúc tiến quy trình phê duyệt của Bộ Nông nghiệp Mỹ, từ đó có có thể đưa con ếch vào đất nước.
“Toàn bộ quy trình tốn 50.000 USD, và con ếch cũng chỉ ở trong khách sạn cho đến khi họ trả phòng”, Crimmins kể lại.