Theo CNBC, "mùa đông tiền mã hóa" đã trở thành chủ đề nóng trong những ngày qua.
Giá Bitcoin rơi xuống dưới ngưỡng 20.000 USD, giảm hơn 70% so với mốc đỉnh 69.000 USD vào tháng 11/2021. Giới quan sát cảnh báo về một "mùa đông" của tiền mã hóa, tức thời kỳ suy yếu kéo dài của thị trường.
Tuy nhiên, “mùa đông” này sẽ hoàn toàn khác với những “mùa đông” trước đó.
Nhiều thay đổi
Mùa đông tiền mã hóa thường diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm và lần gần đây nhất là vào cuối năm 2017, đầu năm 2018.
Thời điểm đó, giá Bitcoin giảm từ 20.000 USD/đồng xuống dưới 4.000 USD/đồng. Các đồng tiền mã hóa khác cũng lao dốc không phanh sau một thời gian tăng mạnh.
Theo bà Clara Medalie - Giám đốc nghiên cứu của công ty dữ liệu tiền mã hóa Kaiko, cú rơi năm 2017 chủ yếu do bong bóng vỡ vụn sau khi bị thổi phồng.
Khi thị trường bắt đầu bán tháo, rõ ràng là nhiều tổ chức lớn đã không kịp trở tay
Bà Clara Medalie - Giám đốc nghiên cứu của Kaiko
Khác với thời điểm đó, sự sụp đổ của tiền mã hóa trong năm nay đến từ nhiều yếu tố khác như lạm phát tràn lan và lãi suất tăng chóng mặt.
Ở thời điểm hiện tại, Bitcoin và các đồng tiền mã hóa cũng có mối tương quan lớn với những tài sản rủi ro khác, nhất là cổ phiếu.
Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới vừa ghi nhận quý tồi tệ nhất trong vòng 10 năm. Cùng kỳ, chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ cũng lao dốc 22%.
"Khi thị trường bắt đầu bán tháo, rõ ràng là nhiều tổ chức lớn đã không kịp trở tay", bà Medalie bình luận.
Tương tự những cuộc khủng hoảng trước đó, các nhà đầu tư mới vẫn chịu tổn thất lớn nhất. Tuy nhiên, so với những đợt suy yếu khác, đà giảm hiện tại của thị trường đã có nhiều thay đổi.
Đồng tiền ổn định không còn ổn định
Stablecoin (đồng tiền ổn định) TerraUSD (UST) neo giá với đồng USD theo tỷ lệ 1 UST đổi 1 USD. Đồng tiền bị chi phối bởi một thuật toán và hệ thống đốt - đúc token phức tạp. Nhưng khi hệ thống đó sụp đổ, UST đã mất mốc 1 UST đổi 1 USD, dẫn tới cú rơi của token LUNA được liên kết với UST.
Điều này đã tạo ra cơn địa chấn đối với thị trường tiền mã hóa. Các quỹ đầu tư vào UST bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là Three Arrows Capital (3AC).
“Sau một thời kỳ tăng trưởng chóng mặt, sự sụp đổ của blockchain Terra và stablecoin UST là điều không ai lường trước”, bà Medalie nhận xét.
Đòn bẩy cao
Với sự xuất hiện của các chương trình cho vay tập trung và DeFi (tài chính phi tập trung), các nhà đầu tư tiền mã hóa dễ dàng sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, bản chất của đòn bẩy ở thời điểm này khác với giai đoạn trước.
Theo ông Martin Green - Giám đốc điều hành Cambrian Asset Management, vào năm 2017, nhà đầu tư nhỏ lẻ vay tiền chủ yếu thông qua những công cụ phái sinh trên các sàn giao dịch.
Khi thị trường lao dốc vào năm 2018, các tài sản sẽ bị bán giải chấp tự động nếu nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu ký quỹ (margin call), dẫn đến vòng xoáy giảm giá.
"Ngược lại, trong năm nay, chính các quỹ đầu tư tiền mã hóa và công ty cho vay mới là bên sử dụng đòn bẩy. Còn những nhà đầu tư nhỏ lẻ kiếm lời nhờ gửi tiền vào các công ty này", ông Green chia sẻ.
"Nhiều khoản vay không có tài sản bảo đảm. Bởi rủi ro tín dụng và rủi ro đối tác đã bị phớt lờ", ông nói thêm.
Do đó, theo vị chuyên gia, khi thị trường lao dốc trong quý II, các quỹ và tổ chức cho vay bị tự động bán giải chấp tài sản vì không thể đáp ứng yêu cầu ký quỹ.
Mô hình kinh doanh rủi ro
Bà Coral Alexander - giáo sư tài chính tại Đại học Sussex - cho rằng nguyên nhân đằng sau sự hỗn loạn của ngành công nghiệp là các công ty quá tập trung vào lợi nhuận và bỏ qua rủi ro.
Celsius - công ty cho vay tiền mã hóa với 1,7 triệu khách hàng, quản lý khối tài sản 12 tỷ USD - vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau một tháng hỗn loạn. Trước đó, Celsius đã tạm dừng cho phép khách hàng rút tiền.
Công ty này trả lãi tới 18% đối với những khách hàng gửi tiền bằng tiền mã hóa. Sau đó, Celsius cho các nhà giao dịch khác vay nhằm kiếm lời từ phần chênh lệch lãi suất. Những nhà đầu tư tiền mã hóa sẵn sàng trả lãi cao để vay tiền.
Nhưng mô hình kinh doanh của Celsius chao đảo khi thị trường suy yếu. Công ty liên tục gặp rắc rối về thanh khoản và tạm dừng các giao dịch rút tiền để ngăn chặn làn sóng rút tiền ồ ạt.
Hiệu ứng domino
Quỹ đầu tư tiền mã hóa 3AC là một trong những nạn nhân của đà giảm trên thị trường.
Hồi tháng 3, 3AC vẫn quản lý khối tài sản trị giá khoảng 10 tỷ USD và là một trong những quỹ đầu cơ tiền mã hóa có tiếng. Giờ, công ty đã trượt tới bờ vực phá sản. Chiến lược giao dịch rủi ro của 3AC đã chịu tác động nặng nề khi thị trường tiền mã hóa suy yếu.
Sàn giao dịch tiền mã hóa Blockchain.com có thể thiệt hại 270 triệu USD do các khoản vay của 3AC. Voyager Digital cũng nộp đơn bảo hộ phá sản sau khi 3AC vỡ nợ khoản vay trị giá hơn 660 triệu USD .
"Khả năng quản lý rủi ro yếu kém của các quỹ đầu cơ hàng đầu đã bị phơi bày. Điều này khiến họ kéo nhau đi xuống sau sự sụp đổ của 3AC", bà Medalie nhận định.
Đà giảm sẽ kéo dài tới khi nào
Theo CNBC, không rõ khi nào thị trường tiền mã hóa ổn định trở lại. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trong một thời gian dài, các công ty tiền mã hóa sẽ phải vật lộn trả tiền khách hàng.
Ông James Butterfill - Trưởng bộ phận nghiên cứu tại CoinShares - dự báo nạn nhân tiếp theo có thể là các sàn giao dịch tiền mã hóa và thợ đào Bitcoin. "Vết thương sẽ lan rộng sang những sàn giao dịch", ông cảnh báo.
Ngay cả những sàn giao dịch lâu đời như Coinbase cũng bị ảnh hưởng khi thị trường đi xuống. Tháng 6 vừa rồi, Coinbase đã sa thải 18% nhân viên để cắt giảm chi phí. Giá tiền mã hóa lao dốc dẫn đến khối lượng giao dịch trên Coinbase sụt giảm nghiêm trọng.
Trong khi đó, theo ông Butterfill, các thợ đào Bitcoin cũng gặp khó khi không thể chi trả hóa đơn tiền điện, trong khi máy móc phải hoạt động liên tục. Một số thậm chí phải bán bớt số tiền mã hóa đang nắm giữ.