Cuối năm 2022, TP.HCM liên tiếp thúc tiến độ khởi công hàng loạt dự án lớn. Đáng chú ý trong số đó là các dự án đường nối Trần Quốc Hoàn nhằm giải tỏa nút thắt giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất; dự án nút giao An Phú xóa kẹt xe cửa ngõ phía đông, dự án mở rộng quốc lộ 50 về cửa ngõ miền Tây.
“2023 cũng là năm mở đầu của giai đoạn mới với những dự án trọng điểm chiến lược vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 cùng nhiều công trình cầu đường dân sinh được chờ đợi khác”, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), cho biết.
Tái khởi động dự án chậm tiến độ
Ông Lương Minh Phúc cho hay trong năm nay, đơn vị thúc tiến độ để tiếp nhận mặt bằng thi công một số công trình chậm tiến độ, thậm chí bị hoãn lại nhiều năm qua như cầu Long Kiểng.
Công trình này được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001, nhưng sau khi thi công được hơn 50% thì tạm ngưng vì thiếu mặt bằng. Đến tháng 9/2022, dự án này tái khởi công và dự kiến hoàn thành cuối năm 2023.
Hệ số đất cao hơn hẳn trước đây, tiệm cận với giá thị trường đã tạo thuận lợi lớn cho công tác tái định cư và giải phóng mặt bằng.
Ông Lương Minh Phúc
Cầu sắt Long Kiểng được xây từ năm 1976 với chiều dài hơn 100 m, rộng chỉ hơn 2 m, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Cầu bắc qua rạch Long Kiểng nằm trên trục đường Lê Văn Lương, đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với tỉnh Long An. Cầu Long Kiểng (mới) được khởi công để thay thế cầu Long Kiểng (cũ) đã xuống cấp nghiêm trọng và thường xuyên kẹt xe, với quy mô dài 318 m, đường dẫn hai đầu 661 m, tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cầu Tăng Long (688 tỷ đồng), cầu Ông Nhiêu (425 tỷ đồng), cầu Nam Lý (920 tỷ đồng), cầu Ông Bồn (800 tỷ đồng), cầu Rạch Đĩa (gần 500 tỷ đồng) là những dự án bị trì hoãn tiến độ nhiều năm liền do vướng đền bù giải phóng mặt bằng đã được tháo gỡ.
Trong số đó, cầu Nam Lý tạm ngưng hồi năm 2019 do vướng mặt bằng khi đạt hơn 30% khối lượng, dự kiến hoạch hoàn tất giải phóng mặt bằng cuối năm nay. Công trình nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp, khởi công năm 2016 với chiều dài 650 m, rộng 20 m; còn lại đường dẫn rộng 30-37 m.
Đại diện UBND TP Thủ Đức cho biết việc chi trả đền bù sẽ thực hiện trong hai tháng cuối năm để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư. Khi đó, quá trình thi công sẽ hoàn thành sau 12 tháng, giúp xoá "nút thắt cổ chai" trên tuyến đường.
Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng
Quá trình giải phóng mặt bằng hiện được xem là khó khăn lớn nhất quyết định tiến độ của hầu hết dự án tại TP.HCM. Giai đoạn 2016-2020, trong 115 dự án được TP.HCM quyết định đầu tư có 67 công trình không đạt kế hoạch do vướng mặt bằng.
Theo ông Phúc, hiện việc hệ số đất cao hơn hẳn trước đây, tiệm cận với giá thị trường đã tạo thuận lợi lớn cho công tác tái định cư và giải phóng mặt bằng cho dự án.
"Bài học lớn nhất là sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM trong những vướng mắc vượt thẩm quyền, thông qua tổ công tác đặc biệt xử lý thường xuyên hàng tuần, hàng ngày", ông Phúc nói.
Giá đất sát thị trường có thể làm chi phí công trình tăng lên, nhưng tạo sự cân bằng về giá cả, giúp người dân đồng thuận.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan
Lãnh đạo Ban Giao thông cho hay thành phố nỗ lực tìm hướng để người dân được đặt quan tâm nhiều hơn về chế độ, chính sách; giá cả bồi thường cũng tiệm cận giá thị trường nhất có thể. Cùng với những chính sách hỗ trợ, đơn vị bồi thường cũng tiếp xúc, lắng nghe tâm tư của người dân, xử lý những tồn đọng kéo dài.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, trong kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai sắp tới, thành phố lưu ý chính sách bồi thường sẽ sát với giá thị trường, không lệ thuộc khung giá đất mà có bảng giá do chính quyền địa phương ban hành. Bảng giá này sẽ theo đặc điểm dân cư, đô thị, vị trí dự án.
"Giá đất sát thị trường có thể làm chi phí công trình tăng lên, nhưng tạo sự cân bằng về giá cả, giúp người dân đồng thuận", ông Hoan nói.
Đáng chú ý, vành đai 3 TP.HCM là một trong những dự án trọng điểm được xem là kiểu mẫu về giải phóng mặt bằng.
Quá trình triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1A (Nhơn Trạch - Tân Vạn), ông Hồ Thanh Phong, Phó ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, cho biết địa phương tập trung rà soát, lập và chuẩn bị hồ sơ thu hồi đất trong ranh dự án. Việc này nhằm đảm bảo không sai sót để đồng loạt ký duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư trong một ngày.
Đồng thời, đơn vị chuẩn bị quỹ tái định cư phục vụ cho dự án (vị trí bố trí tái định cư, chất lượng quỹ tái định cư…); phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo hình thức đa dạng để người dân có đất bị thu hồi lựa chọn
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cũng nhận định bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư là một công tác rất khó khăn.
"Nhưng qua trường hợp của dự án thành phần 1A vành đai 3, đây là một kiểu mẫu, bài học rất tốt, là cảm hứng để làm tiếp các đoạn khác, đặc biệt là TP Thủ Đức đang triển khai dự án vành đai 3 với hơn 14 km đi qua địa bàn", ông Cường nói.
Việc rút ngắn được tiến độ giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1A là tiền đề quan trọng để vành đai 3 sớm khởi công vào giữa năm nay và về đích đúng tiến độ vào năm 2025 và tiếp tục triển khai vành đai 4.