Dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Linh đoạn đi qua khu đô thị Phú Mỹ Hưng ngày càng mọc lên dày đặc các cao ốc căn hộ, kéo theo lượng phương tiện tăng nhanh đột biến khiến việc di chuyển vào trung tâm TP.HCM trở thành nỗi lo của người dân nơi đây.
Tình trạng kẹt xe, giao thông quá tải ngày càng nghiêm trọng buộc UBND TP.HCM dồn sức kéo hạ tầng khu này lên bằng cách mở thêm đường, cầu kết nối với trung tâm TP.
Trong ảnh là công trình hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) được khởi công năm 2020 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 830 tỷ đồng. Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết sau hơn 4 năm triển khai, toàn dự án hiện đạt khoảng 75% khối lượng.
Trong đó, gói thầu xây lắp số 2 xây dựng hầm chui HC2 hướng quận 7 đi Bình Chánh đạt 85%, dự kiến đơn vị sẽ cho thông xe vào cuối tháng 8.
Nhánh hầm HC1 theo hướng ngược lại cùng toàn bộ hạng mục liên quan sẽ hoàn thành cuối năm nay.
Trên công trường có khoảng 150 cán bộ, kỹ sư, công nhân, cùng hàng chục loại máy móc, thiết bị thi công ngày đêm với 3 ca, 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ.
Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh sau khi hoàn thành được kỳ vọng giải quyết luồng xung đột xe cộ tại nút giao này và góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực quận 7, khu đô thị Phú Mỹ Hưng và một phần huyện Nhà Bè.
Trong khi đó, cầu Thủ Thiêm 4 kết nối TP Thủ Đức và quận 7 với tổng mức đầu tư khoảng 6.030 tỷ đồng cũng đang được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đẩy nhanh các thủ tục để khởi công dịp 30/4/2025.
Theo đề xuất của Sở GTVT, cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 và TP Thủ Đức dài hơn 2 km với 6 làn xe, vận tốc 60 km/h. Cây cầu có thiết kế đặc biệt là có thể nâng hạ nhịp chính với tĩnh không tối đa 45 m để tàu thuyền đi lại thuận tiện.
Trước đây, cầu Thủ Thiêm 4 được nghiên cứu có tĩnh không thông thuyền (khoảng cách tính từ mực nước cao nhất đến gầm cầu) là 10 m, bị cho là quá thấp, cản trở tàu thuyền, kìm hãm phát triển du lịch, giao thông. Phương án trên cũng khiến cảng Sài Gòn (quận 4) mất lợi thế là nơi tiếp nhận tàu biển chở khách du lịch lớn.
Theo thiết kế, cầu Thủ Thiêm 4 đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7). Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối Khu đô thị Sala (TP Thủ Đức) tại giao lộ đường Nguyễn Cơ Thạch và đường Bùi Thiện Ngộ.
Cầu Thủ Thiêm 4 khi hoàn thành được kỳ vọng rút ngắn thời gian đi từ khu đô thị Phú Mỹ Hưng qua TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh. Dự án cũng giúp giảm ùn tắc xung quanh các cảng Bến Nghé, Khu chế xuất Tân Thuận, đường Huỳnh Tấn Phát tại quận 7.
Ngoài ra, người dân khu Nam cũng mong chờ dự án cầu - đường Nguyễn Khoái để tăng tính kết nối với trung tâm TP. Dự án sẽ được khởi công vào cuối năm nay và hoàn thành năm 2027. Hiện chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đang chuẩn bị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án xây dựng cầu - đường Nguyễn Khoái (kết nối các quận 7, 4 và quận 1) có tổng mức đầu tư khoảng 3.735 tỷ đồng, thực hiện bằng ngân sách TP. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.264 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 1.748 tỷ đồng. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư.