Dưới danh xưng tự đặt "nữ thừa kế Anna Delvey đến từ Đức", Anna Sorokin (sinh năm 1991) đã lừa đảo nhiều người thuộc giới thượng lưu ở New York (Mỹ) trong giai đoạn 2013-2017. Cô tuyên bố mình là người thừa kế quỹ tín thác 60 triệu USD cùng nhiều khách sạn sang trọng tại Đức, thuyết phục những tên tuổi giàu có ở New York đầu tư vào một câu lạc bộ nghệ thuật mang tên mình. Ảnh: AP Photo/Richard Drew.
Năm 2019, “tiểu thư lừa đảo” bị bắt với 8 tội danh, nhận mức án 4-12 năm tù. Sau khi ra tù vào tháng 2/2021, Anna tự do trong 6 tuần, trước khi bị ICE giam giữ trong 18 tháng qua vì quá hạn thị thực. Ngày 7/10, cô được ra tù. Ảnh: Ben Rayner/New York Times.
Tự nhận mình là con trai của tỷ phú kim cương Lev Leviev, Simon Leviev (sinh năm 1990) đã lừa tình, lừa tiền hàng chục cô gái trên ứng dụng hẹn hò. Tổng số tiền chiếm đoạt lên đến 10 triệu USD. Ảnh: Simon Leviev.
Năm 2019, Simon thụ án 2,5 năm trong một nhà tù ở Phần Lan sau khi bị kết tội lừa đảo 3 phụ nữ. "Kẻ lừa đảo Tinder" còn bị kết án 15 tháng tù ở Israel vì 4 tội danh, nhưng được thả chỉ sau 5 tháng. Sau khi tự do, Simon sống trong một căn hộ cao cấp ở Israel với bạn gái người mẫu. Tên tuổi gã trai được quan tâm trở lại sau khi bộ phim tài liệu The Tinder Swindler đầu tháng 2.
Theo News24, Simon tuyên bố đang làm một bộ phim tài liệu dù không có thông tin chi tiết nào được cung cấp. Kẻ lừa đảo cũng khẳng định đang hợp tác với các nghệ sĩ French Montana, Snoop Dogg và 50 Cent. Trước đó, tháng 2, Montana đã đăng một tấm hình chụp chung với Simon.
Anthony Strangis (sinh năm 1980) và vợ cũ Sarma Melngailis đã lừa đảo các nhà đầu tư và không bao giờ trả lương cho những nhân viên làm việc tại nhà hàng chay nổi tiếng Pure Food and Wine ở Manhattan (New York) của họ, theo SCMP. Tổng số tiền chiếm đoạt gần 1 triệu USD. Năm 2017, Anthony, hay còn được biết đến với tên Shane Fox, bị kết án 5 năm quản chế và ở tù một năm trong thời gian tạm giam. Ảnh: Stefan Jeremiah.
Trong bộ phim tài liệu Bad Vegan: Fame. Fraud. Fugitives ra mắt hồi tháng 3, Sarma chia sẻ về mối quan hệ giữa cô với Anthony, kể chi tiết cách người đàn ông này thuyết phục cô đưa tiền cho hắn, thậm chí còn tuyên bố rằng anh ta sẽ có thể khiến con chó của cô bất tử. Ảnh: Anthony Strangis.
Vanity Fair đưa tin rằng kẻ lừa đảo tái hôn với nhà văn Jennifer Van Laar vào năm 2021. Strangis cũng vay tiền một số thành viên trong gia đình mà chưa trả lại, đồng thời cũng không thông báo với họ rằng anh đã kết hôn. Ảnh: Netflix.
Năm 2005, Robert Hendy-Freegard (sinh năm 1971) bị kết án tù chung thân tại một tòa án ở London (Anh) vì tội lừa dối, trộm cắp và bắt cóc. Tuy nhiên, anh ta ra tù năm 2009. Trong quá trình gây án, Robert thuyết phục mọi người rằng anh là một điệp viên chìm đang trốn chạy và cần tiền để sống sót.
Khi các nạn nhân tin vào những câu chuyện bịa đặt, hắn lừa họ giao tài sản trong nhiều năm, đồng thời thuyết phục họ cắt đứt mối quan hệ với tất cả người thân và bạn bè. Do đó, nạn nhân sẽ rơi vào cảnh bần cùng sau khi bị Robert cuỗm hết tài sản. Ảnh: Metropolitan Police/PA Wire.
Ngày 3/9, Robert lại bị truy bắt sau khi gây thương tích cho 2 cảnh sát Pháp, theo The Guardian. Anh ta tông xe hơi vào họ sau khi cuộc đột kích vào nhà riêng, nơi anh đang nuôi chó bất hợp pháp. Cảnh sát bắt được người đàn ông này ở Bỉ và đang bị dẫn độ về Pháp.