Không phải ai cũng có thể gắn bó với một công việc xuyên suốt cuộc đời mình. Một số người nhảy việc vì những lý do như công ty cắt giảm nhân sự, môi trường làm việc độc hại hay chỉ đơn giản là không phù hợp với định hướng lâu dài.
Theo đó, khả năng cao họ sẽ phải làm những công việc phụ, thậm chí trái ngành trước khi tìm ra lối đi phù hợp cho bản thân. Dù vậy, bạn vẫn có thể tận dụng thời cơ này để thúc đẩy sự nghiệp thăng tiến.
Dưới đây, Harvard Business Review liệt kê những kỹ năng mềm thiết yếu mà bạn có thể thực hành và học hỏi ở bất kỳ lĩnh vực nghề nghiệp nào. Chúng đều là những yếu tố quan trọng giúp bạn gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng sau này.
Giao tiếp hiệu quả
Thực tế, làm việc ở bất cứ ngành nghề nào cũng có thể tạo cho bạn cơ hội cải thiện khả năng giao tiếp của mình. Thêm vào đó, bạn cần hiểu được rằng xử lý và đơn giản hóa các vấn đề phức tạp cho mọi đối tượng là thiết yếu.
Bạn hãy cố gắng điều chỉnh lối nói chuyện và xem xét cách đối phương phản hồi. Bằng cách này, bạn sẽ biết được điều gì thực sự hiệu quả trong giao tiếp và ngược lại.
Chẳng hạn, một số người trong cuộc hội thoại sẽ muốn được định hướng rõ ràng trong khi số khác lại thích được truyền cảm hứng hơn. Đối với tuýp người thứ hai, bạn nên giữ thái độ tò mò và dẫn dắt họ đưa ra giải pháp của riêng mình.
Tóm lại, bạn hãy giao tiếp với từng người theo cách mà họ muốn được tiếp nhận. Điều này được xem là cốt yếu để thành công trong đa số hoạt động kinh doanh.
Làm việc nhóm
Tùy thuộc vào tính chất mỗi công việc, bạn sẽ có cơ hội nâng cao kỹ năng làm việc nhóm khác nhau. Thêm vào đó, mỗi khi làm việc, bạn hãy thử hỏi bản thân một số câu hỏi như sau:
Bạn có thể thực hành và học hỏi những phương thức mới để giải quyết vấn đề tiêu cực không? Bạn có thể nâng cao khả năng thống nhất các ý kiến không?
Những câu hỏi như trên nhằm giúp bạn rút ra những kinh nghiệm và bài học quý giá khi hợp tác với nhiều cá nhân. Thông thường, làm việc với càng nhiều người mới với tính cách và quan điểm khác nhau, cơ hội để bạn cải thiện các kỹ năng làm việc nhóm sẽ càng cao.
Kết hợp kinh nghiệm
Bạn hoàn toàn có thể dùng kinh nghiệm và trải nghiệm có được từ trước để hỗ trợ công việc phụ hoặc ngoài ngành mình đang theo đuổi.
Tuy nhiên, thay vì đảm đương nhiệm vụ theo lối đi cũ, bạn nên đặt mình vào góc nhìn tương quan với lĩnh vực hiện tại.
Phương thức này sẽ giúp bạn điều hướng ảnh hưởng từ công việc cũ một cách đúng đắn để xử lý công việc hiệu quả nhất có thể.
Xử lý vấn đề
Đa số công việc đều sở hữu những thách thức riêng. Một số lĩnh vực còn có xu hướng phức tạp hơn mặt bằng chung. Theo đó, thành thạo giải quyết khó khăn phát sinh sẽ giúp ích bạn đáng kể.
Việc này thường bao gồm khả năng thấu hiểu gốc rễ vấn đề cùng năng lực suy nghĩ và đề xuất các giải pháp khả thi. Tất thảy còn có thể cải thiện lối tư duy cấu trúc với lý luận logic của bạn.
Như vậy, bạn hãy cố gắng tìm kiếm và định vị những thách thức hiện hữu trong công việc. Tiếp đó, bạn nên tích cực giải quyết chúng theo những phương thức sáng tạo và mang tính xây dựng.
Sau khi triển khai giải pháp tốt nhất, để đảm bảo thành công lâu dài, bạn cần xem xét và điều chỉnh bổ sung cho công việc.
Lãnh đạo
Dù từng làm hay mong muốn đảm nhận vị trí quản lý, bạn hoàn toàn có thể phát triển hoặc cải thiện kỹ năng này ở mọi công việc.
Theo đó, bạn cần chú tâm đến khả năng lắng nghe, huấn luyện và hướng dẫn để có thể lãnh đạo một nhóm người theo đuổi cùng chí hướng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng những kinh nghiệm trước đó để hỗ trợ thế hệ tiếp theo phát triển kỹ năng lãnh đạo của chính mình. Điều này về lâu dài sẽ giúp cả bạn và họ đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình.