Đầu tháng 11, FED thực hiện đợt tăng lãi suất 0,75% lần thứ 4 liên tiếp để đưa lãi suất vay ngắn hạn lên mức cao nhất kể từ tháng Giêng năm 2018. Cùng với đó, xung đột ở Ukraine và lo ngại suy thoái kinh tế khiến đồng bạc xanh trở thành thiên đường “trú ấn an toàn” của các nhà đầu tư, khiến nó mạnh lên đáng kể. Mặc dù đồng USD đã yếu dần thời gian gần đây so với đỉnh cuối tháng 9 nhưng nó cũng đã tăng 11% kể từ đầu năm.
Những điều này gây ra tác động với kinh tế toàn cầu và đặc biệt làm tổn hại tới các quốc gia châu Phi cận Sahara, nơi nợ chính phủ chủ yếu bằng đồng USD. Trong báo cáo hôm 6/11, công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft nhấn mạnh nợ hiện chiếm trung bình 77% GDP của 5 nền kinh tế chủ chốt châu Phi: Nigeria, Ghana, Ethiopia, Kenya, Zambia và Mozambique. Báo cáo cũng cho biết thêm những nước này đã cộng thêm trung bình 10,3 điểm phần trăm GDP vào gánh nặng nợ công kể từ năm 2019.
“Các đợt tăng lãi suất cơ bản liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã dẫn đến việc giảm dòng vốn chảy vào châu Phi, mở rộng chênh lệch đối với trái phiếu chính phủ của các quốc gia lục địa này. Mức độ rủi ro đối với những thay đổi lãi suất quốc tế càng trở nên trầm trọng hơn do tỷ lệ lớn các khoản nợ công của châu Phi là bằng đồng USD”, Benjamin Hunter, chuyên gia phân tích của Verisk Maplecroft, nhấn mạnh.
Verisk Maplecroft cho biết khả năng trả nợ nước ngoài của các chính phủ châu Phi sẽ tiếp tục bị suy yếu do nguồn tài chính suy giảm trong khi lãi suất cao hơn. Các chính sách lãi suất nội địa nhằm tăng cường đối phó với lạm phát cao cũng đang làm tăng gánh nặng nợ công chung của nhiều nước châu Phi cận Sahara.
Tuy nhiên, đó chưa hẳn là những điều tồi tệ nhất. Hunter chỉ ra rằng Ghana là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi vòng xoáy tiêu cực này. Nợ công của quốc gia Tây Phi đã tăng từ 62,6% GDP năm 2019 lên 90,7% vào năm 2022 trong khi lạm phát tăng vọt lên 40,4% vào tháng 10. Ngân hàng trung ương Ghana đã tăng lãi suất thêm 250 điểm cơ bản lên 27%. Ngân hàng Ghana hiện đã tăng 1.350 điểm cơ bản kể từ khi chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm 2021.
Tuy nhiên, với việc đồng cedi, một trong những đồng tiền kém hiệu quả nhất thế giới trong năm nay, tiếp tục mất giá và lạm phát liên tiếp gia tăng, các nhà phân tích tại Oxford Economics khu vực châu Phi dự báo rằng nước này có thể tăng lãi suất 200 điểm cơ bản trong đầu năm 2023.
Kết quả là mức sống người dân ngày càng giảm sút, tình trạng bất ổn dân sự và rủi ro về sự ổn định của chính phủ ngày càng trở nên tồi tệ. Vào tháng 11/2022, người biểu tình ở Accra đã kêu gọi tổng thống nước này từ chức.
IMF sẽ tới Ghana vào tháng 12 để thảo luận về yêu cầu tái cơ cấu nợ của nước này. IMF hiện đang thảo luận về giảm nợ với 34 quốc gia châu Phi, con số phản ánh một thực tại khó khăn với các nền kinh tế châu lục này.
Tham khảo: CNBC