Chỉ thị số 01/CT-NHNN năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khi nhà điều hành chính thức “bật đèn xanh” cho phép các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt trở lại, sau 2 năm tạm ngưng vì đại dịch. Tuy nhiên, dường như nhiều ngân hàng vẫn chưa sẵn sàng với việc chia cổ tức bằng tiền mặt.
Cụ thể, các thống kê mới đây của chúng tôi mới đây cho thấy, đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 20 ngân hàng công bố kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022. Tuy nhiên, chỉ có 9 ngân hàng có chia cổ tức cho cổ đông. Số lượng nhà băng có tỷ lệ cổ tức trên 20% và có chia tiền mặt lại càng hiếm hơn.
Đến hiện tại mới chỉ VIB chốt chia cổ tức là 35% (gồm 15% tiền mặt và 20% cổ phiếu thưởng); ACB dự kiến chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt; HDBank cũng dự kiến chia với tỷ lệ 25% trong đó 10% tiền mặt.
Ngành ngân hàng rất đặc thù, vì nếu muốn chia cổ tức, bên cạnh việc kinh doanh có lãi, các định chế tài chính này còn phải đảm bảo các hệ số an toàn vốn và thanh khoản. Do đó, các nhà băng có khả năng chia cổ tức, đặc biệt là bằng tiền mặt là những ngân hàng có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, bền vững và và tỷ lệ an toàn vốn cao hơn mặt bằng chung của hệ thống.
Trên thực tế, 3 ngân hàng kể trên đều nằm trong câu lạc bộ các ngân hàng có lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ và lọt vào top 10 nhà băng có lợi nhuận lớn nhất năm 2022. Đồng thời ROE của các ngân hàng kể trên đều nằm trong nhóm cao nhất toàn ngành.
Như ACB năm trước ghi nhận lãi trước thuế 17.114 tỷ; ROE ở mức 26,5%. VIB năm 2022 lãi trước thuế 10.581 tỷ; ROE đạt 29,7%. Còn HDBank ghi nhận lợi nhuận đạt hơn 10.268 tỷ, tăng 27,2% và hoàn thành 105% kế hoạch lợi nhuận năm 2022. ROE ở mức 23,5%. Tỷ lệ an toàn vốn CAR (chuẩn Basel II) của HDBank đạt 13,4%, trong nhóm 3 ngân hàng có an toàn vốn cao nhất ngành.
HDBank hiện cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, ngân hàng sẽ tiếp tục kiên định với định hướng “Phát triển bền vững, tiên phong dẫn đầu”. Đồng thời, nhà băng này dự kiến tổng tài sản sẽ đạt 520.024 tỷ, tăng 25% so với năm 2022; huy động vốn tăng 25% lên 459.398 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 24% lên 333.553 (phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao).
HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế vượt 13.197 tỷ đồng tức tăng 29% so với năm 2022; Tỷ lệ ROE dự kiến đạt 24,5% và ROA đạt 2,3%; Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ tiếp tục được ngân hàng kiểm soát thấp dưới 1,5%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất dưới 2%.