Trong những đợt giảm lãi suất tiền gửi liên tiếp của hệ thống ngân hàng gần đây, khác với các kỳ hạn gửi 12 tháng trở lên - nhóm bị điều chỉnh giảm mạnh nhất - các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn (6-11 tháng) lại có xu hướng giảm thấp hơn. Trong đó, lãi suất phổ biến ở các kỳ hạn này vẫn đang là 8-9%/năm.
Với nhóm kỳ hạn gửi 1-5 tháng, do vẫn chịu sự khống chế trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, hầu hết nhà băng đều đang đưa ra mức lãi huy động kịch trần 6%/năm với các kỳ hạn này. Trong khi đó, từ kỳ hạn 6 tháng, khi không còn bị giới hạn mức trần, lãi suất các ngân hàng đưa ra đã phân hóa rất mạnh.
Lãi suất gửi dưới 12 tháng cao nhất 9%/năm
Theo khảo sát của Zing, tại kỳ hạn gửi tiền 6 tháng hiện nay, dải lãi suất hệ thống ngân hàng thương mại trong nước đang là 5,8-9%/năm, bao gồm cả hình thức gửi tại quầy và online. Trong đó, nhóm ngân hàng đưa ra mức lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn này là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank cùng ở 5,8%/năm với hình thức gửi tại quầy. Nếu gửi online, lãi suất người dân nhận được từ Vietcombank ở kỳ hạn này sẽ là 6,5%/năm và 7,2%/năm tại BIDV, VietinBank.
Ở chiều ngược lại, toàn hệ thống hiện chỉ ghi nhận một ngân hàng đưa ra mức lãi suất 9%/năm với kỳ hạn này là SCB, áp dụng với tiền gửi trên kênh online. Trong khi đó, trên kênh quầy, mức lãi suất ngân hàng đưa ra với kỳ hạn 6 tháng là 7,8%/năm.
Mức 9%/năm SCB áp dụng với tiền gửi online 6 tháng không chỉ là mức lãi cao nhất hệ thống tại kỳ hạn này mà còn là mức lãi suất cao nhất SCB đang áp dụng với các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân, bao gồm cả nhóm kỳ hạn dài trên 12 tháng.
Xếp sau SCB về mức lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng là Kienlongbank với 8,9%/năm. Sau các đợt giảm lãi suất liên tiếp, hiện ngân hàng này đã không còn áp dụng mức lãi 9%/năm cho bất kỳ khoản tiền gửi nào. Thay vào đó, mức lãi suất tối đa nhà băng này đưa ra cho tiền gửi khách hàng cá nhân là 8,95%/năm, với kỳ hạn 9 và 13 tháng trên kênh online. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất ngân hàng đưa ra hiện nay là 8,8%/năm (kênh quầy) và 8,9%/năm (kênh online).
Tại kỳ hạn gửi 6 tháng, hệ thống ngân hàng cũng chỉ còn 2 nhà băng đưa ra mức lãi 8,8%/năm là HDBank và Baoviet Bank, đều áp dụng với tiền gửi online.
Trong đó, HDBank hiện đưa ra mức lãi 7%/năm cho các khoản tiền gửi tại quầy kỳ hạn 6 tháng của khách hàng cá nhân. Nếu gửi online, mức lãi suất sẽ tăng lên 8,8%/năm. Thậm chí, mức lãi suất này còn cao hơn cả các kỳ hạn gửi dài tại HDBank.
- Mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi cá nhân kỳ hạn 6 tháng hiện nay:
Cụ thể, các khoản tiền gửi kỳ hạn 7-11 tháng hiện chỉ được HDBank chi trả mức lãi 6,8%/năm (kênh quầy) và 6,9%/năm (kênh online). Tương tự, kỳ hạn gửi 12 tháng được chi trả mức lãi suất lần lượt là 7,4%/năm và 8,8%/năm.
Tại HDBank, mức lãi suất cao nhất hiện nay là 9,5%/năm, áp dụng với tiền gửi tại quầy kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải gửi tối thiểu 300 tỷ đồng vào ngân hàng. Trường hợp không yêu cầu hạn mức gửi tối thiểu, lãi suất tối đa khách hàng cá nhân nhận được khi gửi tiền vào HDBank là 9,2%/năm, áp dụng duy nhất với kỳ hạn 13 tháng trên kênh online.
Xếp sau nhóm ngân hàng kể trên ở kỳ hạn gửi 6 tháng là một loạt ngân hàng đang đưa ra mức lãi 8,5-8,6%/năm gồm VietBank, NamABank, GPBank, BacABank, ABBank, LienVietPostBank…
Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân quy mô lớn như ACB, MBBank, Sacombank, Techcombank và VPBank hiện phổ biến đưa ra mức lãi suất trên dưới 8%/năm cho kỳ hạn này.
Nếu chọn gửi với kỳ hạn dài hơn (7-11 tháng), số ngân hàng đưa ra mức lãi suất 9%/năm sẽ tăng lên. Trong đó, Baoviet Bank đang áp dụng mức lãi 9%/năm cho các khoản tiền gửi 7 và 11 tháng kênh online; SCB áp dụng mức lãi suất này cho toàn bộ tiền gửi kỳ hạn 7-11 tháng online.
Sạch bóng lãi suất 9,5%/năm
Với các kỳ hạn 12 tháng trở lên, toàn thị trường đã không còn nhà băng nào đưa ra mức lãi 9,5%/năm như trước. Lãi suất tiền gửi (không đi kèm điều kiện) cao nhất thị trường hiện này là 9,2%/năm do HDBank áp dụng.
Ngoài ra, chỉ còn một số ngân hàng hiện chấp nhận chi trả mức lãi suất 9%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn dài như ABBank, BacABank, Baoviet Bank, Vietcapital Bank, LienVietPostBank, OCB, SCB.
Trong khi đó, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh đã đồng loạt đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng về mức 7,2%/năm trên kênh quầy và 7,7%/năm nếu gửi online (BIDV và VietinBank).
Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect, mặt bằng lãi suất tiền gửi đang trong xu hướng giảm liên tục.
Mức giảm lãi suất sắp tới sẽ không lớn do lãi suất giảm mạnh có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá trong bối cảnh Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành cho đến giữa năm nay
Công ty Chứng khoán VNDirect
Trong đó, lãi suất tiền gửi đã đạt đỉnh vào cuối tháng 1 và bắt đầu giảm từ giữa tháng 2. Tính đến trung tuần tháng 3, lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là 7,5%/năm và 7,8%/năm, giảm lần lượt 0,38 điểm % và 0,41 điểm % so với cuối tháng 1. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh là 5,8%/năm và 7,2%/năm, giảm 0,2 điểm %.
Các chuyên gia tại đây kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm nhẹ từ nay đến cuối năm. Trong đó, đà giảm lãi suất được hỗ trợ chính từ việc NHNN đã quyết định giảm một số mức lãi suất điều hành chủ chốt từ 15/3. Điều này sẽ góp phần giảm chi phí vốn của các ngân hàng.
Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng suy yếu do các doanh nghiệp hạn chế mở rộng hoạt động kinh doanh trong bối cảnh tiêu dùng yếu hơn và thị trường bất động sản nhà ở ảm đạm ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng sẽ làm giảm nhu cầu vốn từ hệ thống ngân hàng, qua đó tác động giảm lãi suất huy động.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng mức giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ không lớn do lãi suất giảm mạnh có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá USD/VND trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành đến giữa năm nay.