Việc doanh nghiệp liên tục né tránh công khai chuyện lương, thưởng trong thông tin tuyển dụng có thể đánh mất những lao động Gen Z tài năng.
Với đặc điểm “tự do”, “linh hoạt” và “cá tính”, Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) thường bị các sếp gắn mác là thế hệ khó quản lý. Tuy nhiên đằng sau quyết định của thế hệ lao động trẻ đều có những lý do, nếu thấu hiểu, đôi bên có thể cộng tác và gắn kết bền chặt hơn.
Khảo sát của Abode, dựa trên 1.000 học sinh trung học và sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp tại Mỹ, cho thấy 85% "ngần ngại nộp đơn xin việc nếu công ty không tiết lộ mức lương cụ thể trong thông báo tuyển dụng”, Insider trích dẫn.
Theo LinkedIn, trang mạng xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, 81% nhân viên Gen Z ủng hộ người sử dụng lao động công khai, minh bạch về lương, thưởng. Trong khi đó, chỉ có 47% Gen X (sinh từ năm 1965 đến 1980) bày tỏ sự đồng tình và 28% Baby Boomers (sinh từ năm 1946 đến năm 1964) đồng ý rằng tiền lương nên được công khai.
Cần minh bạch về tiền lương
Mong muốn về quyền lợi khi đi làm của Gen Z có thể khác với các thế hệ trước.
“Gen Z ngày nay coi trọng sự minh bạch và thường cởi mở hơn trong các cuộc thảo luận liên quan đến tiền lương. Thậm chí, họ thoải mái hơn nhiều khi nói về thu nhập hàng tháng với đồng nghiệp”, Vaishali Sabhahit, Giám đốc toàn cầu về tuyển dụng nhân tài của Adobe, chia sẻ.
Là thế hệ từng chứng kiến nhiều nhân sự bị mất việc làm, cắt giảm lương, thưởng trong đại dịch, việc biết rõ mình nhận được bao nhiêu tiền/tháng sẽ giúp Gen Z có động lực làm việc và cống hiến cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, việc cung cấp thông tin về lương, thưởng có thể giúp nhà tuyển dụng và người lao động tiết kiệm thời gian.
Bên cạnh việc đơn giản hóa quy trình đàm phán, tính minh bạch về tiền lương giúp người sử dụng lao động thu hẹp khoảng cách giữa giới tính, chủng tộc,…
Ngoài ra, công khai tiền lương còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường làm việc tin cậy và cởi mở. Khi nhân viên biết rằng họ đang được trả công xứng đáng, năng suất và tinh thần chung có thể sẽ tăng lên.
“Ba lý do hàng đầu khiến những sinh viên sắp và mới tốt nghiệp từ chối làm việc bao gồm lương thấp, khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cuối cùng là phúc lợi không hấp dẫn”, bà Vaishali nói.
Theo nghiên cứu được công bố năm 2022 của Bupa, 64% Gen Z quan niệm môi trường làm việc là yếu tố níu chân họ tại doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, 31% tin rằng họ có thể bỏ việc nếu văn hóa tại nơi làm việc không tốt.
Đồng thời, hơn một nửa (54%) Gen Z sẽ chấp nhận giảm lương để có cơ hội làm việc trong doanh nghiệp phù hợp với đạo đức, tính cách của mình. Đánh đổi 27% lương là con số bình quân được nghiên cứu ghi nhận.
Thế hệ lo lắng tiền bạc
Tại nhiều quốc gia, giá thực phẩm, giá nhà thuê, xăng xe đều tăng chóng mặt khiến nhiều sinh viên mới ra trường, người trẻ cảm thấy áp lực. Cụ thể, tỷ lệ giá cả của Mỹ tăng 4,9% trên cơ sở hàng năm vào tháng 4, trong khi ở Anh, giá tăng 10,1%.
Theo một báo cáo của trang web Finder, thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 28 là nhóm nhân khẩu học lớn nhất báo cáo việc cắt giảm chi tiêu, căng thẳng tài chính do áp lực chi phí sinh hoạt và không trả được nợ thế chấp trong sáu tháng qua.
Bên cạnh đó, nền kinh tế ngày càng suy thoái là mối quan tâm lớn, luôn hiện hữu trong tâm trí của người tìm việc trẻ tuổi. Cụ thể, 70% cho biết họ lo lắng về rủi ro về kinh tế toàn cầu.
Vào thời điểm tiền bạc trở thành vấn đề nhạy cảm và cần thiết, câu chuyện tiền lương càng tỏ ra quan trọng đối với nhiều người trẻ.
Theo nghiên cứu của Cigna, 68% nhân viên bàn giấy thuộc thế hệ Gen Z lo ngại mức lương không đủ cao để đối phó với tỷ lệ lạm phát hiện tại, 39% nói rằng nỗi lo thiếu tiền là nguyên nhân chính khiến họ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng.
Ngoài ra, DailyPay và Harris Poll nhận định 48% chọn sống chung với bố mẹ do khó khăn về mặt tài chính và 33% lo ngại lạm phát sẽ cản trở họ mua nhà.