Ở tuổi 20, Thúy Hà rẽ hướng sang kinh doanh khi nhận thấy việc học đại học không đem lại sự hứng thú cho cô. Khi ấy, Hà đang là sinh viên năm nhất chuyên ngành Quản lý công tại một trường đại học ở Hà Nội.
Thúy Hà không phải người duy nhất có quyết định dừng việc học để chuyển sang môi trường khác phù hợp hơn. Thậm chí, họ sẵn sàng từ bỏ công việc ổn định, thoát khỏi "vùng an toàn" của bản thân để khám phá thêm những cơ hội và trải nghiệm thú vị.
Sẵn sàng chuyển hướng khi không phù hợp
Rời đại học khi đang là sinh viên năm nhất, Thúy Hà (22 tuổi, đang sống ở TP.HCM) quyết định rẽ hướng sang kinh doanh. Lúc đó, dịch Covid-19 bùng phát, thời gian học online kéo dài. Hà nhận thấy bản thân trở nên ù lỳ, bí bách. Với tính hướng nội, Hà càng thấy thiếu tự tin với các bạn trong lớp.
“Các bạn trong lớp đều tích cực, năng động, mình lại có phần rụt rè. Bên cạnh đó, khối lượng kiến thức nhiều, chương trình học nặng khiến mình quá tải, mệt mỏi. Điều này một phần do mình cảm thấy không hợp với chuyên ngành đang theo học. Mặt khác, gia đình cũng không ủng hộ. Sau một thời gian, nhận thấy không còn hứng thú với việc học, mình quyết định bỏ ngang”, Hà tâm sự.
Sau đó, Thúy Hà bắt đầu tập tành kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử dưới sự hỗ trợ của mẹ. Hà cho biết mẹ là người hướng dẫn, cũng là người định hướng con đường kinh doanh cho cô lúc bấy giờ.
Tương tự, Tấn Đạt (21 tuổi, Đà Nẵng) lựa chọn dừng việc học đại học khi đang là sinh viên năm hai chuyên ngành Khách sạn và Du lịch. Đạt quyết định dừng học vì nhận thấy bản thân không phù hợp với ngành nghề. Ngành đó cũng không đáp ứng được mục tiêu của anh trong tương lai. Sau khi nghỉ, Đạt về nhà, tiếp quản công việc của gia đình.
Trước khi rời đại học, Đạt từng thử sức với nhiều công việc khác nhau như mẫu ảnh, huấn luyện viên cá nhân, hỗ trợ các sự kiện hay nhân viên pha chế. Tuy nhiên, anh dần cảm thấy chán nản, không tìm thấy niềm vui khi trải nghiệm những công việc đó.
Về làm việc cho gia đình, Đạt chỉ đơn giản ngồi một chỗ, quan sát, thu tiền, bấm điện thoại từ sáng đến chiều. Bên cạnh đấy, anh còn nhận soạn hàng, chở hàng, trao đổi với khách hàng.
Mọi thứ kéo dài được khoảng 2 năm. Một ngày, Đạt bắt đầu suy nghĩ, đặt câu hỏi cho bản thân “không lẽ quãng đường phía trước sẽ nhạt nhòa đến vậy à?” khi công việc, cuộc sống mỗi ngày của anh chỉ xoay quanh đối tác, hàng hóa và những câu hỏi về mục đích của bản thân nhưng chưa có lời giải. Vì cần tập trung cho công việc, Đạt dần mất đi những mối quan hệ trước đó. Anh không biết bản thân thật sự cần gì.
Với suy nghĩ trên, Đạt chủ động xin gia đình tạm ngừng công việc để tìm kiếm điều mình yêu thích dù biết việc này rất mất thời gian.
“Mình thấy có người mất 5 năm, có người 10 năm, thậm chí 30 năm. Mình cũng không chắc bản thân sẽ tìm thấy công việc phù hợp. Nhưng mình vẫn làm, thử nhiều việc khác nhau, có những thứ, chỉ khi làm rồi mới nhận định được bản thân phù hợp không. Vài lần, mình muốn buông bỏ. Nhưng rồi mình đã đứng dậy và đi tiếp”, Đạt tâm sự.
Trong khi đó, Nguyễn Lưu (26 tuổi, Bình Định) cố gắng hoàn thành 4 năm đại học. Tốt nghiệp, anh làm việc tại công ty về kỹ thuật. Công việc này mang lại cho Lưu thu nhập ổn định, đồng nghiệp hòa đồng, vui vẻ. Môi trường làm việc thoải mái, phù hợp với sinh viên mới ra trường như anh.
Sau 3 năm tích lũy kinh nghiệm, Lưu quá quen với những công việc lặp đi lặp mỗi ngày mà không có sự thay đổi. Điều này khiến anh thấy nhàm chán. Với suy nghĩ bản thân cần được học hỏi và phát triển nhiều hơn, Lưu quyết định nghỉ việc.
“Mình còn trẻ, không vướng bận gì nhiều nên muốn bản thân có thêm sự trải nghiệm, va vấp, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân sau này”, Lưu nói.
Bước ra khỏi vùng an toàn
Bỏ qua cảm giác hoang mang thời gian đầu, Thúy Hà, Tấn Đạt, Nguyễn Lưu cố gắng tìm kiếm cơ hội bên ngoài.
Sau thời gian nỗ lực tìm kiếm công việc trên các hội nhóm, diễn đàn, Tấn Đạt ứng tuyển vào công ty dịch vụ truyền thông quảng cáo. Làm việc cùng các nhân sự tài giỏi, năng động, Đạt biết đây sẽ là nơi bản thân hướng đến và muốn được ở lại để trải nghiệm, học hỏi.
"Lúc đấy, mình xác định sẽ ứng tuyển vào bất cứ công ty nào tuyển nhân sự marketing để học hỏi. Ở thời điểm đó, mình chỉ có kiến thức ít ỏi về ngành dịch vụ, quản trị kinh doanh tự tích cóp", Đạt chia sẻ.
Giờ đây, khi được làm việc với tư cách là một thực tập sinh marketing, Tấn Đạt có cơ hội tiếp thu nhiều kiến thức, tiếp cận góc nhìn mới.
Đạt tâm sự đó là hành trình dài và anh cảm thấy may mắn khi dám bước khỏi vùng an toàn thay vì sống phụ thuộc gia đình. Anh thậm chí nghĩ lẽ ra, bản thân nên bắt đầu sớm hơn thay vì mất đến 2 năm mới nhận ra bản thân cần gì.
Với Thúy Hà, sau khi quyết định ngừng học, cô trở về làm công việc kinh doanh theo định hướng của mẹ. Tuy nhiên, Hà rơi vào trạng thái chán nản, không biết bản thân thực sự cần gì.
Hà cho biết lúc đó, kinh doanh online đang là công việc hot. Cô được mẹ cho đi học thêm khóa học kinh doanh ở trung tâm. Sau đó, Hà tự làm việc độc lập. Vì làm một mình, cô gái trẻ dễ chán nản, không còn hứng thú như trước. Vì vậy, ở tuổi 20, Thúy Hà một lần nữa bỏ dở công việc, vào TP.HCM.
Lựa chọn này cho Hà trải nghiệm cuộc sống xa gia đình, tự làm việc, lo cho bản thân. Trong môi trường mới, nhiều điều lạ lẫm, cô phải làm quen với mọi thứ ở đây.
Phải mất đến một năm, sau khi nhận lời mời từ một người thân, Thúy Hà quyết định bắt đầu kinh doanh chung cửa hàng giày dép trên sàn thương mại điện tử. Dần dần, cửa hàng online đi vào ổn định, có những tệp khách hàng đầu tiên.
“Một năm đó, mình vẫn đi làm. Mình nhận làm công cho người nhà, đồng thời thử kinh doanh một số mặt hàng. Nhiều lần, mình muốn buông bỏ nhưng rồi vẫn cố gắng tiếp tục”, Hà kể.
Vì có 2 người làm, công việc lúc nào cũng bận rộn. Hà chủ động phân chia thời gian, lịch làm việc rõ ràng để cả 2 không bị quá tải.
“Người lấy hàng, đóng đơn, người xây dựng và phát triển shop, cũng như chia nhau các công đoạn chăm sóc khách hàng. Cuối cùng, mọi thứ cũng đi vào ổn định”, Hà chia sẻ.
Nguyễn Lưu cũng có sự chuyển đổi tích cực sau khi từ bỏ công việc với mức lương khá tại công ty về kỹ thuật. Anh chuyển sang làm cơ khí, sản xuất tại nhà máy. Công việc chủ yếu là nhận đơn đặt hàng từ khách hàng, làm ra sản phẩm.
Lưu cho biết công việc này giúp anh hiểu cách quản lý sản xuất, nâng cao được trình độ chuyên môn dù gặp không ít áp lực, mệt mỏi.
Tuy nhiên, kỹ sư 26 tuổi cho rằng chuyển sang môi trường mới là hành trình tìm kiếm những điều mới mẻ. Điều này tạo cho anh sự thích thú trong công việc, nhận ra ưu, khuyết điểm của mình, từ đó giúp bản thân có định hướng rõ ràng hơn trong tương lai.
"Thay vì cứ mãi an toàn, mình muốn bước ra khỏi vùng an toàn để có những va vấp trong đời. Mình tin như vậy, bản thân sẽ tự tin, tăng khả năng rèn luyện của bản thân nhằm chinh phục điều mình mơ ước", Lưu chia sẻ.