Ngày càng nhiều nhà hàng và quán cà phê trong các trung tâm mua sắm và giải trí của Seoul sử dụng đến robot, máy tính bảng và ứng dụng điện thoại để giảm bớt tình trạng thiếu nhân viên phục vụ, theo Chosun Ilbo.
Xung quanh ga tàu điện ngầm ở khu Gangnam, khu vực Đại học Hongik, Sinchon hay Đại học Hàn Quốc, hàng chục cửa hàng cà phê và quán ăn hiện dựa vào những hình thức tự động hóa này.
Một chủ quán rượu 28 tuổi ở phía nam thủ đô Seoul tiến hành lắp đặt máy tính bảng ở tất cả 17 quán trong quán. Khách hàng khi vào quán sẽ không có nhân viên order tận bàn mà mọi yêu cầu gọi món đều chuyển thẳng đến quầy bar và nhà bếp.
Chủ kinh doanh này ước tính anh phải trả khoảng 300.000 won/tháng để thuê dàn máy này.
“Tôi hiện có 4-5 nhân viên bán thời gian và trả cho họ khoảng 1 triệu won/tháng. Sau khi nhờ công nghệ trợ giúp, tôi có thể quản lý quán với chỉ 2-3 người phục vụ”, người này cho biết.
Một chủ nhà hàng ở phía tây nam Seoul bắt đầu sử dụng 3 robot phục vụ trong khoảng 3 tháng đổ lại.
“So với các con robot tự động này, việc ‘nuôi’ nhân viên tốn kém hơn, cũng mất công sức để giữ chân họ với công việc. Những nhân viên trong độ tuổi 20-30 bỏ việc sau 1-3 tháng. Hầu hết trong số họ không còn quan tâm đến các việc làm kiểu này", người này so sánh.
Sự ác cảm ngày càng tăng trong giới trẻ đối với những nghề phục vụ làm theo ca là nguyên nhân đáng kể cho xu hướng mới. Thay vì đi làm bán thời gian, người trẻ chuyển qua các công việc tự do như shipper giao hàng cho các ứng dụng đồ ăn, cho phép họ làm việc theo giờ giấc linh hoạt.
Tin tức về hiệu quả của robot tự động khiến nhiều chủ kinh doanh nhanh chóng làm theo.
Hai tháng trước, một chủ nhà hàng 26 tuổi ở Sinchon mang về một robot phục vụ. Kể từ đó, người này không còn thuê người làm mà tự làm mọi thứ trong quán, với sự trợ giúp của robot.
“Tôi mất 500.000 won để thuê chúng, rẻ hơn thuê người thật”, người này đồng quan điểm với hầu hết chủ quán khác.
Theo dự đoán, nhiều cửa hàng sẽ hoàn toàn vắng bóng nhân viên phục vụ trong thời gian tới. Năm ngoái, chỉ có một số ít cửa hàng tiện lợi và bán kem nhờ đến công nghệ để tiếp khách hàng. Năm nay, xu hướng này đã lan sang quán ăn, cửa hàng cà phê, tiệm giặt là, dịch vụ photocopy và thậm chí cửa hàng đồ chơi người lớn.
Một bên được hưởng lợi khác là các công ty bán robot hoặc cung cấp dịch vụ cho thuê.
Một công ty chuyên bán robot phục vụ tự động chứng kiến doanh số bán hàng tăng từ 50 con vào năm 2019 lên 1.400 con vào năm 2022. Một công ty khác bán máy tính bảng, chuyên dùng cho các đơn đặt hàng thực phẩm và đồ uống cũng ghi nhận mức doanh thu tăng 33% trong năm ngoái.
Mặt khác, không phải khách hàng nào cũng thấy hài lòng với sự thay đổi.
“Gần đây, tôi cùng gia đình đến một nhà hàng bán món thịt bò nướng. Nhiều món không lên đúng giờ. Robot phục vụ đã đâm vào một số khách hàng”, một khách hàng ở Incheon kể lại.
Một nhân viên văn phòng 25 tuổi phàn nàn rằng cửa hàng tiện lợi theo phong cách “không người lái” không hề khiến bản thân thấy tiện lợi hơn. "Tôi không quen với thiết bị này và thật bất tiện khi phải tự quét từng sản phẩm", cô nói.