Theo CNBC, lãi suất cao, các vấn đề về chuỗi cung ứng và nguy cơ suy thoái kinh tế là những thách thức lớn của ngành công nghiệp ôtô toàn cầu trong năm 2022. Đáng nói, các vấn đề đó sẽ không sớm biến mất.
Phố Wall lo ngại rằng thay vì tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong năm nay, năm 2023 sẽ chứng kiến nhu cầu bị phá hủy dù các vấn đề về nguồn cung đã giảm bớt.
"Nhu cầu trong thị trường xe sẽ bị tàn phá bởi lạm phát, lãi suất tăng cao và chi phí năng lượng", chuyên gia phân tích Daniel Roeska tại Bernstein bình luận.
Khi những hoạt động sản xuất xe tăng trở lại vào đầu năm tới, ông Daniel Roeska cho rằng các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao những vấn đề của các hãng xe.
Doanh thu có thể vẫn tăng
Không giống các đợt suy yếu của nền kinh tế trước đây, hầu hết nhà phân tích đều cho rằng doanh số bán xe tại Mỹ và trên toàn cầu sẽ tăng lên trong năm 2023.
Nguyên nhân chủ yếu là doanh số bán xe đã giảm mạnh tại Mỹ và các thị trường khác kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
Hơn nữa, đại dịch khiến các chuỗi sản xuất và cung ứng trên toàn cầu bị gián đoạn. Nhiều hãng xe buộc phải cắt giảm sản xuất.
Nguồn cung xe sẽ được cải thiện vào năm tới. Nhưng thay vì các rắc rối về cung, ngành công nghiệp lại đối mặt với những rắc rối mới phía cầu
Ông Jonathan Smoke - chuyên gia kinh tế trưởng tại Cox Automotive
"Nguồn cung xe sẽ được cải thiện vào năm tới. Nhưng thay vì các rắc rối về cung, ngành công nghiệp lại đối mặt với những vấn đề mới phía cầu", ông Jonathan Smoke - chuyên gia kinh tế trưởng tại Cox Automotive - cảnh báo.
"Đó không phải là tín hiệu tốt đối với doanh thu và lợi nhuận của ngành trong năm sau", ông nói thêm.
Cox Automotive dự báo doanh số bán xe mới của Mỹ là 14,1 triệu chiếc vào năm 2023, tăng nhẹ so với mức ước tính 13,7 triệu xe của năm nay.
Năm 2021 và 2020, doanh số bán xe tại Mỹ lần lượt là 15,1 triệu xe và 14,6 triệu xe.
Trong khi đó, S&P Global Mobility dự đoán doanh số bán xe mới trên toàn cầu sẽ đạt gần 83,6 triệu chiếc vào năm 2023, tăng 5,6% so với năm trước đó.
Còn ở Mỹ, doanh số bán xe được dự báo tăng 7% lên 14,8 triệu xe vào năm 2023. Trong năm nay, nhiều người đã từ bỏ ý định mua xe vì nguồn cung quá thấp và giá trên trời.
Nhưng lợi nhuận bị ảnh hưởng
Theo ông Chris Hopson tại S&P Global Mobility, người tiêu dùng sẽ trở nên dè dặt hơn bởi mức giá cao trong năm qua. Cùng với đó là mối lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế.
Trong cuộc họp tháng 12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 0,5 điểm phần trăm sau 4 lần tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm liên tiếp. Nhưng cơ quan này vẫn giữ quan điểm "diều hâu".
Trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh "vẫn cần nhiều bằng chứng hơn để tin rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững".
"Có thể cần duy trì chính sách thắt chặt trong một thời gian để bình ổn giá cả. Lịch sử đã cho những bài học lớn về việc nới lỏng chính sách quá sớm", ông nhấn mạnh.
Giới quan sát nhận định việc Fed tiếp tục giữ quan điểm "diều hâu" có thể kích hoạt một cuộc suy thoái. Lãi suất điều hành tăng cao cũng ảnh hưởng tới người tiêu dùng thông qua lãi suất vay thế chấp, lãi suất vay mua xe, lãi suất thẻ tín dụng...
"Nhu cầu xe khó có thể phục hồi về mức trước đại dịch", ông Hopson nhận định. Theo vị chuyên gia, hàng tồn kho và các chương trình ưu đãi sẽ là thước đo quan trọng để đánh giá nhu cầu.
Nói cách khác, lãi suất tăng cao, hàng tồn kho và những lo ngại về suy thoái gia tăng có thể buộc các hãng xe giảm giá, hay từ bỏ lợi nhuận, để thu hút người tiêu dùng.
Đó sẽ là tin tốt đối với người tiêu dùng. Họ đã phải đối mặt với mức giá cao kỷ lục trong năm nay. Nhưng các hãng xe và cổ đông sẽ là những người gánh chịu chi phí.