Trong khi đó, Ngân hàng Nhật Bản cuối cùng cũng phát tín hiệu về việc chấm dứt chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng của mình.
Dưới đây là những sự kiện tài chính đáng chú ý trên thị trường thế giới trong tuần từ ngày 18-22/12- tuần gần cuối cùng của năm 2023, cũng là những sự kiện có thể tác động lớn tới thị trường giai đoạn đầu năm 2024.
1/ Chính sách tiền tệ của Nhật Bản có thể sắp đảo ngược
Đang có nhiều đồn đoán rằng Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) có thể sớm thoát khỏi giai đoạn lãi suất âm, một lần nữa khiến họ trở thành trường hợp ngoại lệ khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu – trọng tâm là Fed – đang dần chuyển sang thời điểm cắt giảm lãi suất.
Có thể BOJ sẽ chưa đưa ra quyết định thay đổi ngay trong cuộc họp chính sách vào thứ Ba (19/12), nhưng họ sẽ họp lại vào tháng 1/2024, và cuộc họp tuần tới có thể được tận dụng để chuẩn bị cho việc thắt chặt tiền tệ.
Sự xoay trục được mong đợi từ lâu đó, cộng với xu hướng ôn hòa của Fed, đã kéo đồng yên Nhật tăng trở lại mức 141 JPY/USD lần đầu tiên kể từ tháng Bảy.
Tuy nhiên, việc chấm dứt nới lỏng tiền tệ có thể bị cản trở trong bối cảnh Thủ tướng Fumio Kishida thay 4 thành viên nội các, là những người ủng hộ kích thích kinh tế. Chỉ số Nikkei đã giảm so với hầu hết các chỉ số chứng khoán lớn khác trong tháng này.
2\Lạm phát của Mỹ đang suy yếu?
Các nhà đầu tư hy vọng chỉ số lạm phát quan trọng của Mỹ sẽ cho thấy áp lực giá tiêu dùng tiếp tục giảm bớt, sau khi Fed báo hiệu chiến dịch tăng lãi suất sắp kết thúc và việc cắt giảm lãi suất có thể diễn ra vào năm tới.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 11 được Fed công bố vào ngày 22 tháng 12 sẽ là một trong những dữ liệu quan trọng cuối cùng trong năm nay. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết việc thắt chặt chính sách tiền tệ lịch sử có thể đã kết thúc và cuộc thảo luận về việc cắt giảm lãi suất sắp được "xem xét".
Dữ liệu về niềm tin của người tiêu dùng, khi các nhà đầu tư đang cố gắng nhận định lãi suất tăng có thể ảnh hưởng như thế nào đến chi tiêu, cũng sắp được công bố. Liệu Fed có thể thiết kế một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng cho nền kinh tế Mỹ hay không là một chủ đề quan trọng được toàn bộ các thị trường rộng lớn quan tâm khi sắp bước sang năm 2024.
3/ Vàng lấp lánh
Vàng đang hướng tới mức tăng hàng năm đầu tiên kể từ năm 2020, được thúc đẩy bởi đồng đô la yếu đi và quan điểm cho rằng lãi suất và lạm phát sẽ đi theo cùng một chiều và sẽ giảm nhanh chóng vào năm 2024.
Vàng, thứ không mang lại lãi suất, có xu hướng hoạt động tốt hơn trong môi trường lãi suất thực - được điều chỉnh theo lạm phát – giảm.
Lợi suất thực tế trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng không ngừng kể từ đầu năm 2022, nhưng chuyển biến đặc biệt tích cực vào tháng 6, đẩy vàng trở lại mức cao gần kỷ lục. Tuy nhiên, giá vẫn thấp hơn khoảng 20% so với mức cao nhất mọi thời đại đã điều chỉnh theo lạm phát, trên 2.500 USD vào năm 1980.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi một loạt ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất vào năm tới, trong khi sự bất ổn về chính trị và kinh tế đang gia tăng - có khả năng báo trước một giai đoạn hấp dẫn cho các nhà đầu tư vàng.
4/ Chứng khoán tăng gần 2 tháng liên tiếp
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng mạnh trong tuần qua, với Dow Jones tăng 2,9%, Nasdaq tăng 2,8% và S&P 500 tăng thêm 2,5%. S&P 500 đã tăng 7 tuần liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2017 sau khi Chủ tịch Fed tỏ thái độ ôn hòa khi nói về chính sách tiền tệ.
Chứng khoán tăng cũng là xu hướng chung của toàn thế giới, với Nikkei của Nhật Bản tăng trên 25% từ đầu năm đến nay, trong khi S&P 500 tăng 23%, STOXX Europe tăng 12%, chỉ riêng chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 4,2%. Chỉ số MSCU World của toàn thế giới tăng 20% từ đầu năm đến nay.
5/ Vương quốc Anh chật vật với lạm phát
Lạm phát ở Anh đang ở mức cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% của Ngân hàng Anh (BoE). Dữ liệu mới nhất vào ngày 20 tháng 12 có thể xác nhận áp lực giá cả ở Anh vẫn cao so với các nền kinh tế lớn khác.
Đồng bảng Anh trong tháng này đạt mức cao nhất trong ba tháng so với đồng euro sau khi lạm phát khu vực đồng euro giảm mạnh, làm dấy lên suy đoán BoE sẽ mất nhiều thời gian hơn so với Ngân hàng Trung ương Châu Âu để đi đến thời điểm cắt giảm lãi suất.
Nhưng lãi suất cao cũng có thể đẩy nền kinh tế Anh, vốn được BoE dự đoán sẽ đi ngang vào suy thoái vào năm 2024, rơi vào suy thoái, nghĩa là sức mạnh của đồng bảng Anh không phải là sự đánh cược một chiều. Số phận của đồng bảng phụ thuộc vào việc BoE có tiếp tục phản ứng với xu hướng lạm phát hiện tại hay có quan điểm dài hạn hơn rằng sự yếu kém của nền kinh tế sẽ làm giảm tiền lương và giá cả.
Tham khảo: Reuters