Nền kinh tế toàn cầu dường như đang tránh được suy thoái, nhưng vẫn còn một số yếu tố không chắc chắn, đó là dữ liệu GDP của Trung Quốc, doanh số bán lẻ của Mỹ…
Dưới đây là những sự kiện tài chính trên toàn cầu diễn ra trong tuần 15 – 19/1:
1/ Trung Quốc công bố dữ liệu GDP chính thức
Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu chính thức về tăng trưởng GDP năm 2023 vào thứ Tư tới (17/1-mục tiêu của nước này là tăng trưởng GDP đạt 5% trong năm 2023). Việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có đạt mục tiêu hay không đến nay vẫn là vấn đề đang được bàn cãi. Thách thức lớn hơn nữa là làm thế nào để Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng tương tự trong năm 2024. Một số đề xuất đã được đưa ra để Bắc Kinh đạt được mục tiêu này, trong đó đáng chú ý là đề xuất sử dụng các công cụ chính sách để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng hợp lý.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc đã gần chạm mức thấp nhất 4 năm và đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tháng, khi thị trường suy đoán về việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất ngay vào thứ Hai tới (15/1).
2/ Diễn đàn Kinh tế Thế giới
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên lần thứ 54 sẽ diễn ra tại khu nghỉ mát trượt tuyết Davos của Thụy Sĩ từ ngày 15 đến ngày 19/1. Lãnh đạo các ngân hàng trung ương, các chuyên gia tài chính và lãnh đạo doanh nghiệp sẽ thảo luận về bức tranh kinh tế toàn cầu đầy thách thức, sự thay đổi chính sách tiền tệ và mức nợ gia tăng.
Họ sẽ cố gắng tìm kiếm câu trả lời về cách điều hướng các vấn đề địa chính trị phức tạp bao gồm xung đột ở Ukraine và Gaza. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo chủ chốt ở Trung Đông sẽ tham dự.
Một sự kiện quan trọng là Cuộc họp kín của các Thống đốc Dịch vụ Tài chính vào ngày 17 tháng 1, sẽ quy tụ 100 chủ tịch và CEO từ ngân hàng, thị trường, bảo hiểm và quản lý tài sản.
Một cuộc khảo sát riêng do WEF công bố cho thấy thời tiết cực đoan và thông tin sai lệch sẽ là những rủi ro có nhiều khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu trong vài năm tới.
3/ Đài Loan (Trung Quốc) mở màn cho chuỗi các cuộc bầu cử trên toàn cầu năm 2024
Năm 2024 sẽ là một trong những năm bận rộn bởi nhiều cuộc bầu cử nhất từ trước tới nay, khi các quốc gia chiếm tổng cộng hơn 60% sản lượng kinh tế thế giới và hơn một nửa dân số toàn cầu sẽ tiến hành bầu cử.
Sáng 13/1, cử tri và các ứng viên tranh cử ở Đài Loan (Trung Quốc) đã đi bỏ phiếu bầu tân lãnh đạo thay bà Thái Anh Văn, cũng như các vị trí lãnh đạo địa phương và lập pháp.
Mỹ, Anh, Nga, Nam Phi, Ấn Độ và Indonesia chỉ là một số trong hơn 20 quốc gia/lãnh thổ sẽ tiến hành bầu cử trong năm nay.
Lịch bầu cử dày đặc đã làm dấy lên lo ngại rằng biến động trên thị trường tài chính có thể tăng cao và kỷ luật tài chính có nguy cơ gặp rủi ro khi triển vọng tăng trưởng bị cản trở bởi mức nợ cao kỷ lục.
4/ Thực trạng thị trường tiêu dùng Mỹ
‘Sức khỏe’ của thị trường tiêu dùng Mỹ sẽ được thể hiện thông qua dữ liệu về doanh số bán lẻ và về thu nhập của lĩnh vực ngân hàng.
Mỹ sẽ công bố số liệu về doanh số bán lẻ vào ngày 17 tháng 1, dự kiến sẽ cung cấp cái nhìn sơ lược về chi tiêu của người tiêu dùng và đưa ra bằng chứng về khả năng phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới trước việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản kể từ năm 2022.
Các dấu hiệu về việc người tiêu dùng Mỹ vẫn chi tiêu mạnh tay có thể làm suy yếu kỳ vọng về việc nền kinh tế này hạ cánh nhẹ nhàng – yếu tố đã giúp thúc đẩy cổ phiếu tăng 24% giá trị trong năm 2023. Các nhà kinh tế được Reuters khảo sát ước tính doanh số bán lẻ của Mỹ tăng 0,3% hàng tháng trong tháng 12, phù hợp với mức tăng của tháng 11.
Các nhà đầu tư cũng muốn biết các tổ chức tài chính lớn sẽ nói gì về người tiêu dùng và hoạt động của chính họ, trong số đó có Goldman Sachs và Charles Schwab.
5/ Dữ liệu lạm phát của Anh
Dữ liệu chính thức về giá tiêu dùng của Vương quốc Anh có thể đúng như dự kiến và là điều mà các quan chức và chính trị gia của Ngân hàng Trung ương Anh hy vọng: mức giảm đủ nhiều để Ngân hàng trung ương Anh tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.
Với lạm phát chung ở mức 3,9%, Vương quốc Anh không còn là một ngoại lệ nữa so với các quốc gia phát triển khác - một diễn biến đáng mừng đối với một chính phủ dự kiến sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay. Tuy nhiên, lạm phát của Anh đã tăng gần 21% kể từ năm 2020, cao hơn rất nhiều so với lạm phát của bất kỳ nền kinh tế G7 khác nào, và là mức cao nhất trong khu vực Tây Âu. Đồng bảng Anh đã có một khởi đầu năm 2024 thuận lợi khi giá tương đối vững chắc, được hỗ trợ bởi sự gia tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Anh. Dữ liệu lạm phát sẽ công bố vào ngày 17/1, nếu cho thấy sự sụt giảm sẽ cản trở đồng bảng Anh tăng giá.
Tham khảo: Reuters