Dưới đây là những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 30/10 - 3/11:
1/ Ngân hàng Nhật Bản sẽ họp ngày 31/10:
Hoàn toàn có khả năng Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) có xu hướng gây bất ngờ, khiến ngày thứ Ba Halloween (31/10) trở thành thời điểm thích hợp để BOJ công bố chính sách của mình.
Những biến động trên thị trường trái phiếu toàn cầu trong tháng 10 đã khiến cuộc họp của BOJ trở nên đáng chú ý hơn, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt đã giúp đẩy lợi suất trái phiếu Nhật Bản lên mức cao nhất trong vòng một thập kỷ, kéo dài trong hơn một tuần.
Mặc dù mức lợi suất cao nhất, là 0,885%, vẫn thấp hơn mức trần chính sách 1% của BOJ, nhưng điều đó một phần là do ngân hàng trung ương Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường bằng các hoạt động khẩn cấp trung bình khoảng hai lần một tuần. Hoán đổi chỉ số qua đêm (Overnight index swaps) đã tăng tới 1,0863% trong những ngày gần đây, cho thấy rõ ràng hơn về sự nóng lên của thị trường trái phiếu Nhật Bản khi BOJ không can thiệp.
Thống đốc BOJ, ông Kazuo Ueda, khẳng định ngân hàng trung ương sẽ có cách tiếp cận kiên nhẫn để loại bỏ các kích thích, nhưng thị trường vẫn còn nhớ những phát ngôn của ông từ cuối tháng 7 về việc duy trì chính sách hỗ trợ - chỉ vài ngày trước khi bất ngờ điều mức trần lợi suất gần đây nhất.
2/ Báo cáo kết quả thu nhập của các công ty lớn nhất thế giới
Apple khởi động một tuần bận rộn khi đi đầu trong số các doanh nghiệp Mỹ báo cáo kết quả thu nhập. Theo đó, nhà sản xuất iPhone sẽ báo cáo vào thứ Năm (2/11).
Cổ phiếu của Apple, công ty lớn nhất tính theo giá trị thị trường, đã giúp đẩy tăng chỉ số chứng khoán các công ty công nghệ và các doanh nghiệp có vốn hóa lớn khác của Mỹ. Nhưng thị trường chứng khoán đã giảm mạnh kể từ cuối tháng 7 – thời điểm S&P 500 đạt mức cao nhất vào năm 2023.
Kết quả thu nhập của các công ty có vốn hóa lớn (megacaps) đã gây ra phản ứng trái chiều, với cổ phiếu của Alphabet và Tesla sụt giảm sau các báo cáo của họ.
Thực trạng thói quen chi tiêu của người tiêu dùng cũng sẽ được thể hiện khi các công ty khác chuẩn bị báo cáo, bao gồm McDonald's vào thứ Hai (30/10), Caterpillar và Pfizer vào thứ Ba (31/10), Mondelez vào thứ Tư (1/11), Starbucks và Eli Lilly vào thứ Năm (2/11).
3/Yếu tố Fed
Ngoài thị trường chứng khoán Mỹ, trọng tâm chú ý của thị trường cũng sẽ tập trung vào cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed vào thứ Tư (1/11), khi các nhà đầu tư mong muốn được nghe quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ về tình trạng nền kinh tế và triển vọng lãi suất.
Hiện hầu hết các nhà giao dịch không nghĩ rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng chi phí đi vay, mặc dù một số người tin rằng việc tăng lãi suất có thể sẽ xảy ra khi ngân hàng trung ương họp lại vào tháng 12.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn có ý định giữ lãi suất quanh mức hiện tại cho đến hết năm tới, điều sẽ khiến suất trái phiếu Kho bạc - vốn đã leo lên mức cao nhất trong hơn 15 năm - tăng thêm, góp phần khiến S&P500 bị bán tháo mạnh.
Chỉ số này đã giảm hơn 10% kể từ khi đạt mức cao nhất một năm vào cuối tháng 7, mặc dù vẫn tăng gần 8% trong năm.
4/ Ngân hàng trung ương họp chính sách trong thế tiến thoái lưỡng nan.
Cần bao nhiêu nhà hoạch định chính sách để quyết định mức lãi suất khi lạm phát vẫn cao và nền kinh tế đang đi ngang? Câu trả lời trong trường hợp của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) là 9, và họ sẽ tập hợp thành một ủy ban vào ngày 2 tháng 11 cho cuộc họp cuối cùng của năm 2023.
Trước cuộc họp đầu tiên của MPC, vào năm 2023, lạm phát ở mức 10,1%, GDP cho thấy mức tăng trưởng 1% so với cùng kỳ năm trước và lãi suất ở mức 3,5%. Đến thời điểm hiện tại, tốc độ tăng trưởng hàng năm của Anh đã giảm một nửa, lãi suất ở mức 5,25% và lạm phát vẫn ở mức cao 6,7% - cao hơn nhiều so với mức 4,3% ở khu vực đồng euro và 3,7% ở Mỹ.
BoE, giống như các ngân hàng trung ương khác, rất muốn truyền tải thông điệp rằng lãi suất sẽ không giảm sớm. Hiện tại, thị trường khá chắc chắn việc BoE sẽ có về ít nhất một hoặc hai đợt cắt giảm lãi suất vào năm tới.
Có thể phải có một số cuộc thương thảo khó khăn để thay đổi điều đó.
5/ Tiền điện tử tỏa sáng
Bitcoin gần đây đã có tăng ngoạn mục khi các nhà giao dịch trở nên hào hứng với khả năng Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ có thể phê duyệt đơn đăng ký quỹ ETF bitcoin giao ngay.
Đầu tháng này, bitcoin đã tăng vọt sau một báo cáo sai lệch rằng đơn đăng ký ETF của BlackRock đã được phê duyệt. Tuần trước, danh sách ETF theo kế hoạch của BlackRock trên trang web của cơ quan thanh toán bù trừ đã khiến các nhà đầu cơ vui mừng đến phát điên - ngay cả sau khi Trung tâm thanh toán bù trừ (Clearing house) cho biết đây chỉ là thông theo quy định đối với các đơn đăng ký đang chờ xử lý chứ không phải là dấu hiệu của bất kỳ sự chấp thuận nào theo quy định.
Tuy nhiên, tiền điện tử đang giao dịch ở mức khoảng một nửa mức đỉnh cao 69.000 USD đã đạt được vào tháng 11 năm 2021.
Trong khi đó, phiên tòa xét xử vụ gian lận của Sam Bankman-Fried, người sở hữu công ty tiền điện tử FTX đã sụp đổ một năm trước, đang thu hút những người theo dõi tiền điện tử trên toàn cầu.
Tham khảo: Refinitiv