K-Pop là “cỗ máy in tiền”, đóng góp lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc
Thực tế, nền kinh tế Hàn Quốc không chỉ lớn mạnh nhờ công sức của các tập đoàn như Samsung, LG hay Hyundai,...mà còn nhờ một vũ khí được mệnh danh là “quyền lực mềm” - làn sóng các ca sĩ thần tượng.
Hiện nay, ngành giải trí Hàn Quốc không chỉ nổi tiếng trong khu vực mà còn bùng nổ khắp toàn cầu.
Vào đầu thế kỷ 21, làn sóng Hallyu (làn sóng giải trí Hàn Quốc) nổi lên như một hiện tượng làm bùng nổ khắp châu Á. Và một trong những lĩnh vực đóng góp nhiều cho nền kinh tế cũng như góp phần truyền tải hình ảnh quốc gia đến với bạn bè quốc tế chính là ngành công nghiệp Idol K-pop thuộc làn sóng này. Thậm chí, các nhóm nhạc thần tượng còn được mệnh danh là “cỗ máy in tiền” của xứ sở kim chi.
Theo thống kê trên International Socioeconomics Laboratory, trong suốt 30 năm, K-pop đã phát triển vượt bậc. Không chỉ mức độ phổ biến của các nhóm nhạc tăng lên mà nền kinh tế Hàn Quốc cũng được thúc đẩy rất lớn. Giáo sư Kim Seiwan từ Đại học nữ Ewha từng nói rằng dựa trên ước tính chính thức, K-Pop tạo ra trung bình khoảng 10 tỷ USD cho đất nước mỗi năm (hơn 236 nghìn tỷ đồng).
Ngoài ra, trong một báo cáo dữ liệu từ viện nghiên cứu Hyundai, nhóm nhạc thần tượng BTS cũng từng đóng góp vào GDP Hàn Quốc tương đương với hãng hàng không quốc gia Korean Air. Vào năm 2019, nhóm nhạc này còn đem về hiệu quả kinh tế lên tới 5.560 tỷ won (khoảng 4,5 tỷ USD) cho Hàn Quốc.
Chưa hết, theo trang web Startup talky, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước này cũng đã tiến hành một nghiên cứu tổng quát và chỉ ra rằng doanh thu từ một bản hit của BTS có thể mang lại khoảng 8.000 việc làm cho người dân trong Đại dịch COVID-19.
Hay bài hát nổi tiếng thế giới “Gangnam Style” của nghệ sĩ Psy đã tạo ra khoảng 8 triệu USD doanh thu trên YouTube khi phát hành vào năm 2012.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia, Hallyu còn hỗ trợ nền kinh tế Hàn Quốc bằng cách thúc đẩy xuất khẩu. Đặc biệt, một báo cáo chỉ ra rằng, hàng hóa có liên quan đến KPop đã đóng góp đáng kể vào xuất khẩu và đạt doanh thu lên mức 114,5 triệu USD.
KPop cũng đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế của đất nước thông qua quảng cáo. Ví dụ như video quảng bá giữa hãng hàng không Korean Air và nhóm nhạc SuperM - đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh của hãng hàng không này. Được biết, vào năm 2020, doanh thu của Korean Air đạt 11,2 tỷ USD.
Nhóm nhạc nữ BLACKPINK có ảnh hưởng như thế nào?
Một trong những nhóm nhạc thần tượng Kpop hàng đầu hiện nay là BlackPink. Nhóm có tốc độ “cá kiếm” khiến nhiều người ngỡ ngàng và đóng góp không nhỏ cho hoạt động du lịch hay thương mại của nhiều nước trên thế giới.
Thời gian gần đây, BLACKPINK đã tổ chức concert BORN PINK tại nhiều quốc gia và gây được tiếng vang lớn. Từ tháng 10/2022 đến nay, nhóm cũng đã bán được khoảng hơn 904 nghìn vé trên toàn cầu và doanh thu lên đến 163,8 triệu USD (khoảng 3.853 tỷ đồng).
Đạt được nhiều cột mốc “kinh tế”, vậy, BLACKPINK đã đem lại những lợi ích gì cho các nước khác ngoài Hàn Quốc?
Có thể lấy ví dụ, trong một lần Lisa - thành viên nhóm nhạc BLACKPINK mặc trang phục Thái Lan truyền thống, các cửa hàng thuê quần áo của quốc gia này đã ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm của du khách. Một chủ cửa hàng cho biết, doanh số bán hàng của họ đã tăng vọt sau khi bức ảnh mặc trang phục truyền thống của Lisa lan truyền trên mạng.
Một người bán hàng khác cũng cảm ơn ngôi sao vì đã khiến trang phục truyền thống của Thái Lan được nhiều người chú ý, giúp công việc kinh doanh của cô tốt đẹp hơn.
Hay tờ Postsen Thailand cũng đưa tin rằng, đại diện Tổng cục du lịch Thái Lan (TAT) cho biết nhóm nhạc nữ BLACKPINK được coi là một phần quan trọng, có thể giúp quảng bá Thái Lan như một “địa điểm của âm nhạc”.
Vì vậy, các concert của họ có khả năng tạo ra thu nhập quay vòng cho ngành du lịch nói riêng hay kinh tế Thái Lan nói chung. Cụ thể, du lịch Thái Lan đã kiếm được 20-30 triệu USD từ buổi biểu diễn của BLACKPINK được tổ chức vào tháng 1 năm nay.
Chưa hết, khi nữ thần tượng Lisa tham dự chương trình truyền hình Woody Show của Thái, cô chia sẻ bản thân thích ăn món thịt viên của quê nhà. Chỉ một lời nói thoáng qua, doanh số bán món ăn này tại Thái Lan đã tăng lên một cách chóng mặt.
Có 2 chủ quán thịt viên tiết lộ, trước khi Lisa xuất hiện trên “Woody Show”, họ chỉ bán được khoảng vài trăm baht mỗi ngày (100 baht tương đương khoảng 67.000 đồng). Tuy nhiên, từ khi có Lisa, họ đã nâng tổng doanh thu lên tới 10.000 bath (hơn 6,7 triệu đồng) với hàng nghìn đơn đặt hàng mỗi ngày.
Với thành viên Jennie, nhiều thông tin cho rằng cổ phiếu của Manchester United đã tăng sau khi thành viên này mặc chiếc áo của câu lạc bộ trong video âm nhạc “Pink Venom”.
Vào năm 2021, trang thương mại điện tử chuyên các sản phẩm cao cấp Hàn Quốc MUSTIT cho biết nhờ ảnh hưởng của thành viên Jisoo, các sản phẩm của Dior trong bộ sưu tập thu đông năm ấy đã liên tục cháy hàng và thậm chí doanh số của hãng còn tăng 484%.
Chưa hết, theo Bazaar Vietnam, dù chỉ xuất hiện chóng vánh ở LHP CANNES, thành viên Rosé của nhóm cũng đã tạo ra giá trị truyền thông lên tới 6,6 triệu USD.
Có thể nói, Kpop hay nhóm nhạc BLACKPINK đang có sức ảnh hưởng lớn trong hệ thống giải trí toàn cầu. Tại thị trường Malaysia, tờ Warga biz nhận định rằng các buổi concert và lễ hội âm nhạc không chỉ đem về doanh thu khổng lồ từ việc bán vé mà còn tạo thêm thu nhập thông qua việc bán hàng hóa, thực phẩm và đồ uống.
Các buổi concert như của BLACKPINK - sự kiện thu hút hàng ngàn khách du lịch từ các nước khác - cũng giúp họ truyền bá nền văn hóa của Malaysia.
Ngoài ra, sự gia tăng lượng du khách này có thể mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế địa phương khi họ chi tiền cho nơi ở, phương tiện đi lại và giải trí. Đặc biệt, các buổi hòa nhạc và lễ hội có thể tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Với thị trường Singapore, theo The Straits Times, nước này đã thu về hơn 35 triệu USD từ buổi biểu diễn của Blackpink vào tháng 5 vừa rồi.
Còn tại thị trường Việt Nam, Agoda cho biết khi có thông tin về concert BLACKPINK tại Hà Nội vào hai ngày 29-30/7, lượng tìm kiếm phòng ở tại Hà Nội đã tăng vọt. Lượng tìm kiếm đến từ nước ngoài cũng tăng 2,5 lần, phổ biến là ở các thị trường Trung Quốc, Philippines, Malaysia hay Campuchia,...
Trong ngày 7/7/2023, khi concert BLACKPINK tại Hà Nội chính thức mở bán vé, không chỉ có sự cạnh tranh giữa các fan hâm mộ Việt mà người nước ngoài cũng “đổ xô” để mua được “tấm vé vàng”. Theo khảo sát trên Twitter, có rất nhiều fan đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia,...đã mua thành công.
Nhiều người cũng chia sẻ bản thân dự định sẽ đến xem concert BLACKPINK, đồng thời kết hợp du lịch Hà Nội hoặc các tỉnh trực thuộc Việt Nam. Dự kiến, sự kiện này sẽ đem đến doanh thu không nhỏ cho ngành du lịch nói chung hay các khách sạn, homestay, cửa hàng cung cấp thực phẩm và dịch vụ nói riêng. Được biết, giá vé concert BLACKPINK tại Hà Nội dao động từ 1,2 triệu đồng - 9,8 triệu đồng.
Nhìn chung, văn hóa KPop hay các nhóm nhạc thần tượng không chỉ giúp truyền tải văn hóa mà còn hỗ trợ thúc đẩy du lịch và kinh tế.