Tự động hóa (automation), trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần chiếm phần lớn trong hoạt động kinh doanh bán lẻ xa xỉ và đó cũng là thách thức được dự báo trong năm 2023. Cùng với đó là các công nghệ khác như 5G, chuỗi khối (blockchain), đám mây và Internet vạn vật (IoT)… Tất cả chúng đều đang thúc đẩy sự thích nghi của ngành tiêu dùng. Đáp lại, các thương hiệu cần đảm bảo tính cập nhật trong việc sử dụng công nghệ và trình độ, kỹ năng của nhân viên để cung cấp một trải nghiệm số liền mạch cho khách hàng.
Trí tuệ nhân tạo và metaverse
Mặc dù chịu tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19 và bất ổn của tình hình thế giới, nhưng ngành xa xỉ phẩm một lần nữa cho thấy tiềm năng và sức phục hồi vượt bậc của nó. Kết quả nghiên cứu của Statista cho thấy trong năm 2022, thị trường xa xỉ phẩm toàn cầu đạt 312,60 tỷ USD, gần như phục hồi hoàn toàn so với giai đoạn trước dịch. Dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 5,4% và cán mốc 352,84 tỷ USD vào năm 2027.
Báo cáo các xu hướng công nghệ năm 2022 của McKinsey đi sâu phân tích tác động của công nghệ AI trong ngành xa xỉ phẩm. Qua đó cho thấy nhiều giải pháp công nghệ đã được sử dụng để giúp các nhà bán lẻ giảm chi phí và ngày càng lôi kéo nhiều khách hàng hơn.
Doanh nghiệp có thể dự đoán hành vi của người mua hàng và tối ưu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng từ quản lý và dự báo hàng tồn kho đến lập kế hoạch tại nơi làm việc. Quy mô thị trường AI trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu ước đạt 4,84 tỷ USD trong năm 2021, dự kiến sẽ tăng lên 31,18 tỷ USD vào năm 2028.
Thậm chí, các công ty thời trang và công nghệ, bao gồm Siemens của Đức và Levi’s của Mỹ đã bắt tay vào phát triển một loại robot có thể thay thế con người để may quần jeans. “Ý tưởng sử dụng robot để đưa nhiều hoạt động sản xuất may mặc từ nước ngoài trở về Mỹ đã có thêm động lực trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi chuỗi cung ứng tắc nghẽn, làm nổi bật những rủi ro khi phụ thuộc vào các nhà máy ở xa”, Eugen Solowjow, người đứng đầu một dự án tại phòng thí nghiệm của Siemens ở San Francisco (Mỹ), cho biết.
“Khi cả thế giới quan tâm đến tính bền vững, sự phát triển vượt trội của các nền tảng công nghệ và sự thay đổi thói quen của người dùng đã biến khái niệm xa xỉ phẩm trở nên thú vị và khác biệt”, Tiến sĩ Federica Carlotto, giảng viên kinh doanh ngành hàng xa xỉ tại Học viện Nghệ thuật Sotheby’s, chia sẻ tới tờ WSJ.
Theo dự đoán, đến năm 2026, thế hệ Z (Gen Z), gồm những người sinh ra trong khoảng 1997-2012, sẽ chiếm 1/5 khách hàng của các thương hiệu xa xỉ. Để tiếp cận thế hệ tiêu dùng này, các thương hiệu đang tập trung đổi mới công nghệ cũng như đầu tư vào NFT hay ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường để tăng trải nghiệm của người dùng.
Chẳng hạn, Balenciaga biến bộ sưu tập Thu Đông 2021 – Afterworld: The Age of Tomorrow thành màn trình diễn tương tác trong vũ trụ ảo. Gucci và The North Face hợp tác cùng Pokemon-Go cung cấp một số NFT độc quyền. Burberry phát trực tuyến show diễn Summer Spring 2021 trên nền tảng trò chơi Twitch...
Các hãng xa xỉ nhận định Metaverse tạo ra những trải nghiệm thú vị và ý nghĩa cho người dùng, chứ không chỉ xem đây là nơi để quảng cáo. Morgan Stanley dự đoán Metaverse và NFT là cơ hội giúp các thương hiệu xa xỉ đạt doanh thu hàng năm 50 tỷ Euro, mang lại mức tăng trưởng 25% cho lợi nhuận của ngành vào năm 2030...