Hàng loạt đèn chiếu sáng ở các thành phố phương Tây chuyển sang màu đỏ tía và đằng sau nó là lời cảnh báo về ngành công nghệ cũng như chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Tờ Business Insider (BI) cho biết trong những ngày gần đây, thành phố Vancouver có nhiều điểm biến thành màu đỏ tía khi ánh đèn đường không ra vàng mà cũng chẳng phải màu trắng. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại cho cả ngành công nghiệp đèn chiếu sáng nói riêng và chuỗi cung ứng công nghệ nói chung.
Trên thực tế, câu chuyện này không diễn ra ở riêng Vancouver mà còn ở vô số nơi khác, từ Winconsin, North Carolina, Florida, New Mexico, California cho đến Ireland.
“Hiện tượng này bắt đầu xuất hiện diện rộng từ 2 năm trước đây. Người dân liên tục gọi điện hỏi phải chăng đang có trang trí cho lễ hội hay có sự kiện gì mà đèn đường đổi màu như vậy”, đại diện Jeff Brooks của hãng Duke Power Carolina cho biết.
Hiện tượng chuyển màu này diễn ra ở 1% lượng đèn đường quản lý bởi Duke Power, tương đương 5.000 cột đèn.
Thế nhưng đèn đường sẽ không đổi màu và nguyên nhân đằng sau đó là cả một câu chuyện dài liên quan đến cuộc cách mạng đèn LED.
Màu trắng không phải...màu trắng
Trong khoảng 300 năm từ năm 1500-1800, chi phí thắp sáng đèn đường thường rất tốn kém khi người dân dùng nến, dầu cá voi hay than. Kể từ năm 1800 trở đi, mức chi phí này giảm mạnh nhờ cuộc cách mạng công nghệ khi đèn đường dùng khí ga bắt đầu được phổ biến.
Một thế kỷ sau, đèn điện bắt đầu phổ biến, từ đèn hồ quang, đèn sợi đốt, đèn neon cho đến đèn huỳnh quang. Thế nhưng vài năm trở lại đây, đèn LED mới là xu thế của thời đại vì chúng không nóng lên khi chiếu sáng. Những chiếc đèn LED biến điện năng thành ánh sáng trực tiếp mà không thông qua bước trung gian nào, biến đổi từ Electron thành Photon.
Nhờ sự tiết kiệm và thân thiện với môi trường đó mà ngành đèn LED hiện có tổng giá trị khoảng 20 tỷ USD trên toàn cầu.
Vào cuối thập niên 2000, hàng loạt các thành phố trên thế giới như Vancouver đã bắt đầu đổi đèn đường sang đèn LED với ánh sáng trắng. Thế nhưng không phải màu trắng từ ánh đèn nào cũng giống nhau.
Thí nghiệm của Isaac Newton vào năm 1665 cho thấy màu trắng không hề “nguyên chất” mà nó là tổng hợp của một dải quang phổ 7 màu cơ bản: đỏ, da cam, vàng, xanh lá cây, xanh nước biển, chàm, tím.
Vậy nhưng các doanh nghiệp làm đèn không cần thiết phải tổng hợp cả 7 màu trên mà chỉ cần trộn lẫn 3 màu đỏ, xanh lá cây và xanh nước biển để khiến mắt chúng ta nhìn thấy là màu trắng.
Vấn đề ở đây là màu đỏ và xanh lá cây bằng đèn LED đã được sử dụng từ giữa thế kỷ 20, nhưng màu xanh nước biển cho đèn LED lại là vấn đề mà phải mãi về sau mới giải quyết được. Ông Shuji Nakamura, người giải quyết cho vấn đề này đã đoạt giải thưởng Nobel năm 2014.
Đi cùng với sự phát triển của màu xanh nước biến cho đèn LED là cả một công nghệ mới khiến các doanh nghiệp không phải tốn thêm chi phí tạo ra màu đỏ và xanh lá cây nữa. Một chiếc đèn LED xanh nước biển trong một thấu kính bằng gốm và thủy tinh, được tẩm phốt pho màu vàng sẽ cho ra ánh sáng trắng mà chúng ta nhìn thấy.
Đây được đánh giá là một bước tiến đột phá trong công nghệ tạo đèn LED khi hạ thấp giá thành và sản xuất được hàng loạt ra toàn cầu. Thế nhưng từ đây, một mối hiểm họa khác lại nảy sinh liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Chuỗi cung ứng
Trong 10 năm qua, hãng Acuity Brands là thương hiệu thống trị thị trường Mỹ về đèn LED và phần lớn đèn đường tại đây đến từ thương hiệu phụ của hãng là American Electric Lighting (AEL). Người phát ngôn Neil Egan của Acuity cho biết những chiếc đèn đổi màu đỏ tía là do một số lượng nhỏ sản phẩm của AEL để lâu không được bán trong vài năm trước khi đưa vào sử dụng.
Thế nhưng theo tờ BI, nguyên nhân chính được nhiều chuyên gia nhận định là do nhiệt độ. Lớp tráng phốt pho trên đèn LED khá nhạy cảm với thay đổi nhiệt độ nên chỉ cần một chút sai lầm hoặc không đạt tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất cũng sẽ khiến đèn LED bị lỗi. Khi cấu trúc hóa học của lớp phốt pho bị thay đổi hoặc bị bong ra khiến ánh sáng xanh nước biển lọt ra ngoài, chúng ta sẽ chứng kiến hiện tượng đèn đường đổi sang màu đỏ tía hoặc biến màu liên tục chẳng khác sàn nhảy.
Cũng theo BI, nhà máy của Acuity thuê ngoài (Outsourcing) cho một đơn vị thứ 3 tại Châu Á sản xuất và họ chỉ lắp ráp. Như một hệ quả tất yếu, những đối tác thứ 3 này cố gắng tăng sản lượng, giảm chi phí để cạnh tranh và đi đôi với đó là hạ chất lượng sản phẩm.
“Các công ty thường chẳng biết mình mua phải cái gì đâu. Họ chỉ nhìn vào giá và đây là thực trạng chung của chuỗi cung ứng toàn cầu”, Giám đốc Michael Pecht của Trung tâm kỹ thuật tiên tiến CALCE nói.
Tất nhiên, những chiếc đèn LED giá rẻ có thể dễ dàng thay thế và câu chuyện đổi màu đèn đường dường như không phải là vấn đề. Vậy nhưng tờ BI đặt câu hỏi nếu là thiết bị khác như điện thoại, tivi, máy móc y tế... thì liệu câu chuyện có được chú ý nhiều hơn?
*Nguồn: BI