Năm qua, hầu hết các thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Dựa trên dữ liệu từ S&P Dow Jones Indices, đồ thị thông tin dưới đây gồm các thị trường cổ phiếu có vốn hóa ít nhất 1 nghìn tỷ USD.
Dữ liệu này được tính theo phương pháp của chỉ số S&P Global Broad Market Index (BMI) bao gồm hơn 14.000 cổ phiếu tại các thị trường cổ phiếu phát triển và mới nổi tới ngày 29/2/2024.
Theo đó, Mỹ tiếp tục là thị trường cổ phiếu lớn nhất thế giới với giá trị vốn hóa 52,6 nghìn tỷ USD, tăng hơn 6 nghìn tỷ USD so với mức 46,2 nghìn tỷ USD tại thời điểm ngày 29/2/2023.
Trong đó, nhóm 7 cổ phiếu công nghệ lớn nhất tại Mỹ (Magnificent 7) có tổng giá trị vốn hóa 13,1 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 25% thị trường. Con số này lớn hơn vốn hóa của tất cả các thị trường cổ phiếu trên thế giới. Trong năm qua, Magnificent 7 ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể nhờ cổ phiếu Nvidia. Nhờ cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI), Nvidia lọt vào "câu lạc bộ" công ty có giá trị vốn hóa hơn 2 nghìn tỷ USD.
Sau Mỹ, ba vị trí tiếp theo đều nằm ở châu Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Đáng chú ý, giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu Trung Quốc không thay đổi đáng kể với 11,5 nghìn tỷ USD.
Nền kinh tế tụt dốc sau đại dịch Covid-19 cùng với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài là những nhân tố khiến thị trường cổ phiếu Trung Quốc vừa trải qua một năm khó khăn. Dù triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế vẫn còn ảm đạm, áp lực bán tháo trên thị trường cổ phiếu Trung Quốc gần đây đã giảm bớt nhờ các biện pháp bình ổn của nhà chức trách. Tuy nhiên, so với mức đỉnh năm 2021, vốn hóa thị trường cổ phiếu Trung Quốc đã giảm khoảng 6 nghìn tỷ USD.
Trong khi đó, vốn hóa thị trường cổ phiếu Ấn Độ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Vốn hóa của các công ty niêm yết trên các sàn giao dịch cổ phiếu Ấn Độ đã tăng thêm khoảng 1 nghìn tỷ USD trong vòng chưa đầy 3 năm. Theo đó, quốc gia Nam Á là một một trong những thị trường cổ phiếu mới nổi tăng trưởng tốt nhất thế giới.