Bộ sưu tập đá quý không qua khai thác mới nhất sẽ ra mắt ở Bắc Mỹ trong tháng này. Các sản phẩm được hy vọng sẽ thu hút những người mua sắm trẻ tuổi bằng những viên đá rẻ hơn và bền vững hơn. Trong tuyên bố của mình, Pandora nhấn mạnh: “Việc chuyển đổi thị trường sang trang sức kim cương nhân tạo sẽ tạo ra các sản phẩm có giá trị bền vững, với mức giá cả phải chăng hơn.”
Những viên đá quý mới của Pandora sẽ được tạo ra bằng công nghệ CVD trong đó hỗn hợp khí hydrocacbon được làm nóng đến 800 độ C, thúc đẩy các nguyên tử cacbon lắng đọng trên một viên kim cương “hạt giống”, phát triển thành từng lớp tinh thể. Trong đó, có những chiếc nhẫn bạc với kim cương 0,15 carat trị giá 300 USD hoặc là nhẫn vàng nguyên khối giá 1.950 USD.
Theo nghiên cứu của Bain & Company, kim cương nhân tạo đã chứng kiến sự tăng trưởng nhu cầu và giá giảm so với kim cương tự nhiên, khoảng 30%. Việc chuyển đổi đá quý sản xuất trong phòng thí nghiệm hướng tới có thể trở thành giải pháp thay thế thương mại khả thi cho kim cương thật vốn gây nên những điều tiếng về điều kiện lao động của nhân công. Tập đoàn LVMH cũng đang tiếp cận lĩnh vực này.
Từ tháng 5/2021, Pandora đã tuyên bố sẽ vĩnh viễn từ bỏ việc sử dụng kim cương tự nhiên trong kinh doanh, chuyển sang kim cương được sản xuất từ phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, thông cáo của Pandora tới người tiêu dùng cho rằng “việc mua kim cương sản xuất trong phòng thí nghiệm là có đạo đức hơn kim cương tự nhiên” đã gặp phải sự chỉ trích của nhiều tổ chức trong ngành trang sức.
Các tổ chức bao gồm Hội đồng Trang sức Có trách nhiệm (RJC), Hội đồng Kim cương Thế giới (WDC), Liên đoàn Trang sức Thế giới (CIBJO), Hội đồng Kim cương Tự nhiên (NDC) và Hiệp hội Các nhà Sản xuất Kim cương Quốc tế (IDMA) đã đồng loạt kêu gọi Pandora ra mắt thị trường kim cương nhân tạo một cách có trách nhiệm và cần tuyên bố một cách công khai rút lại thông tin sai lệch và gây hiểu lầm trong thông cáo của hãng, nhất là về khía cạnh đạo đức xã hội.
Pandora cho rằng đây là giải pháp kinh doanh có trách nhiệm với cộng động và xã hội bởi để khai thác kim cương tự nhiên tại các mỏ thì con người phải chịu nhiều rủi ro thậm chí là nguy hiểm tính mạng. Nhưng trên thực tế, các công ty trang sức lớn của thế giới cũng đang cải thiện nguồn cung ứng vàng và kim cương một cách có trách nhiệm hơn so với trước đây. Các tổ chức cho biết ngành công nghiệp trang sức sử dụng hàng chục triệu người trên khắp thế giới, nhiều gia đình và cộng đồng phụ thuộc vào thu nhập và phúc lợi từ việc khai thác nguồn kim cương tự nhiên.
Đó là chưa kể, việc khai thác mỏ đã trải qua lịch sử lâu dài và nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ thuật phù hợp để điều chỉnh tốt hơn trong khai thác. Cuối thư các tổ chức cho biết: “Chúng tôi cũng thừa nhận rằng quyết định của Pandora về bán kim cương nhân tạo là một bước mở rộng tích cực của ngành trang sức. Nhưng những cảnh báo cũng như sự khẳng định sai lầm và gây hiểu lầm của Pandora về thị trường kim cương tự nhiên có thể làm giảm niềm tin của người tiêu dùng trên tất cả các danh mục và sự nhầm lẫn gây bất lợi cho toàn ngành”.
Bên cạnh đó, nếu kim cương tự nhiên được cho là có liên quan đến xung đột xã hội, quyền con người, thì ngành công nghiệp kim cương nhân tạo lại thiếu sự minh bạch về nguồn gốc và cần nhiều điều kiện về năng lượng chế tạo. Theo báo cáo kim cương toàn cầu 2020 - 2021 của Bain & Company, 50 - 60% kim cương nhân tạo được sản xuất ở Trung Quốc bằng công nghệ áp suất cao, nhiệt độ cao, thay vì kỹ thuật lắng đọng hơi hóa chất sạch hơn ở Mỹ và Ấn Độ. Nhiều thương hiệu kim cương nhân tạo vẫn không công khai nhà máy sản xuất hoặc nguồn gốc.
Vấn đề môi trường cũng là một trong những yếu tố thường được đề cập. Trong một báo cáo được công bố vào năm 2019 bởi Hội đồng kim cương tự nhiên (NDC), người ta khẳng định rằng vì các phòng thí nghiệm nuôi cấy kim cương thường đặt tại các quốc gia sử dụng than đá, khí tự nhiên, nên lượng khí thải để tạo ra 1 viên kim cương trong thí nghiệm cao hơn 3 lần so với một viên được khai thác. Theo “ước tính trung bình trong phạm vi công cộng», Hội đồng này phỏng đoán, cứ mỗi carat kim cương thì có 160kg CO2 được thải ra và con số này đối với kim cương trong phòng thí nghiệm là gần 511kg mỗi carat.
Một số thương hiệu sử dụng kim cương nhân tạo khác, như Lark & Berry hay Kimai – gần đây cũng đã tạo nên tầm ảnh hưởng của mình trong ngành công nghiệp xa hoa này. “Chúng tôi không thể tìm thấy bất kỳ sự minh bạch hay bất kỳ câu trả lời nào nào về điều kiện làm việc tại những mỏ khai thác kim cương,” nhà đồng sáng lập Kimai, Sidney Neuhaus giải thích. “Khi tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi coi những viên kim cương làm trong phòng thí nghiệm là cơ hội để mang lại sự minh bạch và đạo đức cho một ngành công nghiệp lâu đời”.
Còn Tiffany & Co thì vẫn chọn kim cương tự nhiên đồng thời đã công bố sáng kiến truy tìm nguồn gốc đá quý mới của riêng mình, cho phép khách hàng tìm hiểu chính xác quốc gia viên đá của mình được cắt, đánh bóng và đặt hàng. “Chúng tôi vốn đã tích hợp chuỗi cung ứng của mình theo chiều dọc hơn 20 năm trước để có thể cung cấp mức độ minh bạch như hiện nay”, phó chủ tịch cấp cao của Tiffany & Co chia sẻ.
Công ty kim cương Diamond Foundry có trụ sở ở California - là công ty sử dụng 100% năng lượng thủy điện – thì tỏ ra ủng hộ Pandora. Martin Roscheisen, Giám đốc điều hành của Diamond Foundry cho biết: “Một trong những vấn đề lớn nhất của báo cáo là việc “vơ đũa cả nắm” và sau đó đưa ra các tuyên bố chung về tác động môi trường một cách không chính xác và một chiều. Diamond Foundry hiện sử dụng 100% thủy điện trong quy trình sản xuất. Trong khi các báo cáo thì chỉ tập trung vào những phòng thí nghiệm vẫn sử dụng nhiều năng lượng và cho rằng cứ kim cương nhân tạo là tạo ra khí thải. Thực tế không hoàn toàn như vậy!”