Nhiều chiêu trò lừa đảo ở Thái Lan "rình rập" du khách. Ảnh: Time Out.
Theo World Nomads, đơn vị chuyên cung cấp bảo hiểm và những câu chuyện về du lịch trên toàn thế giới, người dân Thái Lan luôn niềm nở với du khách. Tuy nhiên, số kẻ lừa đảo vẫn đang gia tăng. Dựa trên hàng chục chuyến đi tới Thái Lan của mình, cây viết Ronan O'Connell đã chỉ ra những chiêu trò phổ biến nhất tại xứ Chùa Vàng.
Lừa đảo taxi
Taxi là phương tiện phổ biến nhất với khách quốc tế khi tới Thái Lan. Chi phí cho loại phương tiện này không đắt nếu tài xế chạy theo đồng hồ tính cước. Tuy nhiên, không phải tài xế nào cũng thật thà như thế.
Kinh nghiệm là trước khi bước vào chiếc taxi, hãy đảm bảo tài xế đồng ý chạy theo đồng hồ. Nếu không, sau khi kết thúc chuyến đi, họ có thể yêu cầu bạn trả mức giá "trên trời".
Không phải tài xế taxi nào ở Thái Lan cũng đồng ý chạy theo đồng hồ tính cước. Ảnh: Lalalocker.
Trong trường hợp tài xế đột ngột tắt đồng hồ giữa chừng, hãy bình tĩnh và chụp lại thông tin của họ, đồng thời dọa báo cảnh sát. Hầu hết tài xế đều sẽ sợ và báo giá hợp lý.
Tuk tuk cũng là thứ cây viết của World Nomads nghĩ nên tránh. Dù đây là loại phương tiện truyền thống và đặc trưng của Thái Lan, trải nghiệm thực tế cho thấy nó khá nóng, thiếu an toàn. Mức giá bạn phải trả không hề rẻ hơn taxi. Tài xế cũng không thường chạy theo đồng hồ và nói thách.
Những môn thể thao dưới nước
Ronan kể chuyến đi của 2 người bạn mình đã mất vui vì trò lừa đảo liên quan đến những môn thể thao dưới nước.
"Ở các bãi biển, nhiều người cung cấp dịch vụ như môtô nước, kayak, dù lượn... Bạn tôi đã thuê chiếc ván trượt phản lực của họ. Sau khi trả đồ, họ báo bạn tôi đã làm hỏng và đòi bồi thường với giá cắt cổ", Ronan nói.
Du khách có thể bị lừa khi tham gia các trò chơi trên biển. Ảnh: Qbic.
Theo anh, du khách nên đặt những dịch vụ này thông qua các đơn vị uy tín hoặc khách sạn 4-5 sao. Trong trường hợp nhà cung cấp do khách sạn chọn cố ý lừa đảo, khách sạn vẫn sẽ đứng về phía khách hàng.
Rủi ro thuê xe máy
Thứ nhất, du khách hay bị các chủ xe bồi thường do lỗi không phải do mình gây ra. Bạn cần chụp lại toàn bộ chiếc xe và gửi cho cửa hàng để làm bằng chứng về tình trạng khi nhận. Ngoài ra, không để đơn vị cho thuê xe giữ hộ chiếu mà chỉ đồng ý cho họ chụp lại. Việc bị cầm hộ chiếu đôi khi khiến bạn rơi vào thế khó.
Thứ hai, bạn cần có một chiếc camera hành trình để ghi lại những gì xảy ra. Việc chạy xe ở một nước khác không dễ, kể cả với người có kinh nghiệm cầm lái. Khi xảy ra tai nạn với phương tiện khác, du khách thường rơi vào thế khó do không hiểu tiếng Thái. Camera hành trình là thứ hữu ích trong tình huống này.
Chạy xe máy ở Thái Lan đòi hỏi du khách cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Ảnh: Bangkok Post.
Ngoài ra, chạy xe máy ở Thái Lan không an toàn. Theo New York Times, thống kê năm 2019 chỉ ra Thái Lan có số ca tử vong do tai nạn xe máy tính theo đầu người cao thứ hai thế giới.
Những trò lừa đảo khác
Phần cuối bài viết, Ronan đưa ra một số trò lừa đảo khác ít xảy ra hơn nhưng không phải hiếm:
- Bạn không nên mua đá quý, trang sức đắt tiền ở Thái Lan trừ khi là chuyên gia hoặc có người đủ chuyên môn đi cùng. Họ thường sẽ bán đồ giả, chất lượng kém cho du khách.
- Các quán bar ở khu đèn đỏ thường khống giá trong hóa đơn. Hãy đảm bảo biết giá đồ uống trước khi gọi.
- Nếu một người lái xe tuk-tuk gợi ý cho du khách một tour du lịch với mức giá thấp, họ thường sẽ đưa bạn đến những nơi như tiệm may, cửa hàng quà tặng và cửa hàng đá quý. Những người lái xe này nhận được hoa hồng từ cửa hàng để dụ khách đến.
Du khách cần cẩn thận trước những lời mời chào ở Thái Lan. Ảnh: Lonely Planet.
- Hãy cảnh giác với những người Thái Lan nói tiếng Anh trôi chảy bất ngờ bắt chuyện bạn tại các điểm du lịch - thường là đền, cung điện. Họ sẽ thông báo địa điểm đóng cửa hoặc không nên vào rồi gợi ý một hoạt động thay thế. Đây là trò bán tour của kẻ lừa đảo.