Vô tình ném Bitcoin ra… bãi rác
James Howells, kỹ sư công nghệ người Anh có 2 ổ cứng máy tính xách tay giống hệt nhau được cất trong ngăn kéo. Một ổ trống và cái còn lại chứa 8.000 Bitcoin – hiện trị giá khoảng 145 triệu USD (theo giá ngày 12/1). Howells định vứt bỏ ổ cứng không chứa dữ liệu. Tuy nhiên, một sự nhầm lần khiến ổ cứng chứa tiền số lại được đưa đến bãi rác.
9 năm sau, anh quyết tâm lấy lại số Bitcoin mà mình đã kiếm được từ năm 2009. Cựu kỹ sư IT mong muốn chính quyền địa phương cho phép sử dụng những thiết bị công nghệ cao để tìm chiếc ổ cứng chôn dưới núi rác đã bị san lấp.
Trong gần một thập kỷ qua, hội đồng thành phố Newport đã nhiều lần từ chối yêu cầu của Howells với lý do việc này sẽ tốn kém và gây hại cho môi trường. Tuy nhiên, anh vẫn không nản lòng.
Howells đã chia sẻ với Insider về kế hoạch 11 triệu USD của mình – huy động từ các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm – để tìm kiếm chiếc ổ cứng trong 110.000 tấn rác. Năm 2021, Howells tuyên bố đang dùng hệ thống máy quét tia X kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để lục soát bãi rác, tìm chiếc ổ cứng chứa 7.500 Bitcoin. Anh hy vọng kế hoạch này sẽ đủ sức thuyết phục hội đồng thành phố Newport.
“Không có chi tiết nào để Howells có thể trình bày và thuyết phục hội đồng. Đề xuất của anh ấy tạo ra rủi ro sinh thái đáng kể, khiến chúng tôi không thể chấp nhận, thậm chí khó cân nhắc do các điều khoản trong quy định”, đại diện hội đồng Newport chia sẻ.
Chủ nhân giấu quá kỹ
Matthew Mellon là một nhà đầu tư người Mỹ, nổi tiếng với các khoản đầu tư vào đồng mã hóa Ripple (XRP). Ông chọn XRP vì đó là một trong số ít đồng tiền mã hóa hoạt động trong hệ thống ngân hàng. Ông cho biết: “Tôi là người ủng hộ Mỹ, ủng hộ các doanh nghiệp và ngân hàng. Đó là lý do tôi chọn Ripple”. Tài sản tiền mã hóa của Mellon trị giá khoảng 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, năm 2018, nhà đầu tư người Mỹ bất ngờ qua đời ở tuổi 54. Theo Forbes, ông giấu tài sản của mình trong các ví lạnh được rải khắp nhiều ngân hàng trên nước Mỹ. Nhưng ông chưa bao giờ tiết lộ với bất cứ ai vị trí các ngân hàng và mật khẩu để mở khóa ví lạnh. Đến năm 2019, vẫn không có bất kỳ thông tin nào về số tài sản thất lạc của Matthew Mellon.
Quên mật khẩu ví Bitcoin
Stefan Thomas, lập trình viên người Đức, nổi tiếng vì câu chuyện "dở khóc dở cười" khi sở hữu hàng nghìn Bitcoin nhưng... không thể mở ví. Theo New York Times, ví của Thomas chưa 7.002 Bitcoin trị giá gần 130 triệu USD (tính theo giá ngày 12/1) nhưng do không nhớ được khóa riêng tư (private key), anh không có cách nào tiếp cận được số tiền này của mình.
Thomas đã nhập sai mật khẩu 8 lần, chỉ còn 2 lần thử cuối cùng. Nếu tiếp tục nhập sai, anh có nguy cơ mất toàn bộ số Bitcoin trong ví. Thomas cho biết có những khi anh thức cả đêm, cố nhớ lại mật khẩu, tìm cách khôi phục số Bitcoin đã mất, “Tôi đã thử rất nhiều cách khác nhau nhưng không được. Tôi thực sự tuyệt vọng”, anh chia sẻ.
Trong một bài phỏng vấn với New York Times, anh Thomas đưa ra lời khuyên cho những ai sở hữu tiền mã hóa hãy ghi nhớ mật khẩu ví điện tử để không mắc sai lầm như anh.
‘Mẹ tôi để laptop vào đống sắt vụn’
Theo The Sun, một thành viên trên Reddit cho biết mình từng sở hữu 10.000 Bitcoin vào năm 2010 và giữ khóa mở ví trên laptop. Người này tốt nghiệp đại học và quên đi số tiền ảo này. Đến năm 2014, khi tiền mã hóa bắt đầu bùng nổ, người này chợt nhớ ra số tài sản thời sinh viên của mình và quay về nhà để tìm lại chiếc laptop cũ.
Lúc này, anh phát hiện chiếc laptop của mình đang nằm trên đống sắt vụn do một lần bị mẹ anh ném ra ngoài. Người này chia sẻ: “Tôi muốn ngất đi vì sốc, tôi tức giận, bối rối, buồn bã, và trải qua rất nhiều cảm xúc khác”. Mỗi khi thấy giá Bitcoin tăng, anh lại càng thêm suy sụp.
“Tôi vẫn nghèo, vẫn sống với bố mẹ. Tôi đi làm nhưng không thích công việc này lắm. Tôi có bạn bè nhưng không liên hệ với họ nhiều và cảm thấy cuộc sống của mình không được như trước kia”, anh cho biết.
Tiền “bốc hơi” do lỗi của kỹ thuật viên
Theo The Guardian, năm 2017, hơn 300 triệu USD tiền mã hóa Ether đã “bốc hơi” vì một lỗi trong dịch vụ ví điện tử Parity.
Ví Parity yêu cầu người dùng phải nhập khóa riêng tư trước khi chuyển tiền. Khi đội ngũ kỹ thuật đang sửa lỗi một lỗ hổng bảo mật, hacker đã đánh cắp 32 triệu USD từ 3 ví điện tử, đồng thời để lại 2 lỗ hổng trong hệ thống.
Lỗ hổng này cho phép một người dùng trở thành chủ sở hữu duy nhất của mọi ví điện tử Parity. Một người dùng có tên “devops199” đã trở thành chủ sở hữu của toàn bộ ví trên hệ thống Parity. Người này cũng vô tình khóa tất cả khoản tiền trong các ví điện tử khiến không ai có thể truy cập.
Đại diện Parity cho biết không thể xác nhận số tiền bị mất và khẳng định số tiền đó không hề bị bị mất mà chỉ đang “đóng băng”. Dù vậy, sai sót của đội ngũ kỹ thuật đã khiến không người dùng nào có thể giao dịch hay rút tiền.
Tham khảo: BI, Forbes, New York Times, The Sun, The Guardian