New York Times cho hay chi tiêu chính trị trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 sẽ phá vỡ kỷ lục cấp tiểu bang và liên bang khi tầng lớp tỷ phú ngày càng lớn. Phần lớn số tiền đến từ các siêu ủy ban hành động chính trị (PAC), chủ yếu là các nhà tài trợ của đảng Cộng hòa.
“Chúng ta liên tiếp phá vỡ các kỷ lục”, Sheila Krumholz - Giám đốc điều hành Open Secrets - chia sẻ. Theo ước tính hôm 3/11, tổng chi tiêu năm 2021 và 2022 sẽ đạt 16,7 tỷ USD sau ngày bầu cử, xô đổ kỷ lục 14 tỷ USD thiết lập vào năm 2018.
Tổng chi tiêu cho cuộc đua liên bang hiện tại là 7,5 tỷ USD và dự kiến đạt 8,9 tỷ USD, vượt qua mốc 7,1 tỷ USD năm 2018. Trong số đó, 15,4% đến từ các tỷ phú, tăng từ 11,9% vào năm 2020. 1% các nhà tài trợ hàng đầu đóng góp 38% tổng số tiền.
Hệ thống tài chính vận động tranh cử Mỹ phản ánh tình hình xã hội của chính nước này, khi hàng trăm nghìn nhà tài trợ nhỏ lẻ đang cố gắng bắt kịp tầng lớp tỷ phú. Đảng Dân chủ đang bám theo xu hướng này, bằng cách thu hút những nhóm thông thường tham gia.
Tuy nhiên, khi lạm phát tại Mỹ ảnh hưởng tới các nhóm nhỏ, thì các nhà tài trợ lớn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, New York Times nhận định.
Nhóm 10 người tài trợ hàng đầu
Theo Open Secrets, PAC là nhóm ủng hộ độc lập thành lập với mục đích thu thập và chi tiền cho các chiến dịch ủng hộ hay không ủng hộ ứng viên nào đó.
Trong khi đó, siêu PAC là thuật ngữ mới xuất hiện từ năm 2010. Siêu PAC không đóng góp cho các ứng viên hoặc đảng phái. Họ thực hiện các khoản chi tiêu độc lập trong cuộc đua liên bang, chạy quảng cáo, gửi hộp thư,... với các thông điệp ủng hộ hoặc không ủng hộ ứng viên nào đó.
Theo MarketWatch, do quy định giới hạn tài trợ, hầu hết tiền mà các nhà tài trợ lớn sẽ chuyển cho siêu PAC.
Trong bầu cử năm nay, để so sánh, đảng Cộng hòa có nhiều tỷ phú đổ dòng tiền vào hơn. Trong kỳ bầu cử lần này, trong số 25 nhà tài trợ hàng đầu, 18 người thuộc đảng Cộng hòa, theo Open Secrets. Các tỷ phú chiếm 20% tổng số tài trợ của đảng Cộng hòa, so với 14,5% của đảng Dân chủ.
Mặc dù không phải cứ chi nhiều sẽ dành chiến thắng, tiền chắc chắn sẽ giúp một ứng cử viên đi đúng hướng, theo MarketWatch.
Nhà tài trợ lớn nhất năm 2022 hiện tại là thành viên đảng Dân chủ - George Soros. Tỷ phú này đóng góp ít nhất 126 triệu USD, gần gấp đôi so với khoảng 67 triệu USD của 2 nhà tài trợ lớn tiếp theo là Richard Uihlein và Kenneth C. Griffin.
Tuy nhiên, số khoản tài trợ của ông Soros chuyển cho PAC Democracy, và tổ chức này mới chỉ giải ngân khoảng 15 triệu USD.
Ngược lại, tổng 135 triệu USD từ ông Uihlein và ông Griffin phân bổ đều trong đảng Cộng hòa, với các quảng cáo chính trị có thể sớm đảm bảo giúp đảng này kiểm soát Quốc hội Mỹ.
Ngoài ra, cũng có một số nhà tài trợ ít nổi tiếng hơn. Ví dụ, Jeff Yass - người thành lập quỹ Susquehanna International Group - không phải là cái tên quen thuộc, nhưng khoản tiền 50 triệu USD đưa ông lên vị trí thứ 4 trong danh sách nhà tài trợ hàng đầu trong đợt bầu cử này.
Cái tên thứ 5 trong danh sách là Timothy Mellon - chủ tịch công ty vận tải Pan Am Systems. Nhà tài trợ đứng vị trí thứ 6 là Samuel Bankman-Fried, tỷ phú tiền điện tử 30 tuổi. Khoản đóng góp 37 triệu USD đổ vào 2 siêu PAC chính của đảng Dân chủ cũng như các chiến dịch chính thức khác.
Số còn lại trong danh sách là Stephen A. Schwarzman của công ty đầu tư Blackstone Group; nhà đầu tư công nghệ Peter Thiel; J.D. Vance và Blake Masters; giám đốc điều hành truyền thông Fred Eychaner và tỷ phú sáng lập tập đoàn phần mềm Oracle Larry Ellison.
New York Times nhận định điểm đáng chú ý là sự vắng mặt của S. Donald Sussman từ quỹ đầu cơ Paloma Partners. Trước đó, ông từng là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho đảng Dân chủ, nhưng năm nay tụt khỏi cả top 50.
Chưa phải con số chính xác
Tuy vậy, các con số tài trợ cho chiến dịch khó theo dõi chính xác.
Theo cố vấn cựu Thị trưởng Michael R. Bloomberg của New York, tổng số tiền mà ông ủng hộ đảng Dân chủ cho bầu cử 2022 là 70 triệu USD. Tuy nhiên, các khoản tài trợ của ông chủ yếu tập trung vào cuộc đua giành chức thống đốc ở các bang chiến trường như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Nevada. Đóng góp này không xuất hiện trong cơ sở dữ liệu chiến dịch liên bang.
Do đó, con số mà New York Times hoặc Open Secrets thống kê không thể coi là hoàn chỉnh bởi con số thực có thể cao hơn. New York Times cho biết đây là vỏ bọc phức tạp, khi họ trao tiền cho tổ chức chính trị này, rồi lại trao lại cho các tổ chức chính trị khác, nhằm che giấu chính xác ai gửi bao nhiêu tiền cho ai.
Ngoài ra, một số tổ chức “phúc lợi xã hội” được miễn thuế nên họ không bao giờ tiết lộ các nhà tài trợ. Bằng cách xáo tiền từ tay nhóm này sang tay nhóm khác cho đến khi tiêu hết số tiền, các ứng cử viên và nhà tài trợ có thể chối bỏ cách số tiền này được sử dụng ra sao.