Tờ Nikkei Asian cho biết, Trung Quốc có khả năng bị tổn hại về kinh tế do sự đổ vỡ của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, nhưng các chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh có vẻ hài lòng với trạng thái này và đang không gây sức ép cho Nga trở lại thỏa thuận cho phép cả Nga và Ukraine xuất khẩu nông sản ra thế giới, bất chấp chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Theo Sáng kiến Biển Đen được đưa ra vào tháng 7 năm ngoái và Nga đã rút lui vào 1 năm sau đó, Moscow đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa thời chiến và cho phép 32,9 triệu tấn sản phẩm nông nghiệp của Ukraine bao gồm lúa mì, lúa mạch và ngô được xuất khẩu ra toàn cầu.
Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều nhất các mặt hàng theo sáng kiến này với 7,9 triệu tấn nông sản, tương đương gần 1/4 lô hàng của Ukraine. Bắc Kinh đã nhập khẩu khoảng 5,8 triệu tấn ngô, 1,8 triệu tấn bột hạt hướng dương, 370.000 tấn dầu hướng dương và 340.000 tấn lúa mạch.
David Riedel, người sáng lập Riedel Research Group, cho biết: “Trung Quốc là nước mua ngũ cốc lớn nhất của Ukraine và do đó, với sự sụp đổ của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, áp lực đối với Bắc Kinh sẽ rất lớn về mặt lạm phát giá lương thực”.
“Họ có thể đã dự trữ trước một chút lương thực trước khi thỏa thuận này bị phá vỡ nhưng đó là kho dự trữ trong vài tuần chứ không phải vài tháng. Tôi sẽ rất lo lắng về lạm phát giá lương thực ở Trung Quốc," ông Riedel nói thêm.
Willy Wo-Lap Lam, một thành viên cao cấp tại Quỹ Jamestown, một tổ chức nghiên cứu chính sách ở Washington, cho biết mặc dù Trung Quốc đang bị ảnh hưởng do sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình dường như quyết tâm ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, đặc biệt là trước sự cạnh tranh của Bắc Kinh với Mỹ và các đồng minh phương Tây.
“Mặc dù Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu ngũ cốc [từ Ukraine], nhưng họ coi trọng các yếu tố về địa chính trị và an ninh quốc gia hơn,” ông Lam nói.
Trung Quốc "cần sự giúp đỡ của Nga, mặc dù về mặt kinh tế, Nga đang bị ảnh hưởng nhiều", chuyên gia Lam nói, đồng thời cho biết thêm rằng GDP của Nga chỉ bằng 10% GDP của Trung Quốc.
Một quan chức Ukraine nói với Nikkei rằng Trung Quốc đã không sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga để thuyết phục Moscow duy trì sáng kiến Biển Đen .
“Mặc dù Trung Quốc là một trong những bên hưởng lợi chính từ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, nhưng Bắc Kinh đã chọn cách đứng yên và không can dự vào việc thúc đẩy Nga tiếp tục thỏa thuận”, nguồn tin giấu tên cho biết.
Quan chức này cũng nói thêm, Trung Quốc thích tình hình hiện tại hơn, bởi nó khiến Moscow phụ thuộc vào Bắc Kinh và đảm bảo khả năng tiếp cận dầu giá rẻ của Nga.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, ông Cảnh Sảng, ngày 22/7 kêu gọi tất cả các bên liên quan cố gắng đạt được "giải pháp cân bằng cho các mối quan tâm chính đáng của tất cả các bên" và duy trì việc xuất khẩu ngũ cốc cũng như phân bón từ Nga và Ukraine.
Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Á-Âu Carnegie của Nga, tin rằng Trung Quốc quan tâm đến việc khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, nhưng rất có thể Bắc Kinh hiểu rằng Nga không có ý định tiếp tục sáng kiến đó vào thời điểm này.
Ông Gabuev tin rằng Trung Quốc quan tâm đến việc trở thành một nhà ngoại giao hòa bình trong cuộc xung đột và sẽ tiếp tục thể hiện vai trò này, trong khi đó, vẫn sẽ nhận những lợi ích từ các ưu đãi của thị trường Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích việc Nga rút lui khỏi thỏa thuận và tuyên bố sẽ hợp tác với các đồng minh để tìm cách giảm thiểu cuộc khủng hoảng lương thực đang gia tăng một phần do sự sụp đổ của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
“Kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận vào ngày 17/7, phớt lờ lời kêu gọi của thế giới, giá ngũ cốc đã tăng hơn 8%,” ông Blinken nói.
Về phía Nga, Tổng thống Putin cáo buộc phương Tây "trục lợi" từ Sáng kiến Biển Đen. Ông chỉ ra, hơn 70% ngũ cốc Ukraine xuất khẩu nhờ thỏa thuận đã được chuyển tới những nước có thu nhập cao hoặc trên trung bình, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), không phải sang các nước nghèo nhất.
Tổng thống Putin cũng chỉ ra, biện pháp trừng phạt của phương Tây thậm chí ngăn cản Nga cung cấp phân bón miễn phí cho các nước nghèo: "Thông qua lệnh trừng phạt, phương Tây cản trở nguồn cung ngũ cốc và phân bón của Nga. Song họ còn đổ lỗi cho chúng tôi về tình trạng khủng hoảng hiện nay của thị trường lương thực thế giới".