Phát hành nợ chính phủ ở Mỹ và Anh được dự báo sẽ tăng lên mức cao nhất lịch sử trong năm nay, nếu không tính giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19. Các thị trường mới nổi cũng dự kiến phát hành trái phiếu mạnh mẽ, dù tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của các nước này đã tăng lên mức kỷ lục mọi thời đại 68,2% vào năm ngoái - theo dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF).
Thâm hụt ngân sách “đang vượt khỏi tầm kiểm soát và câu chuyện thực ở đây là không có một cơ chế nào để đưa thâm hụt về tầm kiểm soát”, ông Jim Cielinski - trưởng bộ phận trái phiếu toàn cầu của công ty Janus Henderson - nhận định với Financial Times. Ông nói thêm rằng vấn đề này sẽ trở thành một mối lo lớn đối với thị trường trong vòng 6-12 tháng tới.
Nhà đầu tư bắt đầu "nghĩ lại" về trái phiếu chính phủ
Theo ước tính của công ty Apollo Global Management, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phát hành khoảng 4 nghìn tỷ USD trái phiếu trong năm nay, với thời hạn của trái phiếu dao động từ 2-30 năm. Lượng phát hành này tăng từ con số 3 nghìn tỷ USD trong năm ngoái và mức 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2018.
Mức phát hành ròng trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ - sau khi trừ đi lượng trái phiếu mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mua và số trái phiếu đáo hạn - dự kiến sẽ đạt 1,6 nghìn tỷ USD trong kỳ 12 tháng kết thúc vào tháng 9/2024, theo ước tính của công ty RBC Capital Markets. Đây là mức cao thứ hai trong lịch sử. RBC dự báo lượng phát hành ròng trái phiếu kho bạc Mỹ trong năm 2024-2025 sẽ cao hơn mức trước đại dịch.
Giới quản lý quỹ cho rằng quy mô vay nợ ngày càng lớn của các chính phủ có thể khiến thị trường phân tâm thay vì tập trung vào hướng đi của lãi suất trong tương lai như thường thấy.
“Chúng ta đang thực sự ở trong một môi trường mà nợ chính phủ tăng thiếu kiểm soát, nếu so với những thế kỷ trước. Ai cũng dễ dàng mua trái phiếu chính phủ bây giờ, dù là ở Mỹ hay Italy. Nhưng đã có một vài dấu hiệu gần đây cho thấy nhà đầu tư và các tổ chức đánh giá tín nhiệm bắt đầu nghĩ lại về điều này”, ông Robert Tipp - trưởng bộ phận trái phiếu toàn cầu của công ty PGIM Fixed Income - nhận định.
Nước Anh, quốc gia dự kiến có bầu cử trong năm nay, đang tiến tới có năm phát hành nợ công nhiều thứ hai trong lịch sử, chỉ sau năm 2020 - thời điểm mà Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) ồ ạt mua trái phiếu để bơm tiền vào nền kinh tế trong giai đoạn đầu của đại dịch. Lượng phát hành ròng, sau khi trừ đi lượng BOE mua vào và cộng thêm lượng mà BOE bán ra, được dự báo sẽ lớn gấp 3 lần so với mức bình quân hàng năm trong thập kỷ qua.
Ông Keir Starmer - thủ lĩnh Công Đảng, chính đảng đang dẫn trước với khoảng cách lớn trong các cuộc thăm dò dư luận ở Anh - đã giảm lời hứa vay 28 tỷ bảng mỗi năm để phục vụ cho “kế hoạch thịnh vượng xanh” của đảng này trong bối cảnh những lo ngại về mức nợ công ngày càng lớn.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Financial Times vào tuần trước, ông Robert Stheeman - người đứng đầu Văn phòng Quản lý nợ của Chính phủ Anh - cảnh báo rằng “trong một thế giới mà chính phủ có nợ để bán, các nhà hoạch định chính sách không thể ngó lơ thực tế thị trường”.
Ở châu Âu, 10 nền kinh tế thuộc hàng lớn nhất khu vực eurozone dự kiến sẽ phát hành khoảng 1,2 nghìn tỷ euro nợ công trong năm nay - bằng với mức của năm ngoái, theo ước tính của ngân hàng NatWest. Tuy nhiên, nhà băng này dự báo lượng phát hành ròng của các nước này sẽ tăng 18% so với năm ngoái, đạt 640 tỷ euro.
Bầu cử, động lực để vay nợ nhiều hơn
Mối lo về nợ công gia tăng khi năm 2024 là một năm diễn ra bầu cử ở nhiều quốc gia. Bầu cử là động lực để các nhà lãnh đạo chính trị vay nợ nhiều hơn để tăng chi tiêu nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri. Với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào 5/11/2024, chưa có dấu hiệu nào cho thấy ý muốn kiềm chế vay nợ ở tất cả các ứng cử viên tiềm năng.
“Nhìn vào hai ứng cử viên dẫn đầu, có vẻ như tình hình sẽ không thay đổi ngay cả khi bầu cử đã xong. Họ sẽ tiếp tục mức chi tiêu cao. Sẽ đến lúc tình trạng này dẫn tới vấn đề đối với nước Mỹ”, ông David Zahn - trưởng bộ phận trái phiếu châu Âu của công ty Franklin Templeton - đề cập đến Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump, người có thể đối đầu trực tiếp với ông Biden trong cuộc bầu cử sắp tới.
Thâm hụt ngân sách của Mỹ so với GDP được dự báo sẽ dao động trong khoảng 6,5-8% GDP trong 4 năm tới, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tỷ lệ này tăng mạnh từ mức 4% vào năm 2022. Tiền trả lãi nợ công của nước này được dự báo sẽ tăng từ mức dưới 3% GDP vào năm 2022 lên 4,5% GDP vào năm 2028.
IIF cảnh báo rằng một loạt cuộc bầu cử và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn ở các nền kinh tế mới nổi “đặt ra lo ngại về sự gia tăng vay nợ của chính phủ và kỷ luật tài khoá lỏng lẻo, bao gồm ở Ấn Độ, Nam Phi, Pakistan và Mỹ”.
“Nếu các cuộc bầu cử sắp tới dẫn đến các chính sách dân tuý nhằm kiểm soát căng thẳng xã hội, hệ quả có thể là chính phủ vay nợ nhiều hơn và bớt kiềm chế tài khoá hơn”, IIF nhận định, cho rằng một sự gia tăng đột biến về chi tiêu công trong chu kỳ bầu cử toàn cầu này “có thể làm gia tăng gánh nặng tiền lãi đối với nhiều chính phủ, từ mức vốn dĩ đã cao hiện nay”.