Theo Bloomberg, giá nhà ở tại Trung Quốc đã chấm dứt chuỗi giảm kéo dài 16 tháng và ổn định trong tháng 1. Đây là tín hiệu tốt đối với ngành công nghiệp bất động sản Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh tăng cường các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực này.
Cụ thể, theo dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 16/2, giá nhà mới tại 70 thành phố của Trung Quốc đã đi ngang trong tháng 1, sau khi lao dốc 0,25% vào tháng 12/2022.
Trên thị trường nhà cũ, giá nhà chỉ giảm 0,28%, thấp hơn mức 0,41% của tháng 12 năm ngoái.
Nỗ lực của Bắc Kinh
Tháng 1 được coi là phép thử quan trọng đối với nhu cầu nhà ở Trung Quốc. Bởi sau nhiều năm, những lao động nhập cư và nhân viên văn phòng có thể về quê để mua nhà trong dịp Tết Nguyên đán. Họ đã mắc kẹt tại các thành phố lớn do các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của China Real Estate Information, doanh số của 100 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc vẫn giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá nhà tại Trung Quốc ngừng giảm sau khi Bắc Kinh tiếp tục tung thêm một loạt biện pháp hỗ trợ, trong đó có kế hoạch nới lỏng các hạn chế đối với việc vay vốn của doanh nghiệp bất động sản, giải quyết nguy cơ "đứt gãy dây chuyền vốn" trong lĩnh vực này.
Trung Quốc đang có kế hoạch nới lỏng hạn chế đối với việc vay vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Chính sách 3 lằn ranh đỏ - được công bố vào cuối năm 2020 - khiến cuộc khủng hoảng địa ốc tại đất nước 1,4 tỷ dân càng thêm trầm trọng.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Bắc Kinh có thể cho phép một số công ty bất động sản tăng đòn bẩy bằng cách tăng giới hạn vay và giãn thời gian ân hạn.
Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã, Bộ trưởng Nhà ở Trung Quốc Ni Hong cam kết "sẽ nỗ lực nhiều hơn nhằm củng cố niềm tin đối với thị trường bất động sản, tránh rủi ro và đưa ngành công nghiệp vào con đường phát triển vững mạnh".
Ông cũng tuyên bố sẽ hạ tỷ lệ thanh toán trước và lãi suất vay thế chấp cho người chưa sở hữu nhà.
Ngoài ra, Bắc Kinh đang cho phép các thành phố gia hạn những biện pháp được đưa ra hồi tháng 9 năm ngoái. Các biện pháp này cho phép hạ lãi suất đối với những người chưa sở hữu nhà, nếu giá nhà mới giảm liên tiếp 3 tháng.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã ban hành một gói giải cứu 16 điểm đối với ngành bất động sản. Thời điểm đó, đây được coi là tín hiệu giải cứu mạnh mẽ nhất của giới chức Trung Quốc.
Các biện pháp được đưa ra bao gồm gia hạn khoản vay cho doanh nghiệp địa ốc, thúc đẩy doanh số bất động sản thông qua giảm khoản tiền thanh toán trước, cắt giảm lãi suất, thúc đẩy những kênh huy động như phát hành trái phiếu, và đảm bảo việc giao nhà cho khách hàng.
Làn sóng trả nợ trước hạn
Ngoài việc nới lỏng gọng kìm với ngành công nghiệp bất động sản, Bắc Kinh cũng đã đưa ra một số biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế sau nhiều năm theo đuổi chiến lược Zero-Covid. Nhưng theo Bloomberg, nỗ lực này đang gặp trở ngại.
Nhiều người Trung Quốc đang tận dụng các gói vay kinh doanh, vay tiêu dùng lãi suất thấp để trả nợ trước hạn cho những khoản vay mua nhà, vốn có lãi suất cao hơn.
Tại Trung Quốc, hơn 70% hộ gia đình sở hữu nhà riêng. 2/3 tài sản của các hộ gia đình gắn liền với bất động sản. Sự sa sút của lĩnh vực này khiến nhiều người hoang mang.
Lâu nay, họ luôn tin rằng đổ tiền vào bất động sản là cách làm giàu chắc chắn nhất. Giờ đây, người mua nhà muốn nhanh chóng trả hết các khoản vay.
Theo chuyên gia phân tích Judy Zhang của Citigroup, các chủ nhà Trung Quốc có thể đã trả trước 4.680 tỷ nhân dân tệ (khoảng 682 tỷ USD) khoản vay thế chấp vào năm ngoái.
Bà cho biết một số người có thể tận dụng các khoản vay tiêu dùng và kinh doanh lãi suất thấp để trả nợ.
Làn sóng này buộc một số ngân hàng phải áp trần cho những khoản thanh toán trước. Bởi việc trả nợ trước hạn sẽ làm xói mòn lợi nhuận của các nhà băng.